Nhà văn Lê Minh Khuê: Những trang văn thản nhiên giông bão

ANTD.VN - Bàn về thói “giàu xổi” trong truyện “Một chút biển” (tập“Làn gió chảy qua”), nhà văn Lê Minh Khuê có viết như thế này: Nhiều doanh nhân trẻ chưa tan tiệc đứng đã thấy họ hùng hục lao vào mục tiêu, đứng lù lù che lấp cả một khay chân giò nấu đông, lấy một đĩa tú hụ ra đứng một góc như “chó sói canh mồi”… Đại loại là, “xuất thân ở chỗ nhọc nhằn giờ có tiền lại chưa kịp văn minh”. 

Nhà văn Lê Minh Khuê

Những bi kịch lạ lùng

Tập truyện ngắn “Làn gió chảy qua” của nhà văn Lê Minh Khuê bắt đầu bằng một câu chuyện lạ kỳ. Một người mẹ kế hàng đêm dọa ma con riêng của chồng. Chị ta làm vậy để đuổi những đứa trẻ ra khỏi ngôi nhà tổ tiên chúng, với ý định độc chiếm cơ nghiệp này.

Truyện kể ra nghe thì hoang đường, chẳng mấy ai tin, nhưng ngẫm lại, nó có thể xảy ra đâu đó trong xã hội đầy rẫy những bi kịch. Càng đọc, người ta càng thấy những bi kịch lạ lùng không thường thấy trong các mô-tuýp hiện đại được tác giả phơi bày ra.

Đó là chuyện một gã đàn ông thất thế bị đuổi khỏi khu công nghiệp vì bị nghi ăn cắp một bộ linh kiện điện tử, hóa ra thủ phạm chính là cô người tình mà anh ta đang “ăn nhờ ở đậu”. Rồi đến một người lính già suốt đời đi bảo vệ một cây bao báp lạ lùng, loài cây tưởng chỉ có ở lục địa đen Phi châu xa xôi, ôm ấp mối tình vời vợi với cô gái Sài Gòn năm xưa.

Và những góc cạnh “thời sự” như mối tình giữa cậu bé thợ hàn học việc và anh xe ôm tốt bụng trong khu nhà tạm bợ giữa lòng thành phố. Trong những câu chuyện đó, người ta thấy bóng dáng của những con người nửa muốn thoát thai, nửa vẫn sống dựa vào quá khứ.

Một kẻ mang bằng kỹ sư thà bị đuổi chứ không ăn cắp vì người cha là lính trong chiến tranh từng vác ba lô tiền chi viện cho chiến trường miền Nam nhưng chưa bao giờ tơ hào đến một đồng. Một cậu trai trẻ hy sinh tiền đồ rộng mở để tình nguyện giúp đỡ những con người ở  những vùng đất cày lên sỏi vì đau đáu nỗi oan phản quốc của ông nội mang trong quá khứ... 

Đọc truyện của Lê Minh Khuê, sẽ thấy những nhân vật của bà dường như không thực, bởi trong cảnh xã hội đảo điên bởi ma lực của đồng tiền, của giá trị đạo đức bị xuống cấp, nhân cách của họ dường như không bị vấy bẩn. Vẫn còn đó những tị hiềm, những mâu thuẫn trong nội tại con người, nhưng niềm tin vào cái tâm trong sáng khiến đa phần những câu chuyện của Lê Minh Khuê đều kết thúc có hậu, khi cái xấu dần bị hóa giải, nhường chỗ cho những điều tử tế lên ngôi. 

“Ma trận chữ” với độc giả

Nếu độc giả nào mới đọc truyện của Lê Minh Khuê có thể không ưa cái cách mà nữ văn sỹ này không cần đến một dấu phẩy trong những truyện ngắn của mình. Chỉ đọc một vài trích đoạn trong truyện ngắn “Cuối chiều” là đủ biết: “Ngày nào bọn trẻ chả nghĩ ra trò mới khi thấy ông Vích thỉnh thoảng mặc áo đại cán quân đội đeo huân chương chi chít trên ngực đi loanh quanh ra mấy chỗ mấy ông ủy ban góp ý hăng say trong khi cánh ủy ban nó đầy việc phải lo đầu óc nó còn chứa đủ thứ phần trăm dự án này phần trăm cổ phần kia…”.

Cứ thế, câu văn kéo dài đến nửa trang, bông lơn như một trò thách đố. Độc giả đôi khi phải mướt mồ hôi, đọc đi rồi đọc lại để không hiểu lầm ý của tác giả. Ở đó, người ta thấy ngòi bút Lê Minh Khuê bình tĩnh đến độ thản nhiên nhưng lại đầy thấu cảm, hiểu đời khi bình về cái xấu, cái tốt: “Cảm thấy mình thượng lưu thật quan trọng. Nó làm da mềm như kem. Mắt trong veo… Thời này lụa là dễ kiếm không ai còn lấy lụa ra đo nhan sắc. Đẹp vì trái tim có nhịp đập khác thường đó mới là cái đẹp hiếm”. 

Nhà văn Hồ Anh Thái đã có vài dòng nhận xét ngắn gọn về Lê Minh Khuê thế này: “Ngoài đời Lê Minh Khuê là một người đàn bà thùy mị, dịu dàng, chỉ nghĩ tốt về người khác, không dùng máy tính, không điện thoại thông minh, đến bây giờ vẫn dùng bút viết văn. Trong tác phẩm của chị thì có đủ những thứ dữ dội khốc liệt, rất nhiều bi kịch cá nhân trên nền lịch sử đầy biến động. Vậy Lê Minh Khuê thực sự là ai? Có lẽ là cả hai con người đó”.