Dư âm Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam:

Nhà văn được tôn trọng bởi tác phẩm

ANTĐ - Đại hội Hội Nhà văn khóa 9 vừa kết thúc, lần Đại hội này được xem là thành công bởi thiết lập được kỷ cương, cởi mở, thẳng thắn và dân chủ. Thay vì 15 ủy viên Ban Chấp hành được bầu, Đại hội chỉ chọn được 6 từ kết quả bỏ phiếu. Con số 6 là ít, so với hơn 1.000 hội viên trên toàn quốc. Song dường như không mấy hội viên bận lòng về sự ít ỏi này, nói theo chữ của nhà thơ Hữu Việt thì BCH nhiệm kỳ mới hoàn toàn có đủ năng lực, trí tuệ, tư duy đột phá. Còn nhà văn Sương Nguyệt Minh thì bảo, BCH hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí “thần kinh thép” để có thể lãnh đạo và đảm đương tốt mọi công việc.

6 người trúng cử vào BCH khóa mới cũng toàn những người nổi tiếng và tài năng của họ đã được nhiều thế hệ độc giả, đồng nghiệp thừa nhận. Vậy còn thiếu gì? Nhà văn Bùi Hoàng Tám gật gù, thiếu phụ nữ, BCH mới “dương thịnh âm suy”, mất cân bằng giới tính quá. Lại thiếu cả tuổi trẻ. Người trẻ nhất vừa trúng cử là nhà văn quân đội Nguyễn Bình Phương cũng đã 50. Nhưng chuyện trẻ già khoan hãy bàn. Thử nói chuyện giới tính trong văn chương xem sao! Văn chương có phân biệt giới tính hay không và các nhà văn có quá quan trọng chuyện “có nam có nữ mới nên xuân” hay không? 

Nhà văn được tôn trọng bởi tác phẩm ảnh 1

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 9 đã bầu ra Chủ tịch - nhà thơ Hữu Thỉnh; 3 Phó chủ tịch: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trí Huân, Trần Đăng Khoa. Cùng các ủy viên là nhà văn Khuất Quang Thụy và Nguyễn Bình Phương. 6 đại biểu được bầu vào Ban Kiểm tra gồm các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Đình Tú, Huỳnh Thạch Thảo, Nguyễn Hồng Thái, Trần Thị Trường, Nguyễn Minh Ngọc, Hải Đường. Nhà văn Khuất Quang Thụy giữ chức Trưởng ban.

Nhà văn Lê Minh Khuê, cây bút nữ nổi tiếng quyết liệt khẳng định, văn chương đâu cần giới tính, trong quá trình sáng tạo tác phẩm thì anh phải viết với tư cách là nhà văn, còn chuyện rạch ròi nhà văn nam - nữ rất vô nghĩa và không cần thiết. Song quan điểm của nhà thơ Trần Thị Trường lại khác.

Bà bảo, thấy tủi thân vì nam hay nữ đều có đủ năng lực trí tuệ để đảm đương công việc như nhau. Không hiểu tại sao trong hơn 1.000 hội viên có tới 200 hội viên nữ  mà không có người nào trúng BCH. Nhà thơ này cũng nhấn mạnh, công tác hội không phải là để giúp đỡ hội viên sáng tác mà là động viên lẫn nhau, tạo môi trường sinh hoạt văn nghệ thúc đẩy sáng tác.  Cũng phải nói thêm, nhà thơ Trần Thị Trường nguyên là Trưởng ban Nhà văn nữ của BCH Hội Nhà văn khóa 8 cũng vì thế nên bà: “Thấy buồn khi giới tính không được tôn trọng”. Tuy nhiên, chuyện này chỉ buồn chút thôi chứ không ảnh hưởng gì. Đặc biệt nữa, nhà thơ Trần Thị Trường là “bông hoa” duy nhất có tên trong Ban Kiểm tra của Đại hội kỳ này. 

Nhà thơ Bình Nguyên Trang, nhà thơ tuổi dưới 40 hiếm hoi ở Đại hội, khi được hỏi cũng bảo thấy hơi tủi thân khi nhìn vào danh sách BCH toàn đàn ông và thiếu đi sự mềm mại của phụ nữ. Nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ quan điểm về chuyện “nữ quyền” ở Đại hội lần này, rằng từ lâu nay, các nhà văn nữ vẫn cứ đòi hỏi các nhà văn nam cần phải tôn trọng nhà văn nữ. Nhưng quan điểm của bà lại khác.

Chuyện tôn trọng nhau hay không chính là ở tác phẩm rọi chiếu dưới ánh sáng mặt trời, đây không phải một hội nhà văn về giới tính, để có thể than phiền về sự coi trọng. Bản thân là phụ nữ, tác giả của “Mặt người mặt hoa” bảo cũng thấy bình thường không hề mặc cảm. Trên tinh thần bình đẳng nam nữ bà đánh giá, đây là một BCH không vì thiếu phụ nữ mà họ không thể làm việc được. Nhưng nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Minh Thái vẫn tiêng tiếc: “Giá mà có phụ nữ thì hoàn hảo hơn”.

Chuyện mất cân bằng giới tính đương nhiên là đề tài để lại nhiều tranh luận phía sau hậu trường Đại hội Hội Nhà văn. Một Đại hội được tiến hành cẩn trọng, nghiêm ngặt và nghiêm túc nhất từ trước tới nay. Lực lượng an ninh hoạt động hết công suất. Ai không có thẻ mà mon men vào dự lập tức bị phát hiện và mời ra ngoài. Mọi “âm mưu” mượn thẻ đề hòng qua mặt lực lượng bảo vệ đều không lọt. Lưng ghế có đề tên từng đại biểu. Vì thế cũng không hề có chuyện đại biểu “đi lạc” sang chỗ khác để túm năm tụm ba hàn huyên tâm sự.

Kỳ cuộc nào cũng vậy, nhất lại là Đại hội Hội Nhà văn mỗi lần “đến hẹn” đều thu hút sự quan tâm của dư luận và báo chí. Xin được dẫn lời nhà văn Y Ban, một tiếng nói mạnh mẽ về nữ quyền trong văn chương để kết bài viết này: “Quan điểm của tôi nhà văn là nhà văn, không cần chia nam nữ”.