Nhà văn Bùi Bình Thi qua đời: Giã biệt những ồn ào, náo nhiệt

ANTĐ - Trên trang facebook cá nhân, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, con trai nhà văn Bùi Bình Thi cho biết, cha anh ra đi đột ngột và thanh thản: “Bố tôi, nhà văn Bùi Bình Thi đã về với nước của Đức Chúa Trời đêm hôm qua, đi theo cách mà ông vẫn thường đi trong suốt cả cuộc đời là thích thì đi thôi, chẳng có gì quan trọng cả”. 

Nhà văn Bùi Bình Thi là một nhà văn bộc trực, thẳng thắn, không uốn éo cầu kỳ câu chữ... Ông to cao, vạm vỡ, luôn cạo trọc đầu, để râu... Vì những ấn tượng đó, ai gặp một lần là nhớ. Cách đây không lâu, tôi có dịp đến thăm gia đình ông ở khu đô thị Ecopark, ông kể rằng đang viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời mình.

Ông coi nó là cuối cùng vì nó có sức nặng “bom tấn” nên ông đầu tư kỹ lưỡng trong tác phẩm này và dự kiến sẽ ra mắt trong thời gian tới. Nhưng thật đáng tiếc, ông chưa kịp hoàn thành cuốn sách và ra mắt tới độc giả thì ông đã ra đi đột ngột vì một cơn tai biến.

Nhà văn Bùi Bình Thi sinh năm 1939 tại Ứng Hòa, Hà Tây (cũ) trong một gia đình theo đạo Tin lành. Cha ông là một mục sư tại một xã hẻo lánh ở vùng Sơn Tây. Khi toàn quốc kháng chiến, cha ông tham gia kháng chiến như những công dân yêu nước khác. Hòa bình lập lại năm 1954, gia đình ông lại trở về quê. Cha ông tiếp tục công việc của một vị mục sư. Thời chống Mỹ, nhà văn Bùi Bình Thi đi bộ đội biệt phái tại mặt trận Xiêng Khoảng (Lào) và hành quân qua nhiều nơi trên đất nước đầy đau thương, nhưng cũng vô cùng anh dũng.

Chính vì thế, sau đó ông có nhiều cuốn sách về mảnh đất này như “Ký sự Xiêng Khoảng” (1970), “Đường về cánh đồng Chum” (1971)... Và thời gian sau đó thì rất nhiều tác phẩm của ông đã xuất hiện và gây tiếng vang trên văn đàn như “Tây Nguyên mùa cày”, “Mặt trời trên đỉnh thác”, “Mùa mưa đến sớm”, “Hành lang phía Đông”, “Kiếp người”... Nhà văn Bùi Bình Thi là người ồn ào, nóng nảy, nhưng cũng đầy lặng lẽ, ông luôn bạo gan, “đao to búa lớn”, nhưng cũng là một người mềm mại, uyển chuyển và có sự dễ tính nhất định trong đời sống.

Lần đến thăm nhà ông, ông ngồi chiếc ghế quen thuộc trên chung cư cao tầng, nơi có cánh cửa kính to nhìn rõ cả một khoảng trời và nhiều cây xanh, ông ngồi đó hoài niệm về rất nhiều ký ức tuổi trẻ. Ông ngồi giữa những giá sách, có những cuốn sách đọc dở và giữa những bức vẽ đẹp mê hồn của người vợ một đời tần tảo, yêu thương ông.

Bà đã bên cạnh ông suốt cả cuộc đời, sinh cho ông hai người con tài năng là đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và họa sĩ Bùi Thu Thủy. Hai người con mà khi nào nói đến ông cũng xem như những người bạn, với một niềm tự hào vì họ đã lấy được gen trội của cả bố và mẹ để có thể mang đến cho đời những tác phẩm nghệ thuật điện ảnh, hội họa đặc sắc.

Hai vợ chồng nhà văn Bùi Bình Thi thời trẻ

Ông từng kể về mối tình với người vợ đảm đang của mình: Tôi lấy được bà nhà tôi cũng là từ duyên thiên định. Hôm ấy tôi cùng nhà văn Đỗ Chu đang đi xe đạp chở nhau trên vỉa hè phố Đường Thành thì Đỗ Chu nhìn thấy cô bạn là người quen đang đi bộ bèn dừng xe lại nói chuyện. Những ngày sau đó, tôi rất ấn tượng vì cô ấy có một mái tóc dài, da trắng, nói năng thùy mị kiểu con gái Hà Nội xưa.

Lúc chào nhau ra về thì Đỗ Chu bảo: “Hay, mày lấy con bé này đi!”. Trong bụng tôi cũng ưng rồi. Tối hôm ấy, tôi rủ Đỗ Chu đến nhà cô ấy ở Hàng Đào chơi. Hồi đó, cô ấy ở cùng mẹ và người anh trai đã lập gia đình, đang có con nhỏ. Tôi ngồi nhìn cô ấy chăm cháu và trong lòng chỉ có một mong muốn duy nhất là cô ấy sẽ sai mình đi lấy hộ… cái tã cho em bé! Đến chơi lần thứ ba thì cuối cùng cô ấy cũng nhờ tôi đi lấy tã cho em bé thật.

Tôi vui quá, chạy ra dây phơi lấy luôn cái tã còn… ẩm mang vào! Một tuần sau thì tôi bảo: “Mỹ ơi, thôi mình lấy nhau đi!”. Cô ấy chỉ cười mà không trả lời. Ba ngày sau, cô ấy bảo: “Em đã hiểu gì về anh đâu mà lấy!”. Tôi bảo: “Tớ cũng đơn giản, dễ hiểu thôi mà!”. Vậy là một tháng sau chúng tôi cưới nhau và năm sau thì có Bùi Thạc Chuyên, mấy năm sau nữa thì có thêm một cô con gái”.

Nhà văn Bùi Bình Thi vừa nhớ lại vừa cười giòn tan: “Bà nhà tôi là con gái quê gốc Đình Bảng, Bắc Ninh, tay năm tay mười.

Tôi với bản tính của nhà văn suốt ngày chỉ bầu bạn, rồi đi khắp nơi thực tế sáng tác, bà ở nhà nuôi hai con nhỏ, Chuyên sinh 1968, Thủy sinh 1971, mà vẫn dung hòa được 7 anh chị em trong gia đình chồng, nội ngoại tươm tất... Các con tôi học hành, trưởng thành được là nhờ cả vào vợ”.

Nhà văn Bùi Bình Thi là một trong những nhà văn có nhiều đầu sách dày dặn, bút lực của ông dồi dào khi viết tiểu thuyết lịch sử, ký sự chiến tranh... Một số đầu sách của ông đã để lại những dư âm trong lòng độc giả, góp một tiếng nói không nhỏ nhận diện một thế hệ nhà văn đi qua chiến tranh. Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết “Xiêng Khoảng mù sương” của ông đã đoạt giải cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (2006-2010). 

Ông cho rằng, văn học dẫu có nói bất cứ điều gì về con người và mối quan hệ giữa con người với con người cũng chẳng mấy quan trọng. Chỉ có tình yêu thương là cái đáng nói nhất và nói mãi cũng chẳng bao giờ đủ.

Nếu văn học làm cho con người thêm vui, thêm ham sống và làm cho mỗi người trong một ngày nhìn thấy được cái đẹp, cái thiện... thì nó hoàn toàn đã đúng với cuộc đời ông. Những trang văn kim cổ với tinh thần ấy đã khơi dậy, thúc giục bản năng văn chương của cậu bé Bùi Bình Thi trong suốt cả thời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành.

Nhà văn Bùi Bình Thi là người ồn ào, bộc trực, nhưng lại có nhiều may mắn. Những ngày tháng cuối đời ông an nhàn, sung sướng, dù sống tách bạch các bạn văn ở khu đô thị xanh, nhưng ông thỉnh thoảng vẫn bắt xe buýt hoặc taxi đi thăm bạn hữu và nắm bắt mọi tình hình văn chương đời sống thông qua nhiều kênh sách báo khác nhau. Ông dù không hiện hữu trên cuộc đời này, nhưng tôi tin rằng, nhiều bạn bè vẫn luôn nhớ tới ông với những kỷ niệm không dễ gì lãng quên cùng năm tháng...

Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng nhà văn Bùi Bình Thi diễn ra từ 8h-10h ngày 25-6-2016. Nhà văn được an táng tại quê nhà, làng Bật, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.