Nhà trọ đầu năm học: Giá thuê tăng, chất lượng xuống

ANTĐ - Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm đầu năm học mới, Hà Nội lại xuất hiện tình trạng “sốt” nhà trọ. Điều khiến không ít tân sinh viên đau đầu là giá nhà trọ ngày càng tăng trong khi chất lượng sống thì… vẫn y nguyên.

Điều kiện sống tại các khu trọ không được  đảm bảo, phòng trọ chật chội, ẩm thấp
nhưng giá... luôn tăng

Giá tăng theo ngày

Ngay sau khi biết tin đỗ đại học, nhiều tân sinh viên ở các tỉnh lân cận đã nhanh chóng lên Hà Nội tìm phòng trọ. Em Nguyễn Thu Thủy ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương - tân sinh viên Trường ĐH Hà Nội tâm sự, do ký túc xá (KTX) của trường hết chỗ nên Thủy phải tìm phòng trọ ở khu vực gần trường. Sau 1 tuần tìm kiếm, Thủy vẫn chưa tìm được chỗ ở ưng ý. “Nghe các chủ nhà trọ hét giá mà em thấy nản. Chỗ gần trường thì giá quá cao, còn nơi xa, giá thấp hơn 1 chút thì điện nước phập phù. Trong khi đó, số tiền tối đa em được dùng cho việc thuê nhà là 400.000 đồng/tháng nên chắc phải tìm bạn ở ghép” - Thủy chia sẻ.

Tương tự, vừa biết tin trúng tuyển vào ĐH Luật Hà Nội, hai bố con em Nguyễn Văn Thắng (ở Sầm Sơn, Thanh Hóa) “khăn gói quả mướp” ra Thủ đô tìm chỗ ở trên phố Pháo đài Láng. “Dù giá phòng khá cao nhưng gần trường, em không phải mua sắm thêm phương tiện mà có thể đi bộ đi học. Điều khiến em lo lắng là nước dùng cho sinh hoạt là nước giếng khoan, khu trọ lại đông đúc nên có thể phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự” - Thắng băn khoăn.

Để “chào đón” sinh viên mới, hầu hết các chủ nhà trọ đều dọn dẹp làm mới phòng, nhà cho thuê. Tuy vậy, đây cũng chỉ là một cái cớ để chủ nhà trọ tăng giá, bởi số tiền họ thu được từ việc tăng giá phòng cao hơn nhiều so với phí tân trang nhà. Tại các khu vực có nhiều trường ĐH như quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân …phòng trọ có diện tích từ 10-12m2 giá cho thuê từ 1,2-1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước luôn được tính theo giá… kinh doanh, kèm với đó là các khoản phí phát sinh như tiền trông xe, vệ sinh… Nhà bà Nguyễn Thị Lan có trên 30 phòng trọ ở khu vực gần Học viện Tài chính (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thông tin, năm nay, giá phòng trọ tăng khoảng 15%. Trung bình giá phòng khép kín là 100.000 đồng/1m2 (mỗi phòng có diện tích trung bình từ 12-15m2/phòng), phòng không khép kín giá 1 triệu đồng/phòng. Người thuê phải trả tiền thuê 6 tháng/lần, điện nước thanh toán riêng. 

Thận trọng kẻo bị lừa

Những sinh viên đi thuê nhà, hầu hết lần đầu tiên đặt chân đến Thủ đô nên chuyện bị chủ nhà trọ bắt chẹt, nâng giá là không hiếm. Tình trạng bị lừa, mất tiền oan cho “cò” cũng diễn ra thường xuyên. Em Lê Đình Minh – sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Công đoàn đọc được thông tin trên tờ rơi “có phòng trọ cho thuê với giá 1,2 triệu đồng” kèm theo số điện thoại. Sau khi gọi điện, Minh đến địa chỉ ghi trên tờ rơi, đã đồng ý đặt cọc 200.000 đồng. Theo lịch hẹn, 3 ngày sau Minh quay lại để ký hợp đồng thì lại gặp 1 người khác (không phải người nhận tiền đặt cọc), nhận là chủ nhà đồng thời cho biết, người mà Minh đã đưa tiền đặt là người thuê cũ, do nợ tiền thuê nhà nên đã bị chấm dứt hợp đồng.

Hầu hết sinh viên khi nhập trường đều có nhu cầu được ở trong KTX do giá rẻ, an toàn, lại tiện cho việc học hành. Song các khu KTX của các trường đều không đáp ứng đủ nhu cầu. Về vấn đề này, ông Thân Văn Trung - Trưởng Ban Quản lý KTX - Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết, chỉ số sinh viên thuộc 1 trong 8 diện được ưu tiên mới được xem xét ở trong KTX. Trong năm học này, nhà trường chỉ có thể sắp xếp cho 400 sinh viên trong tổng số 3000 em khóa mới được ở trong KTX. Số tiền KTX mỗi tháng các em phải thanh toán là 120.000 đồng/sinh viên. Ngoài ra, mỗi em được nhà trường “bao cấp” 10 “số” điện và 3 “số” nước. 

Đối với những sinh viên thuê trọ bên ngoài, ông Thân Văn Trung khuyên, để tránh bị lừa, trước khi quyết định đặt cọc, cần xem xét kỹ về vấn đề an ninh, giá cả, hệ thống công trình phụ của khu trọ... Ngoài ra, khi ký kết hợp đồng thuê nhà, cần đọc kỹ và yêu cầu bên cho thuê đưa vào hợp đồng các điều khoản không thể thiếu là giá phòng, giá điện, nước, thời gian và cách thức thanh toán tiền, trách nhiệm của một trong 2 bên khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, quy định về việc tăng giá…

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đôn đốc Sở Xây dựng hoàn thiện các đơn nguyên nhà ở cho sinh viên thuê tại Khu đô thị Mỹ Đình II và tại Dự án khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp. Trong tháng 8, Sở Xây dựng phải đưa các công trình này vào sử dụng, vận hành và khai thác phục vụ nhu cầu nhà ở năm học mới của sinh viên. Dự kiến, khu nhà sinh viên Mỹ Đình II sẽ cung cấp 7.400 chỗ, dự án Pháp Vân - Tứ Hiệp sẽ cung cấp 10.500 chỗ ở cho sinh viên…