Nhà thuốc vẫn bán kháng sinh tùy tiện vì… mức phạt quá thấp, quản lý lỏng lẻo

ANTD.VN - Theo quy định, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc là vi phạm nhưng mức xử phạt chỉ từ 200.000-500.000 đồng, trong khi lực lượng thanh tra, kiểm tra để xử phạt quá mỏng, việc quản lý bán thuốc cũng còn quá lỏng lẻo...

Nhà thuốc vẫn bán kháng sinh tùy tiện vì… mức phạt quá thấp, quản lý lỏng lẻo ảnh 1 Các nhà thuốc nếu bán lẻ thuốc kháng sinh mà không có kê đơn của bác sĩ là vi phạm quy định pháp luật

6 tháng đầu năm 2018, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương ghi nhận 4 ca tử vong do tự ý mua thuốc điều trị bệnh thủy đậu. Tại Bệnh viện Bạch Mai, các trường hợp phải nhập viện vì gặp phản ứng có hại, dị ứng, ngộ độc do tự ý mua thuốc về điều trị… ngày nào cũng gặp. Đó là hậu quả nhãn tiền từ việc quản lý bán thuốc quá lỏng lẻo, mua bán thuốc kháng sinh không cần đơn quá tùy tiện.

Hà Nội hiện có 1.160 cơ sở bán buôn thuốc, 3.470 nhà thuốc và 2.250 quầy thuốc. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuốc chưa được thực hiện rộng khắp, bài bản. Cụ thể, hiện mới chỉ có 22,5% số nhà thuốc và 5% số quầy thuốc có kết nối internet; 18,3% nhà thuốc và 0,9% quầy thuốc có sử dụng phần mềm quản lý thuốc. 

Để chấn chỉnh tình trạng này, theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dù còn nhiều khó khăn nhưng thành phố đang cố gắng triển khai đúng lộ trình ứng dụng phần mềm quản lý việc mua bán, sử dụng thuốc tại các quầy thuốc, nhà thuốc để thực hiện bán thuốc theo đơn, bảo đảm nguồn thuốc chất lượng và công khai, minh bạch về giá cả. 

Tại cuộc họp giao ban UBND TP Hà Nội vừa diễn ra đầu tuần này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung một lần nữa yêu cầu, dù Bộ Y tế không giao Hà Nội thực hiện thí điểm đề án tăng cường kiểm soát việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn song Sở Y tế Hà Nội cần phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại hệ thống kinh doanh dược, mạng lưới nhà thuốc trên địa bàn, chủ động làm việc, đăng ký với Bộ Y tế để thực hiện.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, mục tiêu là phải khẩn trương ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối toàn bộ nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn nhằm quản lý việc bán thuốc kê đơn, không để tình trạng bán thuốc diễn ra tùy tiện. Mặt khác, phải rà soát lại tiêu chuẩn các nhà thuốc, tiêu chuẩn người bán thuốc, nguồn gốc xuất xứ các loại thuốc… và kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc diễn ra cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng lưu ý việc quản lý bán thuốc tại Việt Nam còn lỏng lẻo, ở đâu người dân cũng có thể tự mua thuốc mà không cần đơn của bác sĩ, nhất là kháng sinh. Tình trạng này không chỉ gây hại cho sức khỏe người bệnh mà còn làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.

Ngay đại diện Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng thừa nhận, nhiều nhà thuốc vì lợi nhuận mà bỏ qua sức khỏe của con người, cốt sao bán được càng nhiều thuốc càng tốt. Hậu quả là, trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Lo ngại hơn, đã xuất hiện một số loại siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh.

Cũng theo Bộ Y tế, bán lẻ thuốc mà không có đơn là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế do số lượng nhà thuốc quá lớn trong khi nhân lực quản lý còn mỏng.

Thêm vào đó, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe. Theo quy định, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; đối với hành vi kê đơn thuốc không đầy đủ, không rõ ràng, không chính xác bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.