Nhà thuốc phải đạt chuẩn GPP

(ANTĐ) - Có đủ tủ, quầy chắc chắn, khay đếm thuốc, túi đựng thuốc và trang thiết bị bảo quản thuốc theo đúng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn thuốc được bán... Phải có tủ hoặc ngăn tủ riêng để bảo quản các thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc độc theo quy định của các quy chế liên quan.

Nhà thuốc phải đạt chuẩn GPP

(ANTĐ) - Có đủ tủ, quầy chắc chắn, khay đếm thuốc, túi đựng thuốc và trang thiết bị bảo quản thuốc theo đúng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn thuốc được bán... Phải có tủ hoặc ngăn tủ riêng để bảo quản các thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc độc theo quy định của các quy chế liên quan.

Nhà thuốc đạt chuẩn thưa thớt
Nhà thuốc đạt chuẩn thưa thớt

Nhà thuốc “made in Vietnam”

Theo quy định cũ, nơi bán thuốc phải có diện tích đủ rộng phù hợp với quy mô kinh doanh, diện tích mặt bằng tối thiểu là 10m2, là địa điểm riêng biệt, ổn định, phải được xây dựng ở nơi cao ráo, sạch sẽ, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về mua, bán, bảo quản và đảm bảo chất lượng thuốc theo đúng quy chế dược hiện hành. Trần nhà phải được bê tông hóa hoặc ít nhất phải có lớp trần chắc chắn để tránh mưa, nắng, bụi từ mái nhà đồng thời tạo khoảng không chống nóng.

Có đủ tủ, quầy chắc chắn, khay đếm thuốc, túi đựng thuốc và trang thiết bị bảo quản thuốc theo đúng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn thuốc được bán... Phải có tủ hoặc ngăn tủ riêng để bảo quản các thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc độc theo quy định của các quy chế liên quan. Thuốc sắp xếp trong tủ, quầy phải đảm bảo yêu cầu dễ thấy, dễ lấy, tránh nhầm lẫn, thực hiện các nguyên tắc nhập trước - xuất trước và nguyên tắc hạn dùng trước - xuất trước. Thuốc phải được bảo quản nơi khô, mát, tránh ánh sáng mặt trời. Phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ.

Quy định đơn giản thế, nên các hiệu thuốc mọc lên như nấm sau mưa. Cách đây vài năm, khi Liên đoàn Dược thế giới sang Việt Nam, họ không khỏi “ngỡ ngàng” trước việc mua bán, phân phối thuốc quá lộn xộn ở nước ta. Tại nhiều nước trên thế giới, việc tìm một hiệu thuốc và mua thuốc để trị bệnh là một điều không hề đơn giản, phải có đơn thuốc của bác sỹ và không phải chỗ nào cũng có nhà thuốc. Nhiều nhà thuốc chỉ gói gọn trong vài ba mét vuông, thuốc để trong tủ kính, để mặc chúng chống chọi với cái nóng bức và ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Dĩ nhiên những thuốc này vẫn còn “date”, nhưng không ai biết những hoạt chất trong thuốc đã bị phân hủy đến cỡ nào, và như thế người tiêu dùng có nguy cơ “tiền mất, tật mang”.

Cần có quy chuẩn cho nhà thuốc GPP

Theo Quyết định 11/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 1-1-2010, tất cả các nhà thuốc trong cả nước phải đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn GPP. Để đạt tiêu chuẩn GPP, các nhà thuốc phải đáp ứng nhiều điều kiện: Người phụ trách chuyên môn hoặc chủ cơ sở phải có Chứng chỉ hành nghề Dược theo quy định hiện hành; diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh nhưng tối thiểu là 10m2, phải có khu vực để trưng bày, bảo quản thuốc và khu vực để người mua thuốc tiếp xúc và trao đổi thông tin về việc sử dụng thuốc với người bán lẻ; thiết bị bảo quản thuốc phù hợp với yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn thuốc, điều kiện bảo quản ở nhiệt độ phòng duy trì dưới 30 độ C, độ ẩm không vượt quá 75%; có sổ sách hoặc máy tính để quản lý thuốc tồn trữ (bảo quản), theo dõi số lô, hạn dùng của thuốc... Sau khi áp dụng tiêu chuẩn GPP, các nhà thuốc đều phải có dược sĩ, chấm dứt tình trạng thuê bằng dược sĩ mở nhà thuốc như hiện nay.

Nhà thuốc kiểu cũ đông khách
Nhà thuốc kiểu cũ đông khách

Cả nước hiện chỉ có khoảng 20% nhà thuốc đủ điều kiện đầu tư GPP. Theo ông Nguyễn Quý Hùng, Phòng Quản lý dược, Sở Y tế Hà Nội, hiện Hà Nội có hơn 1.500 nhà thuốc nhưng số lượng nhà thuốc đạt GPP mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Qua trao đổi với rất nhiều những hiệu thuốc hiện đang kinh doanh, nếu quy định đến hết năm 2010 tất cả nhà thuốc đạt GPP sẽ rất khó thực hiện. Sở dĩ có tình trạng đó là do có sự cạnh tranh không công bằng giữa các nhà thuốc đạt GPP và nhà thuốc không đạt GPP.

Những nhà thuốc đạt GPP phải đầu tư nhân lực, mua sắm trang thiết bị rất lớn, phải nộp thuế đầy đủ, do đó, giá thuốc bị đội lên. Trong khi đó, các cửa hàng thuốc nhỏ khác không cần đầu tư, lại trốn thuế nên giá thuốc thường rẻ hơn. Bên cạnh đó, nếu như không có sự kiểm soát chặt chẽ về giá thuốc như hiện nay, giá thuốc không thống nhất, lại phải đầu tư một số lượng vốn lớn về điều kiện kinh doanh, người bán thuốc sẽ sẵn sàng đội giá lên cao hơn, thiệt thòi sẽ thuộc về người tiêu dùng, dù giá thuốc hiện nay không hề rẻ so với mức thu nhập cá nhân.

Theo ý kiến của nhiều nhà quản lý đến thời điểm 1-1-2009, khi doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất nhập khẩu trực tiếp không thông qua các doanh nghiệp như hiện nay thì Nhà nước sẽ rất khó quản lý giá thuốc và chất lượng thuốc. Cho nên việc ra đời nhà thuốc GPP là một bước đi chiến lược, để chúng ta nắm được thị trường bán buôn, bán lẻ. Song nếu như không có những hỗ trợ từ phía Nhà nước thì với điều kiện cạnh tranh như hiện nay, nhà thuốc GPP sẽ bị chính những nhà thuốc đơn lẻ khác trong nước đánh ngã, và Quyết định 11 vẫn chỉ là quyết định trên giấy.

Được biết, Bộ Y tế đã giao cho Cục Quản lý dược cụ thể hóa một số điều khoản ưu đãi để nhanh chóng đưa Quyết định 11 vào cuộc sống. Theo đó, Nhà nước sẽ có những hỗ trợ đặc biệt đối với các nhà thuốc nhỏ để thực hiện GPP. Cụ thể, phạm vi kinh doanh của các nhà thuốc đạt GPP và không đạt GPP là khác nhau. Các nhà thuốc đạt GPP được bán thuốc trong danh mục kê đơn, thuốc gây nghiện, chuyên khoa, đặc trị... trong khi các nhà thuốc bình thường chỉ được bán các thuốc thông thường, không phải kê đơn. Ngoài ra, nhà thuốc đạt GPP cũng sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, quảng bá thương hiệu, được xuất nhập khẩu dược phẩm, được đào tạo miễn phí...

Yên Hưng