Nhà thơ trẻ trong "cơn lốc" thương mại hóa

ANTĐ - Sớm bộc lộ được tài năng thơ ca nhưng không phải nhà thơ nào cũng đủ khả năng nuôi dưỡng niềm đam mê của mình, nhất là nhà thơ trẻ. Mối lo “cơm áo gạo tiền” cùng sự cạnh tranh của thị trường khiến cho đường đi của thơ trẻ trở nên khó khăn. 

Nhà thơ trẻ trong "cơn lốc" thương mại hóa ảnh 1Trước khi nổi tiếng, nhiều nhà thơ trẻ trải qua những tháng ngày long đong

“Cơm áo không đùa với khách thơ” 

Có một thực tế không phủ nhận đó là tín hiệu khởi sắc trở lại ở thị trường thơ trẻ một vài năm trở lại đây. Nếu trước đây thơ vẫn bị coi là lép vế so với văn xuôi thì nay với một vài cái tên nổi bật như Phong Việt, Nồng Nàn Phố… thơ trẻ đã dần chiếm lại được sự quan tâm của người đọc. Nhưng để ra mắt một tập thơ và được độc giả nhớ mặt, biết tên, với nhiều nhà thơ là cả một quá trình.

Nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh là một người như thế. Sống trong bóng tối từ năm lớp 7, tưởng chừng số phận đã mỉm cười khi anh có một gia đình êm ấm với vợ và 2 con, do lao động quá sức, gánh nặng kinh tế cùng những mâu thuẫn gia đình khiến tổ ấm của anh điêu đứng, rồi dần tan vỡ. Một thời gian sau cha anh qua đời vì căn bệnh ung thư. Đến lúc này, anh phải nhờ tới thơ để tìm niềm an ủi cho mình. Nhờ một số người đồng cảm giúp đỡ, anh mới có thể cho ra mắt tập thơ “Thức cùng bóng tối”.

Không éo le như Nguyễn Việt Anh nhưng Lương Đình Khoa cũng trải qua một quãng đường không mấy bằng phẳng để đến được với thơ. Trước tập thơ “Ai rồi cũng phải cố quên một người”, anh từng xuất bản một tập thơ và một truyện ngắn, trong đó tập thơ “Khuôn mặt tình yêu” là do anh tự bỏ tiền túi để in, tuy nhiên cả hai gần như không được biết đến.

Là cựu sinh viên Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng sau khi ra trường, Lương Đình Khoa cũng mất 4 năm làm cho một tờ báo điện tử. Tạm gác tình yêu với thơ, anh về mở một quán trà để kiếm thêm thu nhập. Thêm vài năm bươn chải, anh mới nhận ra thơ văn là niềm đam mê của cả đời nên quay trở lại với việc viết lách. Bởi vậy đến giờ, nhà thơ này bằng lòng sống qua ngày trên một căn gác nhỏ ở phố Phan Văn Trường để chuyên tâm sáng tác. Nói một cách lạc quan như nhà thơ này: “có người chịu in thơ là tốt lắm rồi”. 

Nhà thơ trẻ trong "cơn lốc" thương mại hóa ảnh 2Với nhiều nhà thơ trẻ, được in sách đã là thành công 

Khi thơ là nghề tay trái  

Trước khi đến với thơ, nhiều nhà thơ trẻ đã chọn con đường khởi nghiệp khác nhau. Lu của “Lấp kín một lặng im” đã từng lặng lẽ rút khỏi giảng đường, nơi chàng trai này theo học ngành Biên dịch tiếng Anh để đi tìm một niềm đam mê khác. Ít ai biết tác giả của những vần thơ lãng mạn, dịu dàng lại từng nhiều năm mưu sinh bằng việc mở quán cà phê và chụp ảnh trên phố.

Cây bút sinh năm 1991, Du Phong (tên thật là Nguyễn Tuấn Trung), người có khá nhiều tác phẩm được giới trẻ yêu thích như “Đừng gọi anh là người yêu cũ”, “Có anh ở đây rồi hạnh phúc cũng ở đây”, “Ai đó đã bỏ ta đi”, “Yêu đi thôi, muộn lắm rồi”… thì nghề chính là phiên dịch viên. Có thể nói, dù mới có tập thơ đầu tay hay bỏ túi dăm ba sáng tác, nhưng với cây bút trẻ, thơ vẫn như một nghề tay trái. Không ai toàn tâm toàn ý “nuôi dưỡng” thơ, nên mới có chuyện sau một, hai tác phẩm “ra tấm ra món” được ca tụng, tên tuổi nhà thơ cũng lặng lẽ biến mất trên văn đàn. 

Không tính đến những cái tên đã có “thương hiệu”, nghe tên đã có người đứng ra nhận in sách, thì hành trình để đưa thơ đến với độc giả khá gian nan với nhà thơ trẻ. Có tác giả 9X chua chát tâm sự, mấy năm trời, mang bản thảo gõ cửa hết nhà xuất bản này đến nhà xuất bản khác nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối.

Nguyên nhân không phải thơ hay hay dở, mà vì cô… không chịu bỏ tiền in thơ. Có nhà xuất bản khéo léo thoái thác vì lý do “không hợp phong cách”, có nơi thì thẳng thắn, nếu tác giả “đỡ” được một nửa tiền in sách thì may ra có thể xuất bản được, còn nếu không đành phải chờ. Bởi thế, có những nhà thơ nổi danh trên mạng với cả trăm bài thơ và lượng độc giả hùng hậu, nhưng cũng đành đứng ngoài cuộc chơi. Vì thơ là cảm xúc, nhưng khi chạy theo “cơn lốc” thương mại hóa thì thơ không còn là của mình nữa.