Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từ chối sự giúp đỡ của Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam

ANTD.VN - Nhà văn Đỗ Hàn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam ( VLCC) đã đề nghị với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xung quanh việc ông không có tên trong thành phần sáng tạo của vở diễn "Khát vọng": "Hãy để trung tâm được vào cuộc vụ vi phạm bản quyền này".

Chỉ mong nhà hát nhận thấy lỗi

Nhà văn Đỗ Hàn nhấn manh: "Chúng tôi chỉ chờ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đồng ý, trung tâm sẽ tiến hành các bước cần thiết, yêu cầu Nhà hát Kịch Việt Nam thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tác quyền khi dựng vở kịch "Khát vọng" dựa trên truyện ngắn "Mùa hoa cải bên sông" của ông". Tuy vậy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từ chối sự hỗ trợ của Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam. Dù các tác phẩm văn học của ông đã thác ủy quyền cho trung tâm. 

Lý do là, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không muốn vụ việc trở nên ầm ĩ, chỉ mong Nhà hát Kịch Việt Nam nhận thấy lỗi của mình trong việc dựng vở "Khát vọng" mà quên không đề tên tác giả văn học. Hay đúng hơn, đó là một hành động thể hiện ứng xử văn hóa trước sự việc. Còn tiền tác quyền, nhà thơ chưa bao giờ đề cập tới. Có khi chỉ cần một lời xin, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sẵn sàng cho không mà không đòi hỏi một chút vật chất.

Vở kịch "Khát vọng" do đạo diễn trẻ Lâm Tùng dàn dựng

Dù trước đó, Nhà hát Kịch Việt Nam đã đưa ra lý do"chính đáng" giải thích cho việc quên ấy như trên tờ giới thiệu vở kịch phải in nhiều thứ tiếng, không còn đủ chỗ để đề tên tác giả, nhưng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhiều ý kiến văn nghệ sỹ khác đều không thể đồng tình. Bởi một vở diễn có hai thành phần quan trọng nhất là đạo diễn và tác giả (bao gồm tác giả kịch bản sân khấu và tác giả kịch bản văn học) lại có thể quên?

Ngay sau lời lên tiếng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Lâm Tùng - đạo diễn vở "Khát vọng" đã nhận lỗi và mong muốn được gặp nhà thơ trong thời gian sớm nhất để tạ lỗi. Tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại cho rằng, lỗi này không thuộc về đạo diễn bởi đạo diễn cũng được thuê để dựng vở. Ông nói: "Nếu tôi không bình tĩnh, tôi đã không chúc các bạn làm được một vở kịch hay. Đạo diễn không có trách nhiệm ở đây mà là nhà hát". 

Nhà thơ cũng cho biết thêm, "Ngoài đạo diễn không có lỗi, ở sự việc này, tôi càng không tin gia đình cố tác giả Tạ Xuyên có lỗi. Anh Tạ Xuyên nếu còn sống chắc chắn sẽ nhắc nhở nơi dàn dựng. Nhà hát phải nói với gia đình bác Tạ Xuyên rằng: trong số tiền tác quyền này có phần của tác giả văn học. Họ phải nói thế chứ, gia đình bác Tạ Xuyên làm sao biết được". 

"Nếu kiện là các ông ấy chết"

Từ trước tới nay, các tác phẩm văn học của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã không ít lần được chuyển thể thành kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyền hình, phim hoạt hình. Lần nào, ông cũng nhận được tiền tác quyền trong vai trò tác giả văn học. Ngay với truyện ngắn "Mùa hoa cải bên sông" trong lần được Nhà hát Kịch nói Quân đội dàn dựng từ kịch bản do nhà văn Tạ Xuyên chuyển thể, ông cũng được phía nhà hát trực tiếp chuyển tiền tác quyền.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Còn những lần dựng phim từ các tác phẩm văn học khác, nếu không trực tiếp chuyển tiền tác quyền, đơn vị dàn dựng sẽ nhắc tác giả kịch bản gửi một phần nhuận bút cho tác giả văn học. Dù vở "Khát vọng" ban đầu chỉ là một bài tốt nghiệp của đạo diễn Lâm Tùng nhưng sau đó, vở diễn này đã được Nhà hát Kịch Việt Nam chọn đi dự thi Liên hoan sân khấu thanh niên La Hồ (Trung Quốc) có nghĩa, vở đã mang danh nhà hát. Như vậy, nghĩa vụ thực hiện tác quyền đối với tác giả văn học và tác giả kịch bản sân khấu là điều đương nhiên phải thực hiện.  

Vì thái độ bình tĩnh, không làm ầm lên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trước việc ông không có tên trong thành phần sáng tạo của vở kịch "Khát vọng", nhiều người đã cho rằng, nhà thơ đang dung túng cho một thói quen không tốt của người Việt trong sử dụng tác quyền văn học nghệ thuật. Nhưng nhà thơ lại có lý lẽ riêng để biện minh cho hành động này. Ông cho rằng: "Vấn đề tác quyền ở Việt Nam luôn là như thế, lộn xộn và bừa bãi. Đó là thói quen đã được người Việt thực hành trong thời gian dài. Nhưng với các đơn vị lớn phải hiểu điều đó rất rõ ràng. Bây giờ nếu kiện ra là các ông ấy chết. Nên thôi, tôi nhắc như vậy để mọi người biết cho những việc lần sau".