Nhà tâm lý trị liệu Bùi Tuyết Minh: Dùng chuyển động cơ thể để kết nối cảm xúc

ANTĐ - Là người tiên phong tại Việt Nam đưa múa, chuyển động trong điều trị tâm lý cho các đối tượng dễ tổn thương, nhà tâm lý trị liệu Bùi Tuyết Minh đã giúp cho các em tự kỷ, người già neo đơn, người khuyết tật, phụ nữ bị bạo hành tự tin trong giao tiếp, tìm thấy ý nghĩa tích cực của cuộc sống. Dù chưa được biết đến nhiều, nhưng các lớp học do chị tổ chức đã bắt đầu kín chỗ. 

Khóa học múa, chuyển động Toa tàu với sự tham giacủa các bậc phụ huynh và các em nhỏ 

Múa, chuyển động gần gũi với văn hóa Việt Nam

Trước khi học về điều trị tâm lý cho các đối tượng dễ bị tổn thương tại Mỹ, Bùi Tuyết Minh từng làm giáo viên tại một trường quốc tế của Hà Nội. Chị thường tổ chức các buổi học dùng nghệ thuật (âm nhạc, kịch, rối dây, hội họa, múa) để giúp các em học sinh nói lên tiếng nói của mình. Trong lớp học của cô giáo Tuyết Minh, một vài em chậm phát triển và tự kỷ đã tỏ ra đáp ứng tốt với các buổi học có sự kết hợp giữa múa, chuyển động và rèn luyện kỹ năng.

Ở thời điểm đó, chị không biết đến phương pháp trị liệu tâm lý này từng xuất hiện tại Mỹ và Anh từ sau Thế chiến thứ hai, và đến nay đã có lịch sử 51 năm thành lập hiệp hội. Chỉ đến khi một người bạn Mỹ nói cho chị biết điều đó, Tuyết Minh mới lên kế hoạch “săn” học bổng và đã được học 2 năm về phương pháp này tại trường Đại học Sarah Lawrence (New York). Trở về Việt Nam, chị đã tổ chức các chương trình trị liệu tâm lý cho các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ tự kỷ, người khuyết tật, phụ nữ bị bạo hành, người già cô đơn…

Tuyết Minh đã gặp khó khăn do “hầu hết người Việt đã quá quen với sự chịu đựng, hy sinh nên sẽ mất nhiều thời gian hơn để từng cá nhân dừng lại, kết nối, lắng nghe cơ thể, tâm trí mình thực sự muốn gì. Vì thế, việc dùng múa, chuyển động để giải tỏa bức xúc đã khó với người Việt thì việc dùng phương pháp này trong điều trị tâm lý đúng là… không tưởng” - nhà tâm lý trị liệu này chia sẻ.

Tuy vậy, Tuyết Minh cũng tìm thấy điểm tựa khi đưa phương pháp này thực hành tại Việt Nam. Bởi người Việt có đời sống tâm linh, hiền hành, yêu nghệ thuật, nên khái niệm múa và chuyển động trị liệu có thể mới nhưng bản chất rất gần với văn hóa Việt Nam. Ví như lên đồng hay vũ điệu của thầy mo, thầy cúng, là những phương thuốc và trị liệu tâm lý cổ xưa nhất, giúp giải tỏa căng thẳng cho người bệnh (người xem múa), chuyển hóa những tổn thương về thể chất và tinh thần theo hướng tích cực hơn. 

Luôn có người tìm đến 

Phương pháp mà chị được học tại Mỹ thúc đẩy người tham dự bộc lộ cảm xúc của mình, tìm sự đồng cảm với những xung quanh và giải tỏa tâm lý.

Việc trị liệu (hàn gắn) là cả một quá trình lâu dài. Chị đã làm, đã thấy và tự tin với những thay đổi tích cực với trẻ tự kỷ và người già bị mất trí nhớ sau 1 năm thực tập và làm việc tại New York. Còn ở Việt Nam, chị Tuyết Minh mới dừng lại ở việc chia sẻ khái niệm, mời nếm thử hương vị của việc kết nối chuyển động cơ thể với cảm xúc, tâm hồn qua những hội thảo ngắn và khóa 3 tháng cho trẻ em.

Ban đầu, người tham dự còn rụt rè, e ngại vì phương pháp này quá mới và lạ lẫm với họ. Nhưng sau những buổi học như thế, lượng người đến với các khóa học của Tuyết Minh ngày càng đông đảo và đến nay đã kín chỗ. Trẻ tự kỷ, người khuyết tật, người già cô đơn đến với lớp học của cô giáo Tuyết Minh đã tìm thấy sự bình an trong tâm hồn, không còn sự cô đơn và tự tin hơn trong giao tiếp. 

Để phục vụ cộng đồng, các lớp học của Tuyết Minh chỉ lấy mức học phí vừa đủ để trang trải chi phí tổ chức khóa học. Do tính ưu việt của phương pháp này là dùng chuyển động cơ thể làm trung tâm kết nối cảm xúc, giác quan, suy tưởng và tâm linh để mỗi cá nhân hàn gắn những nỗi đau về thể chất, tinh thần nên tiếng tăm của các lớp học điều trị tâm lý do chị tổ chức, đã được biết đến rộng rãi hơn.

Điều vui nhất với Tuyết Minh là luôn có người đến với sự háo hức, lời cảm ơn hay giọt nước mắt, cái ôm thật chặt sau mỗi chương trình. Và đặc biệt là thông qua các chương trình như thế, chị có những bạn tình nguyện viên tìm đến và chia sẻ ước muốn phát triển múa và chuyển động trị liệu ở Việt Nam.