Nhà sư có được giữ lại tiền, tài sản sau khi hoàn tục?

ANTD.VN -Trong một đoạn clip được đăng tải trên mạng, sư Thích Thanh Toàn – trụ trì chùa Nga Hoàng, người vướng nghi vấn gạ tình nữ phóng viên đã xin giữ lại tài sản 200 - 300 tỷ đồng sau khi hoàn tục. Nhiều người dân cho rằng, điều này khó có thể chấp nhận được.

Được biết, sư Thích Thanh Toàn (SN 1976 ở Quảng Trị) đã gửi Tờ trình đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xin xả giới, hoàn tục, đồng thời xin giữ lại tài sản cá nhân trị giá khoảng 200 - 300 tỷ đồng. Giáo hội đã chấp nhận đơn xin hoàn tục của sư Toàn và sẽ tiếp quản chùa Nga Hoàng.

Về hiện tượng nhà sư xin giữ lại tiền, tài sản sau khi hoàn tục, dù số tài sản đó họ có được trong quá trình tu hành, phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho rằng, tài sản đối với người tu hành có 2 loại. Một là tài sản thuộc cơ sở tôn giáo, hai là tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Nếu phật tử cúng tượng, lư hương và các đồ vật thờ cúng có giá trị khác cho chùa thì thuộc tài sản của nhà chùa, Giáo hội. Nếu Giáo hội không nhận thì hoàn trả lại tài sản cho người cung tiến.

Chùa Nga Hoàng - nơi sư Thích Thanh Toàn trụ trì

Tài sản thuộc về cá nhân khi họ chứng minh được nguồn gốc của số tài sản đó như được tặng cho, thừa kế... Nếu Phật tử cho tặng tiền, tài sản cho riêng nhà sư, sau đó sư sử dụng số tiền này để mua sắm xe cộ, nhà đất và đăng ký quyền sở hữu tên mình thì tài sản đó thuộc sở hữu cá nhân. Song để làm rõ vấn đề này Giáo hội các địa phương cần phối hợp với chính quyền sở tại để xác minh nguồn gốc tài sản đó.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, pháp luật không hạn chế quyền về tài sản đối với những thầy tu hoặc những người theo tín ngưỡng tôn giáo khác. Do đó, dù các nhà sư chịu sự quản lý của Giáo hội Phật giáo nhưng họ vẫn có đầy đủ quyền tài sản (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) như những công dân khác.

Hơn nữa, việc người dân gửi tiền cho nhà sư dù ban đầu có mục đích cung tiến, tu bổ, nâng cấp chùa, mua sắm đồ thờ cúng nhưng do họ thường đưa trực tiếp cho sư, không nộp vào quỹ của chùa nên việc xác định rõ số tiền là bao nhiêu, ai chứng kiến, đã được dùng vào việc gì không hề đơn giản.

 “Hầu hết các nhà sư đi vào con đường tu hành với hai bàn tay trắng. Tuy vậy, thực tế cho thấy có không ít người khoác áo tu hành nhằm mục đích trục lợi bất chính cho bản thân, đi ngược với giáo lý, triết lý nhà Phật.

Với vị trí sư trụ trì, họ lấy danh nghĩa tu bổ, mở rộng, xây dựng các công trình trong nhà chùa, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, cuồng tín của Phật tử để tuyên truyền vận động quyên góp tiền và tài sản, sau đó lại tư túi cá nhân. Do đó, để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, gây bức xúc trong dư luận, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tăng cường giám sát chặt chẽ việc thu chi tài chính của các cơ sở tôn giáo, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cá nhân vi phạm” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa khuyến cáo.