Đề cử Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020

“Nhà sáng chế” không chuyên lao động bằng đam mê và trách nhiệm cao nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi kể câu chuyện của mình, anh Đoàn Văn Tiến, Quản đốc bộ phận bảo an, Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam luôn tỏ rõ sự khiêm tốn, thậm chí ngại ngần. Bởi với anh, dẫu đã sáng tạo ra vô số sản phẩm hữu ích thì đó đơn thuần là công việc, là trách nhiệm và hơn cả điều đó giản đơn và bé nhỏ bé vô cùng. Vậy đó…

Là 1 trong 10 công dân được đề cử xét tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020, anh Đoàn Văn Tiến (SN 1987; Quản đốc bộ phận bảo an, Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam) vẫn khiêm nhường mà rằng: “Không hiểu sao tôi được lựa chọn?”. Anh không hiểu. Tôi không biết. Vậy câu chuyện giữa anh và tôi sẽ hé mở một phần nào lý do sự đề cử là hoàn toàn có cơ sở.

Anh Đoàn Văn Tiến (bên phải) chia sẻ với đồng nghiệp về thiết bị

Anh Đoàn Văn Tiến (bên phải) chia sẻ với đồng nghiệp về thiết bị

Người Quản đốc yêu công việc bằng cả trái tim

33 tuổi, với một người đàn ông, như anh Tiến, là đủ trưởng thành. Anh Tiến kể, hàng ngày, thức dậy lúc 4h30, 5h rời nhà để đi đến điểm xe đón đưa của công ty. Do ở xa nên anh Tiến phải di chuyển 12km từ nhà đến điểm đón, rồi tiếp tục ngồi xe ô tô của công ty thêm 2 tiếng nữa để tới chỗ làm ở Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, TP Hà Nội). “Tôi ăn sáng tại căng-tin của công ty. Rồi sau đó là tham gia bài tập thể dục sáng tập thể. Kế đến là họp xác nhận công việc, và triển khai. Ngày nào cũng vậy!” - anh Tiến kể.

Với lịch công việc hàng ngày đều đặn như vậy, anh Tiến cho rằng bản thân chưa bao giờ nghĩ có thành tích gì nổi bật để có vinh dự được đề cử là Công dân Thủ đô ưu tú. Công việc của anh Tiến là phụ trách mảng nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra tại công ty, như điện, gas, nước, vật liệu xây dựng... “Với tôi, công việc là niềm yêu thích, thậm chí là sự biết ơn, bởi nhờ có công việc mà tôi mới có cuộc sống tốt như vậy. Tôi luôn tâm niệm hoàn thành tốt nhất công việc. Tôi có quan điểm sống rất đơn giản đó là khi về nhà thì dành hết tình cảm cho vợ và các con. Đến công ty, tôi dành hết tâm trí cho công việc. Nhờ công việc, tôi có cuộc sống hạnh phúc, nên tôi luôn làm việc với sự biết ơn và lòng đam mê, trách nhiệm cao nhất. Tôi còn tìm được niềm vui là sự chia sẻ kỹ năng, tư duy và thiết kế cho các đồng nghiệp khác...” - anh Tiến chia sẻ.

Cũng từ tình yêu chân thành ấy, người Quản đốc bộ phận bảo an đã quan sát từng chi tiết trong công việc hàng ngày, để thấy những nhược điểm, những chi tiết cần khắc phục. Rồi anh mầy mò, ngẫm nghĩ, tìm giải pháp để cải tiến. Kết quả sau những ngày nghĩ ngợi, hì hụi với từng bản vẽ kỹ thuật, rồi tiện, làm khuôn, chọn vật liệu... là các sản phẩm cơ khí đặc biệt hữu ích, chưa từng có trước đây. Thời gian trôi qua, đam mê cuốn công việc, người Quản đốc đã trở thành “nhà sáng chế” từ lúc nào chẳng hay...

Những sáng tạo, cải tiến kỹ thuật của anh Tiến (người ngồi) được nhiều đồng nghiệp khâm phục

Những sáng tạo, cải tiến kỹ thuật của anh Tiến (người ngồi) được nhiều đồng nghiệp khâm phục

Những sản phẩm sáng tạo độc - lạ - hữu ích

Trong suy nghĩ của mình, anh Đoàn Văn Tiến cho rằng, những sáng tạo của anh chỉ đơn giản và nhỏ bé. Tuy nhiên, sau một hồi trò chuyện, lật giở kỷ niệm được gói ghém trong ký ức, anh Tiến bộc bạch nhiều hơn về các sản phẩm mà mình từng tạo ra trong quá trình làm việc. Đó thực sự là những món độc - lạ và rất hữu ích. Chẳng hạn, năm 2015, anh Tiến quan sát và thấy rằng, trong quá trình gia công, sản xuất, nhà máy có rất nhiều phoi nhỏ, vụn và rất khó thu hồi. Các công nhân phải chia nhau thành ca kíp, để quét dọn. “Việc vệ sinh đó rất tốn thời gian và công sức, mà vẫn có thể bị sót, nếu như dùng chổi và xẻng thông thường” - anh Tiến nhớ lại việc đã mày mò tìm tòi, rồi chế tạo ra chiếc xe đẩy cải tiến. Với nguyên lý hoạt động khoa học, chiếc xe này có thể hút hết phoi vụn một cách sạch sẽ, đảm bảo hiệu quả mà lại giảm đáng kể công sức, thời gian cho tập thể.

Năm 2018, anh Đoàn Văn Tiến lại tạo ra hệ thống tự động cấp và phun dầu ra. Hệ thống này dùng để bơm dầu vào bộ hộp số xe máy. Điều thú vị là hệ thống của anh Tiến không dùng nhiên liệu để hoạt động, mà dựa hoàn toàn vào... trọng lượng của con người. Nhân viên chỉ cần bước vào hệ thống, trọng lượng cơ thể sẽ tác động vào phần bơm dầu, và sau đó là thao tác phun dầu bằng vòi phun, rất đơn giản. Năm 2019, anh Tiến lại nhìn thấy chi tiết có thể gây lãng phí trong quá trình sản xuất. Đó là qua quá trình hoạt động, khuôn đúc rất nóng và cần được làm mát. Lượng nước cấp vào theo cơ chế tuần hoàn. “Khi nước làm mát lấy nhiệt và được bơm ra, thì do nhiệt độ cao, nước bốc hơi nhiều và bị hao hụt. Chúng tôi sẽ phải cấp nước bổ sung cho hệ thống làm mát. Phần nước này chính là chi phí bỏ ra” - anh Tiến kể lại.

Sau nhiều ngày nghiền ngẫm, người Quản đốc bộ phận bảo an đã nảy ra sáng kiến thú vị và rất hiệu quả - đó là thu hồi lượng nước lạnh ngưng tụ từ hệ thống điều hòa của nhà máy, để bổ sung vào hệ thống nước làm mát. Vậy là những dòng nước lạnh tưởng như bỏ đi lại có tác dụng vô cùng hữu ích, nhất là khi hệ thống điều hòa nhà xưởng có quy mô và tạo ra dòng nước ngưng tụ rất lớn.

“Tính ra, mỗi hệ thống làm mát tiêu tốn 1,1 triệu đồng tiền nước cấp bổ sung hàng tháng. 6 hệ thống là hết khoảng 6,6 triệu đồng. Bằng việc dùng nước ngưng tụ điều hòa để cấp, số tiền 6,6 triệu đồng chi phí sản xuất đã được tiết kiệm, trong khi nước điều hòa được tận dụng hiệu quả để góp phần tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường” - anh Tiến hào hứng chia sẻ. Đến năm 2020, anh Đoàn Văn Tiến tiếp tục có sáng kiến mới giúp tiết kiệm điện và bỏ hẳn chiếc máy bơm nặng 70kg ở nhà xưởng. Đó là khi hệ thống làm mát hoạt động, máy bơm sẽ được kích hoạt để đưa nước làm mát vào.

Sau khi suy nghĩ và nảy ra sáng kiến, anh Tiến đã thiết kế hệ thống đường ống với cao độ khác nhau, để nước được tự cấp một cách tự nhiên, đảm bảo đủ luồng và lượng mà không cần tới máy bơm nữa. Nhờ vậy, một khoản chi phí tiền điện cũng như phí vận hành, bảo dưỡng máy bơm được tiết kiệm, vì chiếc máy bơm nặng 70kg đã không còn vai trò trong hệ thống nữa.

“Tôi có quan điểm sống rất đơn giản đó là khi về nhà thì dành hết tình cảm cho vợ và các con. Đến công ty, tôi dành hết tâm trí cho công việc. Nhờ công việc, tôi có cuộc sống hạnh phúc, nên tôi luôn làm việc với sự biết ơn và lòng đam mê, trách nhiệm cao nhất. Tôi còn tìm được niềm vui là sự chia sẻ kỹ năng, tư duy và thiết kế cho các đồng nghiệp khác...”.

Anh Đoàn Văn Tiến (Quản đốc bộ phận bảo an, Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam)