Nhà sản xuất "Cô Ba Sài Gòn" quyết làm "cho ra nhẽ" vụ phim bị quay trộm trong rạp

ANTD.VN - Lần thứ hai liên tiếp đưa phim ra rạp, Ngô Thanh Vân rơi vào lùm xùm liên quan đến câu chuyện phát hành khiến cô bật khóc vì cảm thấy bất lực. Nhiều khán giả bày tỏ sự cảm thông, song bên cạnh đó cũng không ít người nghi ngờ liệu đây có phải là cách nhà sản xuất gây chú ý? 

Cách đây hơn một năm, khi “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” rậm rịch ra rạp, nhà sản xuấtNgô Thanh Vân với tư cách nhà sản xuất đã bật khóc khi chia sẻ về việc “đứa con tinh thần” của mình không được chiếu tại hệ thống cụm rạp lớn nhất Việt Nam. Lý do của sự việc này theo lời Ngô Thanh Vân là bởi phía đối tác đưa ra những điều khoản không xứng đáng với nỗ lực của đoàn phim. 

Nhà sản xuất "Cô Ba Sài Gòn" quyết làm "cho ra nhẽ" vụ phim bị quay trộm trong rạp ảnh 1Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bật khóc khi nói về việc “Cô Ba Sài Gòn” bị livestream

Giọt nước mắt đến hẹn lại… rơi!

Đương nhiên, việc này khiến lãnh đạo cụm rạp kia buộc phải lên tiếng phản hồi. “Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, dư luận thi nhau tranh luận chuyện đúng - sai, chuyện thấu tình - đạt lý, chuyện cảm thông - không cảm thông. Song có điều dễ nhận thấy là đi kèm với những lời bàn tán ấy, cái tên “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” phủ sóng với tốc độ chóng mặt trên khắp truyền thông lẫn mạng xã hội. Phim được đầu tư với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng và “hậu” cuộc ra rạp trong nước mắt này là doanh thu cỡ chừng 70 tỷ đồng. Thế cũng được xem là có lãi.

Khi bộ phim tiếp theo của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân - “Cô Ba Sài Gòn” vừa ra rạp được hai hôm thì lại gây xôn xao và tạo nên “cơn bão” dư luận. Sự tình bắt nguồn từ việc một thanh niên tên Tr bị phát hiện “livestream” (phát sóng trực tuyến) bộ phim này khi đang ngồi xem trong rạp. Trên trang Facebook cá nhân, Tr có kể đại ý rằng sau khi bị nhân viên rạp lập biên bản, yêu cầu cung cấp thông tin, chụp ảnh… thì Tr được cho ra về, tưởng không sao nhưng không ngờ sự việc không dừng lại ở đó. Nam thanh niên này cũng đã nhắn tin nhận lỗi và xin lỗi nhà sản xuất “Cô Ba Sài Gòn”. 

Sau sự việc này, phía nhà sản xuất “Cô Ba Sài Gòn” phản ứng dữ dội, và cho rằng việc livestream trên gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Dù vậy, dư luận thì thường lắm ý nhiều chiều, nên phía này cũng không tránh khỏi việc bị nghi ngờ chủ ý làm lớn chuyện để tranh thủ quảng cáo cho phim. Dĩ nhiên, nhà sản xuất phim thừa hiểu mình đang ở trong hoàn cảnh nào và phải đối mặt với các luồng tranh cãi ra sao. Thiệt hại từ việc phim bị livestream đến đâu thì chưa rõ, doanh thu của phim đến giờ lại càng chưa thể biết được, song có một thực tế rõ ràng, ấy là “đứa con tinh thần” của Ngô Thanh Vân một lần nữa phủ sóng rộng rãi. Đứng ở góc độ truyền thông, dù là vô tình hay chủ ý thì rõ ràng, đây cũng được xem là một lợi thế trong việc quảng bá phim.

Nhà sản xuất "Cô Ba Sài Gòn" quyết làm "cho ra nhẽ" vụ phim bị quay trộm trong rạp ảnh 2Gần 200.000 lượt xem trước khi livestream “Cô Ba Sài Gòn” bị xóa 

Nhà sản xuất làm “ra ngô, ra khoai” để chứng minh trong sạch? 

Chiều 15-11, tức là chỉ 2 ngày sau khi sự việc livestream “Cô Ba Sài Gòn” bị phát giác, Ngô Thanh Vân cùng đại diện đơn vị phát hành phim đã có mặt tại Vũng Tàu - nơi nam thanh niên thực hiện hành vi livestream trên đang cư trú. Chuyến đi theo như chia sẻ của phía Ngô Thanh Vân là để có hành động mạnh mẽ ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, bảo vệ cho các sản phẩm sáng tạo thông qua việc phối hợp với lực lượng công an điều tra và ra những quyết định xử phạt nặng. Hành vi này theo nhận định từ phía Ngô Thanh Vân là không chỉ làm thiệt hại cho nhà sản xuất phim mà còn gây tác động xấu đến xã hội và cộng đồng. 

Cũng theo nhà sản xuất, ban đầu họ có ý định bỏ qua sự việc khi thanh niên tên Tr đã có nhận thức về hành vi của mình, nhưng sau cùng, quyết định được đưa ra là: “không nhân nhượng”. Trên mạng xã hội, một người bạn của Ngô Thanh Vân chia sẻ dòng trạng thái với nội dung cho rằng, lẽ ra nhà sản xuất và đơn vị phát hành không làm tới cùng vụ này, nhưng để phản bác lại các ý kiến cho rằng êkip sản xuất lợi dụng chuyện này để PR nên cả hai bên đã quyết định làm cho “ra ngô, ra khoai” theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. 

Theo thống kê mà nhiều trang mạng đưa ra thì 30 phút livestream với 5.700 lượt xem cùng lúc và tổng số lượt xem đến trước khi bị xóa là gần 200.000 lượt. Song trên thực tế, đối với bất kỳ livestream nào cũng vậy, không phải ai click vào cũng xem từ đầu đến cuối. Vì thế nên dù đối tượng thực hiện hành vi livestream trên bị xử lý thế nào thì rõ ràng, khó mà quy kết được chính xác con số thiệt hại mà “Cô Ba Sài Gòn” phải gánh từ việc này.