Nhà quay phim Lý Thái Dũng yêu nghề thày giáo

ANTĐ - “Ngã ba Đồng Lộc; Thung lũng hoang vắng; Dã tràng xe cát biển Đông; Giải hạn; Hàng xóm; Đi trong giấc ngủ; Vũ điệu tử thần; Cuốc xe đêm; Chuyện tình ở thung lũng mây; Đừng đốt; Chơi vơi”… Hơn 20 năm cầm máy, gia tài của nhà quay phim Lý Thái Dũng lên đến gần 20 phim nhựa, hơn 200 tập phim truyền hình, nhiều phim tài liệu và gameshow… Điều đó ai cũng biết, song có một điều không phải ai cũng biết đó là “tay máy vàng” Lý Thái Dũng còn là người thầy tâm huyết của các học trò tại trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh và Học viện Báo chí - Tuyên truyền.

Xét trên phương diện nghề nghiệp, nhà quay phim, NSưT Lý Thái Dũng đã sáng tạo nên những góc quay ấn tượng, những hình ảnh đẹp và tinh tế nhất cho rất nhiều bộ phim của điện ảnh Việt Nam. Lý Thái Dũng còn là con người của rất nhiều giải thưởng danh giá - “Giải quay phim xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 13, 15; Giải kỹ thuật xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 14; Giải Bông sen Vàng quay phim xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 16; Giải quay phim xuất sắc nhất tại Cánh diều Vàng 2009, Top 5 đề cử quay phim xuất sắc nhất châu Á 2009 (AFA) tại Hồng Kông; Nhà quay phim Việt Nam đầu tiên thực hiện quay phim cho Kênh National Geographic; Giải Ba dành cho các nhà làm phim đầu tay tại LHP Cannes”… Chưa hết, Lý Thái Dũng còn là một người thầy tâm huyết với các học trò ở trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh và Học viện Báo chí - Tuyên truyền. Tin tưởng vào thế hệ trẻ sẽ làm tốt hơn, thành công hơn người đi trước là một niềm tin của anh với những người trẻ đang theo đuổi “bộ môn nghệ thuật thứ 7” vinh quang và nhiều cay đắng này…

Kịch bản

“Khi người đạo diễn đưa kịch bản rủ tôi làm một bộ phim sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Thứ nhất là họ đã mặc định cái này tôi phải quay, có nghĩa là không phải bàn cãi gì nữa mà chỉ bàn nhau để hướng tới nội dung, mục đích, làm sao để tốt và hay nhất. Thứ hai là đạo diễn đưa kịch bản bảo tôi đọc và xem có thích không. Điều đó có nghĩa đây chưa phải là lời mời chính thức, như vậy họ có hơn 1 phương án quay phim. Đạo diễn muốn lựa chọn người nào thuyết phục nhất về mặt ngôn ngữ hình ảnh, về quan điểm, cảm nhận về kịch bản… Việc đầu tiên phải đọc và nghiền ngẫm kịch bản! Có 2 vấn đề quan trọng cần thỏa mãn khi đó: Một là mình có thích kịch bản này và nó có hợp với sở trường của mình hay không. Nếu thỏa mãn thì sau ít nhất 1 tháng mới có thể bấm máy. Bộ phim “Chơi vơi” là một ví dụ điển hình, ngày đầu tiên đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đưa kịch bản cho tôi đến lúc bấm máy là 7 năm trời.

Có một thứ quan trọng bậc nhất - đó là cảm xúc. Nó như một việc làm mới lại mình, làm sao để những hình ảnh đi ra từ trang giấy có thể chạy trong đầu tương đối rõ ràng, đến khi kể cho người đạo diễn bằng miệng làm anh ta thích thú, và cứ thế từ cảnh quay đầu tiên đến cảnh quay cuối cùng”.

Để đời

“Anh có đi tìm một bộ phim để đời?” - Tôi hỏi anh như vậy! Anh kể về lần đầu tiên cách đây hơn 10 năm anh quay “Cuốc xe đêm” cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Thời điểm đó, nếu tư duy lô-gic thì sản phẩm là hảo hạng, không có gì phải ân hận cả, nhưng rồi sau đó anh lại nhìn những tác phẩm của mình một cách lạnh lùng và cho rằng mỗi bộ phim đều để lại cho người sáng tạo, nhất là người quay phim một dấu ấn bởi tính thời điểm. Mỗi thời điểm mang đến dấu ấn vô cùng đặc biệt mà không bao giờ so sánh được giữa phim này và phim kia. Trên thế giới, trong ngành Điện ảnh có những “cuộc hôn nhân” tương đối dài, đó là mối quan hệ giữa “đạo diễn - quay phim - diễn viên”. Vì trong một khoảng thời gian dài họ cùng chung ý nghĩ, sở thích, chí hướng, họ giống nhau tương đối về mặt thẩm mỹ. Chuyên và tôi nói với nhau rằng, phim thứ 3 có lẽ mình lại bấm với nhau nhỉ (?!) Đó là hạnh phúc và với người làm nghề là nguồn động viên rất lớn bởi sự tin tưởng lẫn nhau. Phim “Ngã ba đồng lộc” cùng với NQP, NSND Nguyễn Hữu Tuấn để lại dấu ấn cộng tác về một đề tài xúc động cả trong phim lẫn ngoài đời, không chỉ của quay phim với đạo diễn mà còn của quay phim với quay phim. “Thung lũng hoang vắng” cho tôi một trải nghiệm tuyệt vời về đời sống của các cô giáo - trẻ em ở vùng cao mạnh mẽ vượt lên thiên nhiên, thời tiết. Thỉnh thoảng một mình xem lại phim mình quay vẫn phải cúi gằm mặt xuống xấu hổ vì tại sao có những lúc mình làm kém thế. Kém ở đây trước hết chính là năng lực bản thân mình kém ở thời điểm đó, bên cạnh rất nhiều những đoạn tuyệt vời và xuất sắc. Sau nữa là yếu tố khách quan do công nghệ thời đó kém quá”.

Khác biệt

Cha tôi có nói với tôi rằng: “Con làm phim tài liệu, con khám phá và trải nghiệm đi, cuộc sống hay lắm! Sau đó con thích làm đạo diễn, quay phim truyện thì con hãy quay sang”. Lời khuyên đúng đắn đó là kinh nghiệm của người cha đã từng là Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh mang lại anh rất nhiều điều. Lý Thái Dũng cho rằng một nhà quay phim thành công là người phải “phải hiểu được con người” - đó là một chiều dày cơ sở văn hóa rất lớn, đó là văn học, là vốn sống và đặc biệt là sự nhạy cảm với cuộc sống rất mạnh. “Bất cứ cái gì thuộc về con người không xa lạ với tôi”, Karl Marx đã nói vậy. Người quay phim giỏi phải nói, hiểu và đồng cảm được điều ấy! Phải biến được cảm xúc từ những con chữ và chuyển tải nó thành hình ảnh. Anh nói: “Cái tôi của người quay phim phải ít thôi, càng ít càng tốt. Ví von một chút, người ta thường nói quả núi lớn thường nằm chìm trong mây. Nó càng cao thì khả năng nhìn thấy nó càng ít. Không có nghĩa là quay phim giỏi phải giả vờ thế nọ, thế kia. Không cần phô diễn kỹ thuật nhưng người xem vẫn cảm nhận được kín đáo, trầm mặc trong từng khuôn hình. Quan trọng người xem phim không nhìn thấy người quay phim mà chỉ nhìn thấy diễn viên. Khán giả biết tới người quay phim là hỏng, trở thành nhân vật chính là sai. Nó không còn bề nổi nữa mà phải có chiều sâu, phải làm nền cho diễn viên”.

Giá trị

“Quay phim là một nhà dịch thuật - đó là định nghĩa của tôi, và nó vẫn đúng! Anh ta dịch từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang ngôn ngữ hình ảnh. Một người kể câu chuyện bằng hình ảnh. Rất đúng! Có lẽ chưa tìm được một định nghĩa nào hay hơn. Cùng với đạo diễn, anh ta là dịch giả số 2 bên cạnh vị trí riêng của diễn viên. Hình ảnh tinh tế, khác biệt một chút tức là khi người quay phim chỉ cần đẩy chiếc máy quay nhanh hoặc chậm 1/3 giây thôi hiệu quả hình ảnh đã khác. Cái đấy gọi là hồn vía, sự tinh tế của người quay phim. Và chỉ người quay phim mới quyết định được việc đó. Để phấn đấu trở thành một nhà quay phim đạt 9 điểm đã rất là khó, nhưng lên 9,1 còn khó hơn rất nhiều. Và càng lên cao thì chỉ cần hơn nhau 1% đã là một sự khác biệt rất lớn. Có những người mãi mãi không bao giờ vượt qua được giá trị đó. Nếu vượt qua, anh ta là một đẳng cấp khác. Muốn vậy cần rất nhiều yếu tố, trong đó có sự may mắn. Tôi có thể may mắn gặp kịch bản rất hay của đạo diễn Phan Đăng Di; gặp một người có một bề dày kinh nghiệm như đạo diễn Đặng Nhật Minh; một đạo diễn đầy tinh tế và cảm xúc như Bùi Thạc Chuyên…. Song, ngoài tôi ra còn có  nhiều nhà quay phim cũng rất giỏi nhưng họ chưa gặp được các đạo diễn. Nếu họ có duyên cũng có thể là 10 điểm tuyệt đối”.

Làm thầy

“Năm 1999, nhà quay phim Lò Minh - thầy của tôi - một trong những NQP tài liệu nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam nói: “Dũng có rất nhiều phẩm chất để trở thành một người thầy giáo”. Việc đầu tiên là làm trợ giảng với thầy Minh một vài buổi, sau đó thầy Minh bàn giao luôn việc đó cho tôi. Bởi không có gì ngạc nhiên khi người quay phim rất cần khả năng thuyết phục người khác và trình bày vấn đề súc tích, cô đọng và dễ hiểu nhất để đạo diễn có thể tin mình, diễn viên và cộng sự hiểu mình. Đến nay sau hơn 10 năm đi dạy, kinh nghiệm đó trong tôi càng mạnh hơn, đặc biệt với người vừa đi làm - đi dạy, kiến thức được cập nhật với thực tế và được minh họa rất sinh động cho lý thuyết. Tôi dạy ở trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh cho các lớp quay phim, đạo diễn, biên kịch và lý luận phê bình khoa Điện ảnh. Dạy các khóa ngắn hạn cho nhiếp ảnh, quay phim truyền hình… Mỗi năm dạy một khóa cho các lớp báo hình tại Học viện Báo chí - Tuyên truyền.

Tôi rất yêu nghề dạy học. Khi dạy học bao gồm “dạy” và “học”. Dạy sinh viên học nhưng thực tế để dạy tốt tôi cũng phải học. Tôi học ở tất cả những vấn đề xung quanh mình, có những vấn đề tôi học lại được từ sinh viên. Sự trẻ trung, suy nghĩ táo bạo của các em ngấm vào mình lúc nào không biết. Rất nhanh tôi có một lớp đồng nghiệp, vừa tốt nghiệp các em đã trở thành đồng nghiệp của mình rồi. Thú vị ở chỗ chúng tôi thường xuyên cộng tác với nhau ở rất nhiều những dự án lớn cần rất nhiều đạo diễn, quay phim, biên tập… Đến nay tôi chỉ chờ, đợi thêm một việc nữa là những sinh viên của mình có phim tham dự LHP và cạnh tranh giải thưởng cùng với phim của thầy. Tôi nói rất thật, nếu các em được giải thì đó là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao!”.