Nhà ở sinh viên - những mô hình độc đáo

ANTĐ - Thiếu nhà ở nói chung hay “làng sinh viên” nói riêng là thực trạng mà nhiều quốc gia đang đối mặt. Tuy vậy, với sức sáng tạo của con người, trên thế giới đã xuất hiện những mô hình đáp ứng tiêu chí tiết kiệm nhất nhưng đảm bảo không gian sống đủ tiện nghi.

Ký túc xá Đại học Utrercht Hà Lan là khối hộp vui mắt

Năm 2006, Đại học Kỹ thuật Munich ở Đức thử nghiệm mô hình ký túc xá “xanh” có tên O2 đặc điểm gọn nhẹ và giảm thiểu sử dụng năng lượng. Đây là dự án do Giáo sư Richard Horden và các đồng nghiệp tại Đại học Kỹ thuật Munich kết hợp với các công ty kiến trúc như Horden Cherry Lee (trụ sở London) và Haack Hopfner Architekten (Munich) thực hiện. Dù khối lập phương này mỗi cạnh chỉ dài 2,65m nhưng bên trong phòng có liên kết internet băng thông rộng, chưa kể màn hình plasma và nhà bếp, thiết bị phòng tắm. Mục đích thử nghiệm của “làng” là chọn 6 sinh viên đến ở đó cùng giáo sư Horden trong kỳ hạn 6 tháng, kết quả các sinh viên đều yêu cầu gia hạn thời gian để lưu trú cho cả năm học.

Mang tính thực tế hơn một chút có lẽ là mô hình nhà container cho sinh viên ở Pháp. Tháng 8-2010, 99 sinh viên ở Le Havre, vùng thượng Normandy đã được giao chìa khóa căn hộ là nhà cho thuê giá rẻ được tái chế từ container. Khu làng sinh viên “Cité A Docks” này vừa đáp ứng tình trạng thiếu nhà ở cho sinh viên, vừa tạo cho thế hệ trẻ một môi trường học tập bình thường mà thú vị. Được xây dựng với tiêu chuẩn về sinh thái và môi trường, phần thiết kế trong mỗi căn hộ hợp lý với những thiết bị cơ bản. Các kiến ​​trúc sư tham gia công trình nói dự án nhằm mục đích tạo cho sinh viên một không gian sống mới hiện đại và khác với ký túc xá truyền thống.

Thực ra, ý tưởng làm nhà ở container cho sinh viên bắt nguồn từ đất nước Hà Lan. “Quê hương” của những container biến thành nhà ở này chính là Ketwoonen, gần Amsterdam. Năm 2006, vùng đất này bỗng trở nên nổi tiếng khi cho ra đời 1.000 căn hộ cải tạo từ container dành cho sinh viên. Hiện DeKey, một công ty chuyên cho sinh viên thuê nhà ở Amsterdam còn đang chờ được giao “hàng” là “thành phố container”

Ketwoonen hoàn thành năm 2012, khi đó “thành phố” có cả sân bóng, siêu thị và quán cà phê. Những ích lợi về tài chính là điều hiển nhiên. Theo Van Der Pol, mỗi tháng sinh viên này mất 430 euro thuê nhà, nhưng được thành phố tài trợ 130 euro. Như vậy 300 euro cho một căn hộ container 27m, có cả ban công và internet miễn phí là giá quá rẻ so với việc thuê bất kỳ căn hộ nào cùng diện tích ở Amsterdam.

Cũng vẫn ở Hà Lan, trong khoảng 10 năm trở lại đây đã tồn tại một mô hình nhà sinh viên độc đáo và hiệu quả khác - không gian hộp. Chắc bạn đã từng nghe nói đến những khách sạn kiểu “viên nang” của Nhật Bản trong đó mỗi khách du lịch đến đây có thể thuê chỗ ngủ hạn chế trong không gian 2mx1m x 1,25m. Không gian hộp cho sinh viên ở Hà Lan rộng hơn thế, tiện nghi hơn, thậm chí còn thu hút du khách bởi chúng được sơn bề ngoài bằng màu cam, xanh lá cây, vàng bắt mắt.

Năm 2002, nhu cầu xây nhà ở cho sinh viên Hà Lan trở thành vấn đề cấp bách vì giá thành xây dựng tăng cao khiến cho các dự án bị đình trệ. Thời điểm đó, thành phố Utrecht ở miền Trung Hà Lan, 7.000 sinh viên đăng ký một phòng, trung bình phải đợi 2 năm rưỡi mới có phòng ở, tương tự là Amsterdam, 7.000 người phải chờ 4 năm mới có phòng. Lúc đó, nhiều trường đại học và học viện đã chọn giải pháp không gian hộp. Tháng 3-2004, 123 chiếc hộp căn hộ đầu tiên được lắp đặt tại Đại học Kỹ thuật Delft. Đến nay, Đại học Utrecht vẫn duy trì hơn 300 căn hộ trong khuôn viên trường, mỗi căn hộ có bếp, nhà tắm, giường ngủ, tủ quần áo riêng. Phòng giặt đồ cùng một số sinh hoạt khác là chung. Nghe nói các hộp này khi đó được làm bằng composite chất lượng cao, vật liệu hiện giờ được sử dụng trong hàng không và công nghệ vũ trụ.