Nhà nhiếp ảnh Trần Phong, người ghi lại những đổi thay của Tây Nguyên

ANTD.VN - Say đắm với những bức tượng nhà mồ Tây Nguyên, nhà nhiếp ảnh Trần Phong đã có ngót 30 năm theo đuổi các tác phẩm điêu khắc nằm khuất nẻo trong rừng. 

Cách đây hơn 30 năm, chính xác là từ năm 1986, hình như là một định mệnh, nhà nhiếp ảnh Trần Phong bỗng yêu những bức tượng gỗ Tây Nguyên rồi chụp lại và giữ nó cho đến tận bây giờ.

Thứ mà mọi người cảm thấy sờ sợ, tránh xa nhưng ông lại lao vào và theo đuổi. Bởi những bức tượng này nằm trong rừng nhà mồ của người dân tộc thiếu số ở Gia Rai và Ba Na, ít người lai vãng đến. Không phải chỉ một làng, một xã, một huyện mà rải khắp cả Gia Lai và một số vùng ở tỉnh Kon Tum, hầu như ở khu nhà mồ nghe tin có tượng gỗ đẹp, ông đều tìm đến.

Một trang trong cuốn sách "Tượng gỗ Tây Nguyên"

Nhà nhiếp ảnh chia sẻ, sợ thì cũng có sợ nhưng vì đam mê chụp ảnh loại hình nghệ thuật này thì lao vào làm thôi. Hơn thế, tượng gỗ Tây Nguyên là những tác phẩm điêu khắc độc đáo có một không hai của đất nước, được gửi gắm biết bao tình cảm cho người đã khuất và là sự suy tư, chiêm nghiệm về cái chết, lẽ sống của các nghệ nhân dân gian. Những bức tượng gỗ trải qua nắng mưa vẫn đứng đó như một minh chứng rõ nét cho thế giới quan của đồng bào dân tộc thiểu số và một nền nghệ thuật chạm khắc đạt đến đỉnh cao. 

Là người chụp ảnh, ông thấy mình cần ghi lại và lưu giữ vẻ đẹp của các tác phẩm điêu khắc dân gian. Hơn nữa tượng gỗ nhà mồ chỉ xuất hiện trong lễ hội bỏ mả. Đây cũng là lễ hội độc đáo và mang nhiều bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Không phải ở đâu cũng có. Sau lễ bỏ mả, ngôi nhà mồ và tượng gỗ cũng bị bỏ luôn, người ta không đến trông nôm, chăm sóc nữa. Vì thế một thời gian ngắn sau đó tất cả đều bị thời gian và mưa gió chôn vùi, mục nát. Nếu không kịp thời lưu lại hình ảnh thì sẽ mất đi vĩnh viễn không còn để lại dấu vết gì nữa.

Nhà nhiếp ảnh Trần Phong, người ghi lại  những đổi thay của Tây Nguyên ảnh 2

Cuốn sách ảnh "Tượng gỗ Tây Nguyên" là tình cảm và tâm huyết của nhà nhiếp ảnh Trần Phong thực hiện trong suốt 30 năm

Ông đã lặng lẽ thực hiện đề tài này trong suốt 30 năm qua và chứng kiến biết bao thăng trầm, đổi thay của các buôn làng Tây Nguyên với không ít xót xa. Bởi ngày nay, đi khắp các buôn làng ở Tây Nguyên, chúng ta không còn cơ hội để chiêm ngưỡng những tác phẩm tượng gỗ có giá trị nghệ thuật như nhiều năm trước đây. Nhà mồ, tượng mồ đã được hiện đại hóa bằng xi măng, mái tôn. Lớp nghệ nhân dân gian lớn tuổi đã ra đi. Tượng gỗ dần bị suy thoái theo thời gian và gần như biến mất. 

Với 30 năm theo đuổi đề tài, đến nay Trần Phong đã sở hữu kho tàng đồ sộ và quý giá các bức ảnh về tượng nhà mồ Tây Nguyên mà không phải nhiếp ảnh gia nào cũng có được. Với nhà nhiếp ảnh Trần Phong, Tây Nguyên là vùng đất có nhiều điều kỳ lạ. Tượng gỗ nằm trong đó. Nó là một phần trong đam mê nghề nghiệp của Trần Phong và lòng yêu mến những gì có thể yêu mến đã hiện hữu trên đất này. Nơi ông đã sống, đi, đến và hoạt động gần cả cuộc đời mình.

Nhà nhiếp ảnh Trần Phong, người ghi lại  những đổi thay của Tây Nguyên ảnh 3

Nhà nhiếp ảnh Trần Phong

Nay đã nghỉ hưu, có thời gian rảnh rỗi, ông nghĩ đã đến lúc mình phải làm cái gì đó về Tây Nguyên cho trọn vẹn tình cảm. Và ông đã gom lại, lọc ra một số ảnh tiêu biểu in thành cuốn sách "Tượng gỗ Tây Nguyên" để lưu giữ lâu dài và góp phần vào việc bảo tồn và giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung và của Gia Lai nói riêng. Mỗi một bức ảnh chụp được in trong sách đều được Trần Phong ghi lại cẩn thận tên làng xã và năm chụp. Cuốn sách do NXB Thế giới phát hành. 

Tập sách này là kết quả quá trình sưu tầm lâu dài cách đây hơn 3 thập kỷ, nhằm giới thiệu những hình ảnh chân thực về tượng gỗ nhà mồ, chủ yếu là của hai dân tộc Gia Rai và Ba Na của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Phần lớn những bức ảnh trong cuốn sách đã thực hiện từ những năm 1986, 1988 và nhiều năm sau đó .Từ gần 1000 bức ảnh đã chụp về tượng gỗ, nhà mồ, lễ hội bỏ mả, đời sống sinh hoạt liên quan đến hiện tượng văn hóa này; ông đã chọn lọc trên 300 bức ảnh để xuất bản, nhằm lưu giữ và phổ biến giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian này.