Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Á: Khước từ sự an nhàn để lặn lội với nghề

ANTD.VN - Chỉ 1 tháng sau tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã ra mắt cuốn sách “khủng” có trọng lượng lên tới 3,6kg về 11 di sản văn hóa thế giới của Việt Nam.

Đã đạt tới tước hiệu E.VAPA (Nghệ sỹ nhiếp ảnh xuất sắc Việt Nam), Nguyễn Á có thể an nhàn với thương hiệu tạo dựng. Tuy nhiên, anh lại tự làm khó mình khi cất công, chịu khổ để có được những bức ảnh mang tính thời sự và lan tỏa tinh thần nhân văn.

Truyền tình yêu văn hóa dân tộc

Cũng giống như các nghệ sỹ nhiếp ảnh của Việt Nam, Nguyễn Á ngoài nghề “tay phải” còn mở studio chụp ảnh lịch, ảnh cưới… để trang trải cho cuộc sống. Nhưng những chuyến tác nghiệp trong Nam ngoài Bắc khiến tay máy này không thể toàn tâm, toàn ý cho công việc kinh doanh. Nguyễn Á cũng thú thực, vật chất ai cũng muốn nhưng nhiều khi, niềm yêu thích đã buộc anh phải khước từ nhiều hợp đồng, doanh thu để đuổi theo một sự kiện, một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu. 

Sau những bộ ảnh như: Họ đã sống như thế, Tâm và tài-Họ là ai, Trường Sa Hoàng Sa… vừa qua, Nguyễn Á đã ra mắt cuốn sách ảnh về 11 di sản văn hóa phi vật thể thế giới của Việt Nam ở những ngày cuối cùng năm 2016. Đồng thời, một triển lãm ảnh về đề tài này cũng diễn ra tại Thủ đô. 

Sự kỹ lưỡng và tận tâm luôn được đánh giá cao từ NSNA Nguyễn Á. 

Nguyễn Á là người Sài Gòn nhưng đã kịp bắt lấy một sự kiện thời sự về  văn hóa của miền Bắc. Anh nhanh nhẹn và tinh tường khi đã dự đoán chính xác tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ được UNESCO vinh danh và bắt tay vào thực hiện bộ ảnh di sản từ cách đây 10 năm.

Một số nghệ nhân cao niên đã không thể chờ đến ngày cuốn sách được ra mắt. Nhưng niềm an ủi đối với nhà nhiếp ảnh này là cuốn sách đã góp phần khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc trong mỗi người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ.

Điều đó được khẳng định, ở những ngày cuối cùng của triển lãm diễn ra tại số 50 Đào Duy Từ, rất nhiều người trẻ đã xuất hiện bên cạnh các bậc trung niên tới tham quan. Các em học sinh, sinh viên cặm cụi ghi chép các số liệu rồi chụp ảnh để làm tư liệu. Việc người trẻ tìm về văn hóa dân tộc từ các bức ảnh mang nhiều công sức chính là niềm hạnh phúc đối với người cầm máy. 

Tận tâm với nghề

Nguyễn Á khá cô độc trong nhiếp ảnh. Anh không có thói quen sáng tác tập thể. Chỉ với chiếc máy ảnh, anh một mình lặn lội tới nơi biên giới, hải đảo và vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, trước mỗi vùng đất mới, mỗi bức ảnh thu về còn là những trăn trở của người cầm máy là nước mắt và công sức của một người tận tâm với nghề nghiệp. 

Ngay với những bức ảnh chụp di sản Việt Nam, Nguyễn Á cũng không dễ dàng để có được. Bởi dù công sức không thể đo đếm với các bộ ảnh Trường Sa, Hoàng Sa nhưng cái tốn kém của Nguyễn Á trong trường hợp này lại là… cái tình. Anh đã đến với các nghệ nhân bằng tấm chân tình và điều Nguyễn Á nhận lại cũng là một tấm lòng. Có lẽ vậy, ảnh của Nguyễn Á không có sự gượng ép, hành động của nhân vật trong ảnh diễn ra như cuộc sống vốn vẫn vậy. 

Trong nghề nghiệp, Nguyễn Á được ghi nhận là tay máy giàu nhiệt huyết với nghề. Đều đặn hàng năm, anh vẫn thường ra mắt một cuốn sách ảnh vào dịp cuối năm. Nguyễn Á liên tục đi về giữa Sài Gòn và Hà Nội để thực hiện nhiều dự án nghệ thuật mang yếu tố xã hội. Gần đây nhất, Nguyễn Á tiết lộ, anh đang thực hiện bộ ảnh về sự hy sinh thầm lặng của người phụ  nữ Việt Nam hay một bộ ảnh được chụp ở độ sâu dưới lòng đất để khắc họa sự vất vả của những người công nhân than. 

Nguyễn Á là thế, dự án này chưa hoàn tất, anh đã nghĩ ngay đến một đề tài khác để những chuyến đi cứ nối dài mãi. Dường như, với tay máy này, khoảng lặng giữa các hoạt động nghệ thuật là chưa bao giờ có. Anh di chuyển thường xuyên và những bức ảnh cứ chất đầy trong kho lưu trữ tư liệu. Nhà nhiếp ảnh này cho biết thêm, anh luôn có sẵn tư liệu cho bất cứ đề tài nào nhưng trước khi ra mắt một cuốn sách ảnh hay một triển lãm, anh sẽ cần thời gian để không bao giờ phải hối tiếc trước một sản phẩm chưa đạt chất lượng.