Nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính có lời xin lỗi

ANTĐ - Không biện minh cho lỗi sai sót, nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đã có lời xin lỗi công chúng sau những lùm xùm xung quanh tính chân thật của bức ảnh“Bộ đội Trường Sơn đu dây”. Bức ảnh đã chụp cách đây 45 năm, từng “công du” tại festival ảnh báo chí lớn nhất thế giới - Visa pour I’Image Perpignan (Pháp) nhưng chỉ vì bất cẩn và thiếu thận trọng mà nhà nhiếp ảnh lão thành đã lâm vào tình cảnh buồn phiền. 

Nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính có lời xin lỗi ảnh 1Bức ảnh “Bộ đội Trường Sơn đu dây” in lần đầu tiên trong sách ảnh “Khoảnh khắc” năm 2002 và bức ảnh in lần thứ hai đã được thay thế phần thác nước

Dễ dãi không đáng có

Bức ảnh “Bộ đội Trường Sơn đu dây” của nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính được tác giả chụp cách đây 45 năm, ngày ông mới vào nghề phóng viên ảnh và công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Do phim chụp thiếu sáng hay đúng hơn là chụp ngược sáng, không dùng được cho công tác tuyên truyền nên cấp trên quyết định loại bỏ, không lưu trữ.

 Nhưng vì tiếc công đi chụp và ông lại thấy tấm phim đẹp nên Đoàn Công Tính đã cuộn lại và cất trong tủ trong nhiều năm. Chỉ đến năm 2002, ông in cuốn sách ảnh “Khoảnh khắc”, tấm phim mới được đem ra sử dụng. Và đến năm 2007, ông tái bản cuốn sách lần hai. Nhưng do phim bị ố vàng, phần thác nước trong ảnh bị mất, Đoàn Công Tính đưa ra hiệu ảnh cho ông bạn xem. Người thợ ảnh này khẳng định, tấm phim sẽ được cứu bằng cách ghép phần thác nước khác vào. Nhà nhiếp ảnh đồng ý và bức ảnh in ra lần hai trong cuốn sách đẹp hơn lần đầu tiên.  

Năm 2014, Ban tổ chức Festival nhiếp ảnh báo chí quốc tế - Visa pour I’Image Perpignan, tổ chức hàng năm tại thành phố Perpignan, miền Nam nước Pháp đã cử người tới tận nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính để tuyển lựa ảnh đem trưng bày. Trong một đĩa ảnh có tới hơn 100 file gồm nhiều tác phẩm ảnh chiến trường nổi tiếng của ông, người tuyển lựa chỉ xem đến một nửa và xin nhà nhiếp ảnh được mang đĩa ảnh về để tiếp tục chọn lựa.

Tất nhiên, trong đĩa ảnh đó có bức ảnh “Bộ đội Trường Sơn đu dây” của Đoàn Công Tính đã được ghép phần thác nước mới. Quên mất chi tiết này, ông đã đồng ý cho nhà tuyển lựa cầm đĩa về và vì phần cắt ghép rất thật lại cộng thêm yếu tố nghệ thuật, bức ảnh đã được lựa chọn làm tấm ảnh “đinh” cho bộ ảnh “Phóng viên ảnh chiến trường” của Việt Nam tại Festival nhiếp ảnh báo chí quốc tế Visa pour I’Image Perpignan. Bức ảnh sau khi trưng bày tại Pháp đã trở lại Việt Nam trong triển lãm ảnh “Phóng viên ảnh chiến trường” vừa diễn ra vào những ngày cuối tháng 4-2015 tại Trung tâm Văn hóa Pháp. 

“Người buồn nhất chính là tôi”

Mọi chuyện chỉ trở nên ồn ào từ sau buổi gặp gỡ giữa nhà nhiếp ảnh Đan Mạch, Jorn Stjerneklar và nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính. Ông đã tặng phóng viên đến từ đất nước của “những chú lính chì dũng cảm” cuốn sách “Khoảnh khắc” in lần đầu tiên và cuốn sách tái bản lần hai. Sau khi xem xong hai cuốn sách, phóng viên nước ngoài nhận ngay ra bức ảnh lần hai và lần đầu tiên có sự khác biệt rất lớn ở phần phông cảnh - thác nước phía sau những người lính Trường Sơn.

 Ông đã đưa sự việc lên trang blog cá nhân và sự việc lan truyền với tốc độ chóng mặt. Đến nỗi, ngay tờ The New York Times (Mỹ), từng chọn bức ảnh làm tiêu điểm cho loạt ảnh giới thiệu bộ ảnh “Phóng viên ảnh chiến trường” đã phải gỡ xuống vào tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà nghiên cứu, các nhà nhiếp ảnh trên thế giới về tính chân thật trong ảnh. Họ yêu cầu Ban tổ chức Festival nhiếp ảnh báo chí thế giới Visa pour l’lmage Perpignan phải giải thích và làm rõ sự việc. 

Với tinh thần cầu thị, nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính nhận ngay sai sót của mình. Ông cho biết: “Cách đây ít hôm, tôi đã có buổi nói chuyện trên VTV về tính trung thực trong ảnh báo chí. Nên khi sự việc xảy ra, chính tôi là người cảm thấy buồn nhất. Dù có biện minh thế nào đi nữa thì tôi vẫn là người sai trong tình huống này.

Đáng lý tôi phải tỉnh táo, nhạy bén hơn. Với kinh nghiệm hàng chục năm cầm máy, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải sai lầm ngớ ngẩn như vậy. Tôi thành thật xin lỗi công chúng và cũng mong mọi người thông cảm cho tôi, một ông già đã ngoài 70 tuổi, trí nhớ đã suy giảm”. Qua sự việc này, nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính cũng rút ra cho mình bài học kinh nghiệm rằng hãy luôn cẩn trọng.

Dù bức ảnh đã chụp cách đây vài thập kỷ thì hãy luôn cẩn thận khi công bố trước công chúng. Tiêu chí trung thực của ảnh báo chí không cho phép tác giả được dễ dãi, thỏa hiệp để chạy theo cái đẹp mà xa rời tính chân thực trong tác phẩm.