Nhà nghỉ không phải... để nghỉ

ANTĐ - Nhà nghỉ với ý nghĩa chính đáng của nó là cung cấp dịch vụ nghỉ ngơi cho khách qua đường. Nhưng cùng với sự phát triển của các dịch vụ “nhạy cảm” khác và  sự xuống cấp của đạo đức xã hội, người ta nhắc đến nhà nghỉ như một tệ nạn xã hội. Hà Nội hiện có 2.000 nhà nghỉ, chưa kể đến các khách sạn, nếu chỉ tính mỗi nhà nghỉ có 5 lượt khách mỗi ngày thì trung bình mỗi ngày đã có đến 10.000 lượt người vào nhà nghỉ. Trong số đó có bao nhiêu khách có nhu cầu nghỉ ngơi thực sự, còn bao nhiêu vào để mua bán dâm, để ngoại tình, quan hệ tình dục, bao nhiêu vào để thực hiện các hành vi phạm tội khác như ma túy, cờ bạc…

Nhà nghỉ không phải... để nghỉ ảnh 1
Ảnh: Internet

Ra cổng gặp… nhà nghỉ

Bây giờ bước chân ra khỏi nhà là gặp nào cầm đồ, mát xa, tẩm quất… nhưng nhiều nhất phải nói đến nhà nghỉ. Nhà nghỉ dày đặc phố lớn phố nhỏ, nhất là những con đường mới xây vùng ven đô lại càng nhiều hơn. Phải kể đến những “thiên đường” nhà nghỉ như Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, rồi vòng qua Bưởi, các ngõ ngách trên đường Láng cũng san sát những nhà nghỉ; rồi thì khu vực Mỹ Đình, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh; những con đường mới dọc bờ sống Tô Lịch như Nguyễn Khang, Khương Trung mới…; khu đường Giải Phóng, Kim Đồng, phố Vọng…; phía kia là Đầm Trấu, sang bên kia cầu là thiên la những nhà nghỉ ở khu vực Long Biên, rồi thì Gia Lâm… Chúng tôi đã thử làm một cuộc khảo sát, chỉ một diện tích chưa đến nửa cây số vuông ở khu vực Đầm Trấu mà tính sơ sơ đã có gần ba chục cái biển nhà nghỉ, nhà khách, hottel… Trên đường Giải Phóng thì cứ gọi là không đếm xuể. 

Ai cũng biết, mở được một vài nhà nghỉ là siêu lợi nhuận, bởi vì ngoài khoản đầu tư ban đầu cho cơ sở vật chất, còn lại nhân lực và tiền chi trả nhân viên rất ít, nhà nghỉ hạng trung cũng chỉ cần một lễ tân, bảo vệ và nhân viên dọn dẹp. Thường nhiều nhà nghỉ nhỏ còn tận dụng luôn người nhà cho tất cả các khoản trên. Trong khi đó, lãi từ dịch vụ nhà nghỉ sau khi trừ hết chi phí (không kể đến các nhà nghỉ có dịch vụ “em út”) mèng mèng cũng mấy chục triệu mỗi tháng. Lợi nhuận như vậy, cùng với nhu cầu nhà nghỉ ngày càng tăng cao đã lý giải tại sao nhà nghỉ vẫn mọc lên không ngớt. Theo số liệu từ cơ quan công an thì hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có xấp xỉ 2.000 nhà nghỉ, nhà khách, trong đó, tập trung nhiều nhất phải kể đến Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa, Từ Liêm… Đã đành Hà Nội là Thủ đô, là thành phố du lịch… thì ắt khách vãng lai đến sẽ nhiều hơn những nơi khác. Nhưng dạo một vòng qua các nhà nghỉ mới thấy, chẳng phải vì nhiều khách du lịch, vì nhiều người nơi xa đi công chuyện ở Hà Nội mà phần lớn khách ra vào nhà nghỉ lại là những người… chẳng có nhu cầu nghỉ ngơi. 

Những “Ninja” vào nhà nghỉ

Buổi trưa giữa đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè, tôi “phục kích” ở một quán nước ven đường khu Đầm Trấu (Hai Bà Trưng), phía bên kia đường là 3 nhà nghỉ nằm sát nhau còn phía xa cùng trục đường có chừng gần 10 chiếc. Bắt đầu khoảng 11h thì có khách ra vào nhà nghỉ, không quá ồn ào, người ra, người vào đều rất nhanh. Ở đây dường như mọi việc đã quen thuộc đến nỗi chẳng còn ai thèm quan tâm, soi mói hay bàn luận chuyện những đôi, những cặp dập dìu ra vào nơi đây nữa. Một cặp đôi chừng trên dưới 30 tuổi phóng chiếc xe máy từ phía đường Nguyễn Khoái đỗ ở trước cửa một nhà nghỉ ngay đầu đường. Hai chiếc mũ bảo hiểm ngoắc vội lên xe rồi hai bóng người lẩn nhanh vảo khoảng tối phía sau chiếc rèm kín đáo ở cửa nhà nghỉ. Ông chủ nhà nghỉ tuồng như đã quen việc, vội chạy ra dắt chiếc xe vào phía trong, không quên quay biển số xe vào tường… Ở nhà nghỉ cạnh đó, không lâu sau một người đàn ông chừng trên 40 tuổi ăn mặc bảnh bao phóng xe thẳng vào trong sảnh, có vẻ là khách quen. Lát sau, một phụ nữ đeo khẩu trang kín mít bước xuống từ taxi cũng vội vã bước vào… 

Dạo một vòng quanh khu vực này, mới thấy các nhà nghỉ tuy san sát nhưng nhà nào cũng tương đối đông khách. Cứ nhìn thấy dăm bảy chiếc xe máy được chủ nhà khéo léo giấu biển số bằng cách dựng quay đuôi xe vào phía trong thì biết, có nhà nghỉ còn làm cả những tấm ghi đô để “giấu” xe giúp khách. Thế đủ hiểu đối tượng khách thường xuyên ra vào nhất nơi đây chủ yếu vẫn là dân ngoại tình, mới cần che giấu hành động của mình như thế. Một “xe ôm” giải thích với tôi: Khu này gần trung tâm, nhiều cơ quan văn phòng ở phía trong nhưng phía ngoài này lại khuất sau đê, đảm bảo sự kín đáo nên là lựa chọn số 1 của dân ngoại tình. Giá cũng “phải chăng nữa” có 50-60 nghìn đồng là “nghỉ” cả buổi trưa. Dân ở đây thì quen rồi, vì cứ thấy những phụ nữ “kín bưng như Ninja”, vội vội vàng vàng là biết ngay. 

Rời khu Đầm Trấu, chúng tôi đến khu Giải Phóng đoạn gần bến xe Giáp Bát vào buổi tối vì nghe nói đây là “đại bản doanh” của những cô gái đứng đường. Dù tụ điểm mại dâm này gần đây không còn “nóng” như thời gian trước nhờ sự ra tay quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhưng thấp thoáng vẫn dễ dàng nhận ra những bóng phụ nữ đứng hoặc đi chầm chậm trên hè phố, mắt liếc dọc liếc ngang tìm khách. Và khi có một chiếc xe máy đỗ lại, vài lời mặc cả xong là cả hai nhanh chóng tấp vào một nhà nghỉ gần đó. Chủ nhà nghỉ cũng chẳng cần phải hỏi gì thêm, vì đa phần đã là khách quen. Nhiều nhà nghỉ còn cử cả những cô gái ưa nhìn ngồi phía ngoài để “câu khách” nữa.

Rồi những sinh viên, học sinh ngồi trên ghế nhà trường vô tư kể “chiến tích” nhà nghỉ cho nhau nghe. Bãi đáp của những đôi trẻ cũng có tiêu chí, phải là những nhà nghỉ giá cả phải chăng, kín đáo, sạch sẽ. Thường những nơi nhiều gái mại dâm đứng đường lui tới như Giáp Bát hay Phạm Văn Đồng không phải lựa chọn vì “không sạch sẽ”. Thiên đường của những đôi trẻ thường là những nhà nghỉ ở Hoàng Quốc Việt, Chùa Bộc, Trần Duy Hưng, hay xa hơn là Gia Lâm, Long Biên… Ở đây, người ta có thể bắt gặp cả những cô cậu từ sinh viên cho đến học sinh cấp 2.

Nhà nghỉ mọc lên nhiều, tiện cho người “có nhu cầu”, lợi cho chủ nhà nghỉ, nhưng những người dân quanh đó thì hứng đủ những khó chịu. Chị Hòa có ngôi nhà lọt thỏm giữa các cửa hàng, nhà nghỉ than thở: Nhà tôi có con gái lớn đang tuổi lớn, cứ tối ngày nhìn thấy cảnh ra ra vào vào nhà nghỉ thế này, đứa nào đứa nấy ăn mặc hở hang, chẳng ra gì. Toàn cảnh “chướng tai gai mắt”, đến mình còn bị ảnh hưởng nữa còn bọn trẻ. Rồi thì đánh ghen, gái mại dâm chửi đánh nhau với khách… đủ kiểu trên đời.

Che giấu những hành vi phạm pháp

Không chỉ vào nhà nghỉ để thỏa mãn nhu cầu sinh lý, các nhà nghỉ còn là địa điểm lý tưởng để che đậy những hành vi phạm tội, từ mại dâm, quan hệ tình dục bầy đàn, karaoke ôm, lắc, chích hút ma túy, rồi hiếp dâm, giết người… Chỉ cần gửi lại lễ tân chứng minh thư hoặc bất cứ giấy tờ tùy thân nào, khách sẽ được sở hữu một căn phòng để muốn làm gì thì làm. Trung tá Nguyễn Hoàng Nam, Đội trưởng Đội quản lý đặc doanh (Phòng cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hà Nội) cho biết, hiện nay loại hình kinh doanh nhà nghỉ còn tồn tại nhiều yếu tố phức tạp, trong đó nhức nhối nhất là việc các đối tượng tập trung hoạt động tệ nạn như cờ bạc, mại dâm, ma túy… Thậm chí có những ổ nhóm hoạt động phạm pháp hình sự tập trung tại các nhà nghỉ để chờ thời cơ tỏa đi các nơi hoạt động. 

Trong đợt tổng kiểm tra hành chính các cơ sở lưu trú, trong đó có nhà nghỉ, cơ quan công an đã phát hiện nhiều vi phạm trong nhà nghỉ. Ngày 28-3, lực lượng công an đã tiến hành kiểm tra nhà nghỉ ở 55 Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên, phát hiện tại phòng 202 hai đối tượng đang sử dụng trái phép chất ma túy. Qua khai thác, đối tượng Nguyễn Hùng Hải, SN 1956, trú tại Ngô Quyền, Hải Phòng (có 3 tiền án trộm cắp, 1 tiền án cướp tài sản) và Bùi Đình Hùng, SN 1965 ở Lê Chân, Hải Phòng (có 1 tiền án trộm cắp tài sản, 2 tiền án tội cố ý gây thương tích). Tang vật thu giữ một số vũ khí và dụng cụ phá khóa xe máy. Chúng khai nhận vừa lấy trộm 1 xe máy và gửi ở bãi giữ xe.

Hay ngày 18-4, tổ công tác công an phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai kiểm tra nhà nghỉ 69 tổ 8 Hoàng Liệt phát hiện đối tượng Phạm Thị Thu Thủy (SN 1980, trú quận 10, TP Hồ Chí Minh) đang thuê ở tại nhà nghỉ là đối tượng truy nã đặc biệt của công an tỉnh Quảng Ninh về tội mua bán phụ nữ, trẻ em. Kiểm tra một phòng nghỉ khác, lực lượng công an phát hiện thêm 9 người. Đối tượng Thủy khai nhận đang chuẩn bị chuyển 9 người trên đi bán ở Quảng Ninh…

Có thể thấy ở một thành phố đông dân như thế này, chẳng có địa điểm nào đảm bảo sự kín đáo như nhà nghỉ. Hơn thế, cùng với sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của chủ nhà nghỉ đã tiếp tay cho những hành vi phạm pháp không ngừng gia tăng ở đây.

Đến hiếp dâm, giết người

Chưa có một thống kê chính thức nào được công bố, nhưng hầu như ngày nào cũng thấy các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về những vụ hiếp dâm, cưỡng dâm, quan hệ với trẻ vị thành niên xảy ra tại các nhà nghỉ. Mới đây nhất, khi kiểm tra một nhà nghỉ trên đường Khương Hạ (Thanh Xuân), Công an phường Khương Đình đã phát hiện một đôi nam nữ trong phòng, cô gái 15 tuổi đang mặc đồng phục học sinh của một trường trên địa bàn quận, còn người đàn ông đã 52 tuổi. Họ khai nhận vào đây để “quan hệ”, tuy nhiên rất may mắn khi lực lượng công an đưa cô bé đi giám định thì cô bé vẫn chưa bị xâm hại. Hay mới đây, một cô bé 13 tuổi (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng được mẹ đưa đến cơ quan công an để trình báo vì bị cưỡng hiếp. Theo bậc phụ huynh này thì cô bé học hết lớp 8 thì bỏ nhà đi chơi và làm tiếp viên cho một quán karaoke từ ngày 1 đến 5-5. Trong thời gian này cô bị đối tượng Bùi Văn Tấn (22 tuổi ở Khương Đình, Thanh Xuân chuyên chở tiếp viên tại các quán karaoke) hãm hiếp rồi đánh tại nhà nghỉ trên đường Trần Duy Hưng. Trong quá trình điều tra, cơ quan Công an còn phát hiện một thanh niên tên Đạt (ở Khương Đình, Thanh Xuân) cũng đã đưa cô gái này vào nhà nghỉ và giao cấu hồi cuối tháng 4.

Rồi thầy giáo đưa học sinh vào nhà nghỉ, nữ sinh bị hiếp dâm tập thể, thanh niên quan hệ với trẻ vị thành niên… Tất tần tật đều xảy ra tại nhà nghỉ. Bởi khi nảy sinh ý định đê hèn, địa điểm đầu tiên mà kẻ xấu nghĩ đến để thực hiện hành vi thú tính là nhà nghỉ. Vì đây là địa điểm kín đáo, mọi hành vi đê hèn, tội lỗi của chúng đều được che giấu bởi 4 bức tường. Thông thường, đã vào phòng nơi nhà nghỉ, các nạn nhân rất ít có cơ hội thoát thân, vì hoặc là xấu hổ, sợ hãi, hoặc có kêu cứu cũng chẳng biết kêu ai. Còn những chủ nhà nghỉ, họ chỉ biết thu tiền phòng, còn thì khách hàng có là cặp tình nhân vào đây vui vẻ, hay là nạn nhân bị ép vào đây quan hệ tình dục, trên người có mặc đồng phục học sinh hay không, họ cũng  không coi đó là trách nhiệm của mình.

Cũng bởi khi vào 4 bức tường ấy, khách có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ bị người khác phát hiện, nhiều bi kịch đã xảy ra ở đây. Mới đây nhất là vụ giết người tình gây xôn xao dư luận ở TP Hồ Chí Minh. Hai khách là một cặp trung niên vào thuê phòng qua đêm tại một nhà nghỉ bằng chứng minh thư của người phụ nữ mang tên Trần Thị Kim H (44 tuổi, quê Trà Vinh). Ngày hôm sau, người đàn ông rời khỏi nhà nghỉ, còn người phụ nữ thì mãi không thấy trả phòng. Nhân viên nhà nghỉ lên gọi không thấy trả lời, phá cửa thì phát hiện chị H đã chết trong tư thế bị siết cổ bằng đoạn dây dù, đồng thời một số trang sức bằng vàng đã biến mất. Người đàn ông nghi thủ phạm đã bị camera của nhà nghỉ ghi lại và cơ quan công an đang trong quá trình điều tra, truy bắt. 

Một ông chủ có trong tay 3 nhà nghỉ kinh nghiệm: Làm cái nhà nghỉ này kị nhất là có người chết, sau mới là bị công an “sờ gáy”. Cứ có người chết là khách sợ không dám bén mảng, muốn kinh doanh tiếp chỉ còn cách đóng cửa một thời gian, rồi thay đổi tên, biển hiệu. Dù có kỹ lưỡng đến mấy nhưng nếu đối tượng đã có ý định cũng khó mà ngăn chặn được. Bởi vậy, nếu có bất kỳ biểu hiện gì bất thường thì nhân viên phải kiểm tra ngay. Chẳng hạn một đôi đến thuê mà có người ra ngoài trước thì nhất định nhân viên phải gọi điện lên phòng, nếu người còn lại trả lời thì mới cho ra ngoài. Hoặc khách thuê mà ở lỳ mãi trên phòng, không ăn uống gì thì cũng phải gọi điện lên kiểm tra…

Mở dễ, quản khó

Với chính sách mở rộng và khuyến khích kinh doanh của Nhà nước, thủ tục hành chính để mở một nhà nghỉ khá đơn giản. Chỉ cần có cơ sở vật chất, rồi lần lượt xin Đăng kí kinh doanh (UBND Quận), Chứng nhận phòng cháy chữa cháy (CA Quận) và Cam kết an ninh trật tự (CA Thành phố) là có thể mở một nhà nghỉ. Nhà nghỉ là loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ nhà nghỉ thì người vào nghỉ phải đăng kí họ tên, xuất trình chứng minh thư và các nhà nghỉ phải ghi đầy đủ số lượng khách ra vào cụ thể từng ngày. Theo đó Nhà nước có thể dựa trên danh sách thống kê số lượng khách nghỉ trong từng tháng để thu thuế đối với nhà nghỉ. Nhưng thực tế, rất ít nhà nghỉ thực hiện đúng quy định đó. Một phần bởi vì muốn “tiếp tay” cho những khách hàng vì những lý do không mấy chính đáng (cũng là một chiêu giữ khách), phần nữa cũng là để “trốn thuế”. Dù các lực lượng chức năng vẫn không ngừng kiểm tra, xử lý, truyên truyền các chủ cơ sở kinh doanh chấp hành quy định của pháp luật, yêu cầu ký cam đoan, cam kết nhưng tình trạng vi phạm vẫn tồn tại. 

Cũng vì việc đăng ký kinh doanh một nhà nghỉ dễ dàng, nên nhiều chủ nhà nghỉ đã “qua mặt” các cơ quan chức năng. Một cán bộ công an quận cho biết, có những nhà nghỉ bị phát hiện sai phạm nhiều lần đã bị thu hồi đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên chỉ một thời gian sau, vẫn nhà nghỉ ấy nhưng với một cái tên khác lại hoạt động trở lại. Trường hợp này, chủ nhà nghỉ dễ dàng mượn tên người khác để tiếp tục đăng ký kinh doanh. Dù là loại hình kinh doanh có điều kiện song việc cấp đăng ký kinh doanh lại dễ dàng, công tác thẩm định trước khi cấp phép sơ sài.

Trong khi đó, việc quản lý các nhà nghỉ hầu như chỉ có lực lượng công an tham gia chứ chưa có sự phối hợp của các ngành khác. Từ đầu tháng 3 tới nay, Công an TP Hà Nội đã triển khai đợt tổng kiểm tra hành chính các cơ sở lưu trú nhằm phát hiện đối tượng tạm trú, lưu trú có biểu hiện nghi vấn, hoạt động phạm tội trên địa bàn thành phố theo Kế hoạch số 38/CAHN. Trong đợt kiểm tra này đã phát hiện 1.438 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, phương pháp kiểm tra còn nặng về kiểm tra hành chính đơn thuần, chưa kết hợp các biện pháp trinh sát nghiệp vụ nên xác định cơ sở kiểm tra còn tràn lan, hiệu quả phát hiện bắt quả tang tội phạm, tệ nạn xã hội còn hạn chế. 

Với loại hình kinh doanh dễ bị tội phạm lợi dụng để hoạt động như nhà nghỉ, cần phải quy hoạch để đưa vào một thể chế quản lý rõ ràng, thống nhất, đồng bộ, giảm thiểu và triệt tiêu những tiêu cực phát sinh trong quá trình kinh doanh của loại hình nhạy cảm này. Bên cạnh đó, rất cần phải nâng mức xử phạt đối với cơ sở nhà nghỉ vi phạm. Hiện theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì mức phạt hành chính cho các vi phạm của nhà nghỉ mới ở mức 200.000-15.000.000 đồng là không đủ sức răn đe. Đồng thời cũng cần yêu cầu các chủ nhà nghỉ cam kết không vi phạm và cần phải xem xét dưới góc độ hình sự đối với những chủ nhà nghỉ “nhắm mắt” để biến nhà nghỉ thành bãi đáp, thành những tụ điểm để hoạt động phạm tội.