Nhà nghèo xin đừng lãng phí

ANTĐ - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, bội chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2015 lên tới 99.000 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách đã tăng 8,1% trong khi tổng thu chỉ tăng 6,6%. Nhưng vấn đề làm người ta lo lắng hơn cả chính là việc mới có 6 tháng đầu năm mà ngân sách đã thiếu tiền chi cho những nghiệm vụ cấp bách. 

Bộ Tài chính vừa chỉ đạo Vụ Tài chính ngân hàng đề xuất vay tới 30.000 tỷ đồng cho ngân sách từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để phục vụ cho chi tiêu. Vay thì phải trả lãi, vì vốn nào cũng phải sinh lợi. Ngân sách lại phải chi thêm một khoản nữa. Gọi là vay NHNN, nhưng thực ra là vay quỹ dự trữ quốc gia.

Vậy nếu trong trường hợp ngân sách không trả kịp, mà nhu cầu thanh toán quốc tế đã đến sẽ ra sao. Có thể nói, việc vay tiền từ dự trữ quốc gia không trái luật, nhưng nguy hiểm. Điều này tất cả những người quan tâm đến tài chính vĩ mô đều biết rất rõ. Dĩ nhiên, vì lợi ích quốc gia, Bộ Tài chính sẽ chọn lựa những giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, cần có những biện pháp dự phòng tốt hơn.

Đáng lo hơn, tình hình khó khăn của ngân sách chưa dừng ở đó. Một thông tin khác chưa được công bố rộng rãi là Bộ Tài chính còn muốn vay một khoản gấp 3 lần con số trên, tới 95.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm xã hội. Với kênh huy động trái phiếu Chính phủ, để đạt mục tiêu 250.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính đang có ý định sẽ quay trở lại phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn dưới 5 năm. Huy động trái phiếu không đủ, Kho bạc Nhà nước còn nhận chỉ đạo sẽ phát hành tín phiếu 20.000 tỷ đồng kể từ 15-6. Kỳ hạn chỉ có 3-6 tháng.

Cùng với đó, để tăng thu, Bộ này đang thực hiện quyết liệt chưa từng thấy việc đòi nợ thuế doanh nghiệp. Tất cả các biện pháp cưỡng chế mạnh nhất đều đồng loạt thực hiện, từ việc phong toả tài khoản, đình chỉ hoá đơn đến công bố công khai danh tính, địa chỉ doanh nghiệp “nợ thuế”. Ban đầu là 600 doanh nghiệp với số nợ hơn 12.000 tỷ đồng. Kể từ quý IV tới, danh tính doanh nghiệp đang có nợ quá hạn từ 61 ngày trở lên sẽ được công khai hàng tháng. Rõ ràng, cân đối ngân sách đang có khó khăn.

Việc vay mượn nhiều như thế nhưng liệu ngân sách có được sử dụng hiệu quả không đang là một vấn đề được nhiều người đặt ra. Mặc dù lãnh đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều trấn an dư luận rằng, các khoản vay như gói 30.000 tỷ chỉ là tạm thời, là vấn đề kỹ thuật trong điều hành ngân sách và đó là việc bình thường, tuy nhiên, nhìn toàn cục, với việc giá dầu thô đang hạ, các hiệp định giảm thuế nhập khẩu liên tục được ký kết, nguồn thu ngân sách sẽ khó khăn. Chưa kể nợ công đã lên đến 110 tỷ USD.

Giải pháp lúc này là cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt, tăng nguồn thu ổn định để có nguồn trả nợ; hạn chế chi tiêu để không phải đi vay nữa. Có như vậy mới xử lý được nợ cũ, không làm phát sinh nợ mới. Nhưng giảm thế nào, giảm ở đâu thì với vai trò quản lý Nhà nước Chính phủ và Bộ Tài chính cần phải quyết liệt hơn nữa. Khó thu thì phải tiết kiệm, mong rằng trong thời gian tới, dư luận sẽ ít phải nghe tới việc sử dụng ngân sách một cách lãng phí.