Nhà khoa học đầu tiên đưa phương pháp xét nghiệm AND về Việt Nam

ANTĐ - Phương pháp xét nghiệm AND là một bước tiến vượt bậc của ngành khoa học. Phương pháp này được đưa về Việt Nam từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Và người đưa phương pháp này về ít tai biết đến đó là Giáo sư Lê Đình Lương, người đầu tiên đưa máy khuếch đại AND về Việt Nam, mở ra một thời kì mới cho sự phát triển của khoa học di truyền. Và thành công của ông là đóng góp to lớn của người vợ cùng làm khoa học như ông.

Hai vợ chồng cùng đam mê khoa học

Giáo sư Lê Đình Lương - Chủ tịch Hội di truyền học Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, nhưng ông lại có cái vẻ chất phác hồn hậu của người thôn quê cùng tính cánh khẳng khái và phóng khoáng. Khi ông đi học ở Liên Xô, Trưởng bộ môn phân tích di truyền, GS Fedorov vỗ vai ông và bảo: “Tôi nghĩ cậu sẽ trở thành giáo sư di truyền học tương lai của Việt Nam”. Lời tiên đoán ấy đã thành sự thật, ông vẫn luôn cho rằng nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề.

Bên cạnh tình yêu lớn dành cho sự nghiệp di truyền học, giáo sư Lê Đình Lương còn dành tình yêu cho một nửa đời mình, đấy là gia đình và người vợ cũng là một nhà khoa học. Câu chuyện tình yêu qua những cánh thư vượt biên giới của hai nhà khoa học đã trở thành kí ức ngọt ngào. Đó là một tình yêu đẹp của hai con người cùng chung một niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

Nhà khoa học đầu tiên đưa phương pháp xét nghiệm AND về Việt Nam ảnh 1

Kể về chuyện tình của hai vợ chồng, bà Nga vẫn không thể quên được kỷ niệm chàng trai Lê Đình Lương đã vượt qua 800km đường rừng đi thăm người yêu. Đường đi khó khăn toàn dốc núi cao, đèo sâu. Hành trang của chàng thanh niên trẻ chỉ là chiếc xe đạp “cà tàng” và bó mía sau lưng. Gần 4 ngày đi đường rừng, có những đêm phải ngủ trong hang đá, bên vệ đường, cuối cùng ông cũng tìm gặp được người yêu. 

Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ di truyền học ở Liên Xô với tấm bằng đỏ, Lê Đình Lương quay trở về nước cống hiến tài năng và nhiệt huyết của mình cho sự phát triển của nền khoa học di truyền của nước nhà. Điều đặc biệt, năm 1988, trong một lần được mời tham dự hội nghị di truyền học tổ chức ở Canada ông đã mua được chiếc máy khuếch đại AND. Và chiếc máy ông mua về chính là chiếc máy phân tích ADN đầu tiên ở Việt Nam. Hồi đấy khó khăn lắm, vợ ông đã vét sạch tiền của trong nhà, cộng với việc vay mượn để mua cho bằng được chiếc máy đó. Hai vợ chồng quyết tâm đưa công nghệ di truyền ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam. 

Những câu chuyện xét nghiệm AND

Là những người tiên phong trong lĩnh vực di truyền học và là người khai sinh ra việc ứng dụng công nghệ phân tích ADN đầu tiên ở Việt Nam. Hai vợ chồng Giáo sư Lê Đình Lương cũng đã chứng kiến từng bước phát triển của nó. Tuy nhiên khi nói về ứng dụng khoa học này vào thực tiễn Giáo sư Lê Đình Lương nói: “ADN là một câu trả lời thần kì nhưng có những sự thật thà không nên biết còn hơn”.

Nhà khoa học đầu tiên đưa phương pháp xét nghiệm AND về Việt Nam ảnh 2

Còn vợ ông - Giám đốc trung tâm xét nghiệm AND, người đã chứng kiến bao chuyện vui buồn quanh chuyện xét nghiệm AND, Bà cũng từng bị đưa vào tình huống phải bật khóc vì niềm vui hay nỗi buồn của những người cầm kết quả xét nghiệm trên tay. Bà đã kể lại những câu chuyện quanh cái kết quả xét nghiệm ADN:

"Có đôi vợ chồng trẻ bế con đến trung tâm chỉ vì anh chồng nghi vợ bồ bịch nên không tin đó là con mình. Cả hai làm xét nghiệm nhưng cô vợ nước mắt ngắn dài, xin thay đổi kết quả. Bởi kết quả xét nghiệm ấy đã khiến người chồng đau đớn khi biết đó không phải là con mình. Nhưng lại có một vợ chồng trẻ khác cũng mang con đến xét nghiệm AND với lý do tương tự. Đến khi cầm kết quả trên tay, anh chồng đã phải ân hận vì đấy chính là con gái mình.

Hay như một trường hợp khác, một người đàn ông trung tuổi đến trước trung tâm với vẻ ngập ngừng. Sau khi nhờ tư vấn xét nghiệm, ông mới bộc bạch: Vợ chồng sống với nhau đã có tới bốn mặt con, nhưng ông nghi ngờ đứa con nhỏ không phải giọt máu của mình.  Và khi có kết quả người cha già ấy đã bật khóc: “Tôi đã nghi oan cho vợ tôi, tôi có lỗi với con tôi bao năm nay”…

Hy sinh vì khoa học

Từ ngày trở về nước, Lê Đình Lương đã bắt tay biên soạn cuốn sách về chuyên ngành di truyền học. NXB nhận được bản thảo nhưng từ chối phát hành. Lí do họ đưa ra đấy là một người trẻ như Lê Đình Lương không thể biên soạn sách chuyên ngành mà đến cả những người uyên thâm cũng khó có thể biên soạn được. Khi đó, ông Lương chưa đầy 30 tuổi. Nhờ có sự khẳng định của rất nhiều người có uy tín về tài năng ông Lê Đình Lương, cuốn sách mới được đồng ý phát hành. Từ đó cho đến nay GS.TS Lê Đình Lương đã có trong tay hơn 30 đầu sách, từ sách biên soạn cho đến biên dịch, những cuốn từ điển Nga – Việt và hàng trăm bài báo liên quan đến chuyên ngành di truyền học. 

Cuộc sống của vợ chồng nhà khoa học ban đầu rất khó khăn, nhất là sau khi dành hết tiền đầu tư vào khoa học, mua máy móc trang thiết bị phục vụ công việc. Sau này có với nhau 3 người con, nhưng chỉ có một người theo nghề của cha mẹ.

Giáo sư- Tiến sĩ Lê Đình Lương cười xòa khi nói về điều này: “Chúng tôi làm nghề khi còn đói khổ, các con chẳng đứa nào muốn theo. Còn cô con gái cả theo nghề thì lại ở bên nước ngoài cũng chẳng trách được”. Những người làm khoa học luôn phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Để vượt qua những năm tháng khó khăn ấy, hai vợ chồng đã nỗ lực, giúp đỡ nhau rất nhiều trong cuộc sống và công việc. “Sự nghiệp, thành công của cuộc đời tôi đều có sự góp công, góp sức của vợ tôi. Đối với tôi, bà ấy còn là một người bạn, là nhân tình, tri âm tri kỉ mà tôi may mắn có được trong cuộc đời này” Giáo sư Lê Đình Lương tâm sự. 

Chia sẻ về cuộc sống của hai vợ chồng cùng làm khoa học, bà Nga tâm sự: “Thói quen khó bỏ nhất của ông ấy chính là việc đọc sách đến say sưa, quên ăn quên ngủ. Phải có một cái đồng hồ ở cạnh, mỗi tiếng kêu lên một lần, ông mới chịu đứng dậy đi lại cho thoải mái”. Chính nhờ thói quen “khác người” ấy đã tạo nên sự say mê, ham nghiên cứu của nhà khoa học Lê Đình Lương. Để rồi chàng trai gầy gò năm nào đã trở thành trở một vị Giáo sư có tên tuổi trong nền khoa học nước nhà. Ông là chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí “Di truyền học & Ứng dụng” và là một trong những người đi tiên phong trong công tác nghiên cứu di truyền học ở Việt Nam.