Ý tưởng nhân văn
Là cậu bé luôn biết thông cảm, giúp đỡ những người khuyết tật, Shubham, cậu bé được sinh ra ở Hasselt (Bỉ), hiện học tại trường Champion ở San Jose, bang California (Mỹ) cho biết em muốn làm điều gì đó có ích cho những người thiếu may mắn. Nhiều lần Shubham đã hỏi cha mình rằng, những người khiếm thị đọc sách báo như thế nào và nhận được câu trả lời “rất công nghệ” từ cha của mình là “hãy tra Google”. Và chiếc máy in chữ nổi của Shubham ra đời khi em đọc được những tờ bướm kêu gọi gây quỹ để giúp đỡ người mù của một tổ chức từ thiện. Qua tìm hiểu trên internet về kiểu chữ nổi Braille và máy in Braille cho người khiếm thị, Shubham đã bắt tay vào chế tạo chiếc máy in chữ nổi mang tên Braigo với nguyên liệu từ bộ đồ chơi lắp ráp Lego được kết hợp với một số linh kiện và phần mềm của máy tính.
Thông qua việc tìm hiểu thị trường, Shubham biết rằng, những chiếc máy in chữ nổi hiện đang được bán trên thị trường có giá rất cao, khoảng 2.000 USD, cái giá không hề dễ dàng để những người khuyết tật tiếp cận. Do đó, Shubham đã quyết định cải tiến chiếc máy in của mình ở mức giá hợp lý nhất cho người khiếm thị, chỉ khoảng 350 USD.
Ngay khi sản phẩm của Shubham ra đời, nó đã được các tổ chức, các nhà hảo tâm quan tâm tới những người khiếm thị ở Mỹ đánh giá rất cao. Với chiếc máy này, những người khiếm thị có thể “đọc” sách, báo, tài liệu... rất dễ dàng, đồng thời nó cũng nâng cao tỷ lệ giúp người mù có thể học và hiểu thông qua kiểu chữ Braille lên con số đáng ngạc nhiên.
Sau khi tạo được uy tín với nhiều người sử dụng chiếc máy in chữ nổi Braigo của mình, Shubham đã đi khắp đất Mỹ để tiếp thị sản phẩm. Kết quả là cậu bé đã nhận được giải thưởng về công nghệ của Bảo tàng công nghệ tân tiến, giải Thiếu niên sáng tạo 2014 của OPEN Silicon Valley và được vinh danh trong Tháng Di sản người Mỹ gốc châu Á - Thái Bình Dương, cũng như giải thưởng danh dự khi tham dự Hội chợ sáng tạo trẻ được tổ chức tại Nhà Trắng vào mùa hè vừa qua. Tuy được các thầy cô giáo ở trường tạo điều kiện hỗ trợ tối đa trong việc nghiên cứu khoa học nhưng Shubham vẫn quyết tâm không bỏ bê việc học ở lớp và chỉ dành thời gian nghiên cứu sau giờ học.
Đầu quân cho Intel Capital
Điều đặc biệt nhất khiến cho Shubham Banerjee trở thành một hiện tượng gây chú ý của giới khoa học toàn cầu đó là việc em được mời tham dự Hội nghị toàn cầu của Intel Capital hôm 4-11 vừa qua tại bang California, và tại hội nghị cậu học sinh 12 tuổi đã chính thức nhận được thông báo tài trợ chính thức từ tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này. Quyết định đầu tư của Intel Capital đã biến một học sinh lớp 8 trở thành doanh nhân trẻ nhất trong làng công nghệ thế giới. Tuy số tiền Intel Capital đầu tư cho công ty của Shubham chưa được chính thức công bố, nhưng có thể Shubham đã vượt qua cả đàn anh Nick D’Aloisio, người sáng lập ra mạng đọc tin tức trực tuyến Summly vốn được Yahoo mua lại với giá khoảng 30 triệu USD.
Shubham cho biết em sẽ không dừng lại ở những thành công mình đã đạt được. Trước mắt, Shubham sẽ nâng cấp chiếc máy in chữ nổi Braigo so với phiên bản 2.0 như hiện nay, đồng thời mở rộng thành dự án mã nguồn mở mà qua đó mọi người đều có thể tự chế cho mình một chiếc máy in Braigo với giá rất “phải chăng”.