Nhà hát đóng cửa phòng dịch: Lo lắng chuyện giữ chân diễn viên!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nói gì thì nói, nếu không lương, không có kinh phí để trang trải cuộc sống, các diễn viên buộc phải dứt áo ra đi, nhà hát sẽ lộ ra khoảng trống về lực lượng kế cận. Đây là khó khăn lớn nhất mà các nhà hát công lập ở miền Bắc đang trải qua trong gần 2 năm qua khi dịch Covid-19 hoành hành. 

Tại tọa đàm trực tuyến về giải pháp thu hút khán giả và khó khăn của sân khấu trong dịch Covid-19, lãnh đạo các nhà hát đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, khó khăn lớn nhất của sân khấu hiện nay là giữ diễn viên ở lại. Ở nhà hát của ông, ngay cả diễn viên đã có danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cũng đã bỏ việc để ra bên ngoài bươn chải. Lý do chỉ vì, nhà hát đóng cửa, không biểu diễn thì không có thu nhập, diễn viên hợp đồng không có lương, không thể sống bằng niềm tin. Hơn thế, các nghệ sĩ của nhà hát còn thiệt thòi khi chỉ tốt nghiệp Trung cấp, không có hệ đào tạo Đại học, nên ngay cả nói tới biện pháp tăng lương cũng không đáng kể gì.

Vở "Linh khí trời Nam" của nhà hát Cải lương Việt Nam

Vở "Linh khí trời Nam" của nhà hát Cải lương Việt Nam

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam thì bày tỏ sự hoang mang, biết diễn ở đâu để có tiền, lo cho đời sống của diễn viên. Nhà hát từng quay 2 vở múa rối truyền hình, được khán giả khen ngợi, nghệ sĩ phấn khởi nhưng cái đấy không cái hướng tới của sân khấu, sân khấu phải có khán giả trực tiếp nên đó chỉ là giải pháp.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, Liên đoàn cũng chịu những cú "knock out" liên tiếp từ Covid-19. Hàng loạt chương trình đã bán vé mà phải trả lại tiền cho khán giả như: Gala xiếc thường niên khai mạc 30.4, Liên hoan xiếc thường niên ở Quảng Ninh... Trong khi đó, Liên đoàn lại có quá nhiều diễn viên ngoài hợp đồng, phải tự cân đối để trả lương. Liên đoàn từ Tết đã đi vay đi mượn, nay kiệt quệ quá rồi. Lãnh đạo phải nói với diễn viên ngoài hợp đồng nghỉ ở nhà, luyện tập ở nhà.

Nghệ sĩ Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ, so với các đơn vị nghệ thuật truyền thống, diễn viên của nhà hát đỡ khó khăn hơn một chút vì họ có thể đi làm phim, lấn sân sang điện ảnh. Tuy nhiên, với một đơn vị sự nghiệp có thu nhưng lại không có thu sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Vở kịch “Trại hoa vàng” của Nhà hát Tuổi trẻ

Vở kịch “Trại hoa vàng” của Nhà hát Tuổi trẻ

NSND Thanh Ngoan, Giám đốc nhà hát Chèo Việt Nam đi ngay vào giải pháp khắc phục. Chị cho rằng, thời điểm này không thể chờ đợi sự thay đổi từ chính sách để tháo gỡ mà Bộ Văn hóa cần có biện pháp ngay lập tức như cấp kinh phí cho các nhà hát biểu diễn 10 đêm, 20 đêm sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Có tiền bồi dưỡng, diễn viên sẽ có điểm tựa để tiếp tục cống hiến với nghề.

NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, nhà hát đã quyết định, hàng tháng sẽ trích 1 khoản đủ tiền thuê nhà 1 triệu rưỡi, 2 triệu dành cho các đối tượng không có lương để giữ họ ở lại. Nhà hát tạo ra 2 ekip làm truyền thông và xây dựng kênh của nhà hát trên Youtube, Tiktok, đưa ra các kế hoạch phát triển về nội dung giải trí, nội dung hoạt động và nghệ thuật, xây dựng hình ảnh cá nhân nhà hát.

Còn ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, vừa ký văn bản để cùng các nhà hát lập kế hoạch. Theo đó, các nhà hát sẽ giới thiệu vở diễn hay, rồi cùng Đài truyền hình xây dựng kịch mục phát sóng.