Nhà hát CAND dựng vở "Duyên định": Truyền hơi ấm của trái tim đến khán giả, thắt chặt thêm mối quan hệ Việt-Mỹ

ANTD.VN - Nhìn nhận về một giai đoạn lịch sử khốc liệt, khép lại quá khứ và hướng về tương lại, vở kịch “Duyên định” do các nghệ sĩ Nhà hát CAND dàn dựng nhằm góp phần phát triển mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đặc biệt, vở diễn có sự góp mặt của diễn viên “tay ngang” Charles Nathan đến từ nước Mỹ. Anh sẽ vào vai viên phi công Mỹ, đem lòng yêu cô y tá Việt Nam…

Sáng 29-11, tại Hà Nội, Nhà hát CAND và công ty CPTM Việt Tuệ đã tổ chức buổi họp báo thông tin về vở kịch “Duyên định”, tác giả văn học: Chu Đức Tính, đạo diễn-NSND Lê Hùng, cố vấn lịch sử: nhà sử học Dương Trung Quốc. Tác phẩm được dàn dựng nhân kỷ niệm 25 năm bình thường quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ, kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống CAN (1945-2020).

Vở kịch có nội dung ca ngợi cuộc kháng chiến của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lòng khoan dung độ lượng của con người Việt Nam đối với kẻ thù xâm lược và mối duyên trời định trong thời bình nhằm phát triển mối quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ. 

Đạo diễn Lê Hùng phát biểu tại họp báo

Tác phẩm lấy bối cảnh sinh hoạt của bệnh xá K20 tại Tân Biên-Tây Ninh. Người lính Mỹ bị thương mang thân phận là tù binh, đã đem lòng yêu thương cô y tá Việt Nam, người chăm sóc, cứu sống anh trong ngày điều trị ở bệnh xá. Hòa bình lập lại, họ tìm đến nhau, nhớ lại những kỷ niệm, tình cảm tốt đẹp thời chiến tranh và mong muốn mối quan hệ hai nước Việt Nam-Mỹ sẽ ngày một tốt đẹp hơn. Và duyên định đã đưa 2 người đến với nhau. 

Về lý do lựa chọn kịch bản của tác giả Chu Đức Tính để dàn dựng, Đại tá Nguyễn Công Bảy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị (Bộ Công an) cho biết, “Qua nghiên cứu kịch bản, chúng tôi thấy thông điệp của vở diễn gửi đi rất rõ ràng: nhằm xóa bỏ hận thù, hướng tới tương lai cùng nhau hợp tác xây dựng đất nước và cùng nhau phát triển.

Vở diễn cũng nhằm giáo dục truyền thống cách mạng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Về nghệ thuật, chúng tôi thấy đây là vở kịch về đề tài chiến tranh cách mạng ca ngợi tinh thần dũng cảm của quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước vào những năm 1972 – 1975”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc là cố vấn lịch sử của vở kịch

Là cố vấn lịch sử của vở kịch, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, điều hấp dẫn ông nhận lời Nhà hát CAND là bởi chủ đề của vở kịch, điều mà giới sử học quan tâm làm thế nào nhìn nhận giai đoạn lịch sử khốc liệt. Năm 1995, sau khi Mỹ chấm dứt cấm vận và nối lại quan hệ, đoàn ngoại giao Mỹ đầu tiên đến Hà Nội là cựu chiến binh Mỹ, nhóm thành viên Con Nai.

Có một thực tế, các cựu chiến binh 2 nước, những người từng đối mặt nhau trên chiến tuyến, từng coi nhà là kẻ thù, nay lại là những người tích cực nhất để góp phần hàn gắn và thắt chặt mối quan hệ giữa hai đất nước Việt Nam-Hoa Kỳ. Bởi về phía Mỹ, các cựu chiến binh nhận ra sai lầm rất lớn. Và về các chiến sĩ quân đội Việt Nam cũng nhận ra, sau chiến chiến thắng, mong muốn của chúng ta, truyền thống của chúng ta là hòa hiếu.

Đại tá Nguyễn Công Bảy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Bộ Công an (người thứ ba từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng ê kíp dàn dựng

Từ khi mối quan hệ Việt – Mỹ được nối lại, chúng ta đã được chứng kiến sự thay đổi mẫu mực giữa hai quốc gia từng đối đấu với nhau trong chiến tranh. Đó là một cuộc chiến tranh lớn nhất sau chiến tranh thế giới thứ 2 với 5 vạn 800 nghìn lính Mỹ tử trận, còn Việt Nam là hàng triệu đồng bào. Vậy cái gì đã gắn kết chúng ta lại với nhau? Đó là câu hỏi lớn để các quốc gia cũng học tập và xây đắp thế giới hòa bình.

“Thế hệ chúng tôi, những người đã có tuổi đều nhìn nhận bộ phim “Người thứ 41” của nền điện ảnh Xô Viết, 1956, là bộ phim đầu tiên của quốc gia này được đặt vấn đề thù hận sau chiến tranh, nội chiến giữa Bạch Vệ và Hồng Quân. Dù có nội dung khác với vở kịch “Duyên định” nhưng vấn đề đặt ra là giống nhau. Câu chuyện cũng là của các dân tộc đã trải qua nhiều cuộc chiến. Chúng ta làm thế nào để giữ hòa hiếu, tạo môi trường để người dân ở 2  quốc gia cùng nhau phát triển. Đó cũng là tính nhân nghĩa và lòng bao dung của dân tộc Việt Nam được truyền từ thế hệ này sang thế  hệ khác”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Diễn viên "tay ngang" người Mỹ Chad Winston sẽ góp mặt trong vở kịch

Điều khá thú vị, vở kịch lần này là cuộc hội ngộ của đạo diễn và tác giả từng là những người lính cầm súng, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ nên có sự thấu hiểu và đồng cảm. Vì vậy, NSND Lê Hùng chia sẻ, ông sẽ dàn dựng vở kịch này bằng cả trái tim và sự tâm huyết. Đó là những ký ức mà chính ông và tác giả Chu Đức Tính từng trải qua trong chiến tranh. Với các thủ pháp dàn dựng, ông sẽ tái hiện sự khốc liệt của cuộc chiến để các khán giả trẻ ngày nay hiểu về những năm tháng mà các chàng trai cô gái tuổi đôi mươi phơi phới lên đường ra trận.

Ở lần đầu tiên chạm ngõ sân khấu, diễn viên “tay ngang” người Mỹ Chad Winston khá lúng túng, dù trước đó, anh từng tham gia một số dự án điện ảnh. Với ngôn ngữ tiếng Việt thành thục,  anh đã có 8 năm gắn bó với dải đất hình chữ S. Vợ anh là người Việt và hiện gia đình anh đã có một cháu nhỏ. Khác với điện ảnh, khi bước lên sân khấu, anh buộc phải diễn xuất bằng khả năng của mình, không thể dừng cảnh để chỉnh sửa.

Tuy vậy, Chad Wiston lại may mắn khi có NSND Lê Hùng trực tiếp thị phạm trên sân khấu. Và theo vị đạo diễn gạo cội này, anh học hỏi rất nhanh, nói cái anh làm được ngay. Vì thế, trong vở diễn này, Lê Hùng tin tưởng, Chad Winston sẽ truyền đc hơi ấm của trái tim đến với khán giả, thắt chặt mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam .

Vở diễn sẽ ra mắt khán giả vào 20h ngày 11-12 tại nhà hát Lớn Hà Nội.