“Nhà giàu” đối mặt với rủi ro

ANTĐ - Những khách hàng "nhà giàu" có số tiền gửi trên 100.000 euro trong ngân hàng ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể phải đối mặt với những rủi ro khi ngân hàng gặp sự cố.

“Nhà giàu” đối mặt với rủi ro ảnh 1
Người biểu tình Tây Ban Nha phản đối việc giải cứu các ngân hàng
đã cho vay quá đà dẫn tới khủng hoảng

Một nhóm nghị sĩ trong Ủy ban Kinh tế thuộc Nghị viện châu Âu (EP) ngày 20-5 đã bỏ phiếu thông qua một dự luật nhằm cứu trợ hệ thống ngân hàng vốn đang tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy. Song dự luật này đã lập tức khiến những khách hàng giàu có phải lo lắng bởi có thể phải gánh chịu thiệt hại với khoản tiền gửi 100.000 euro (khoảng 130.000 USD) trong trường hợp ngân hàng gặp rủi ro.

Theo dự luật trên, nếu được EP nhất trí thông qua, kể từ năm 2016, các ngân hàng thuộc 27 nước thành viên EU có thể giữ lại các tài khoản trên 100.000 euro trong trường hợp cạn kiệt các nguồn lực, còn những khoản tiền gửi dưới mức 100.000 euro không bị ảnh hưởng. Điều này đồng nghĩa với việc những khách hàng có số tiền gửi trên 100.000 euro tại EU có thể bị thiệt hại nếu ngân hàng gặp sự cố. 

Dự luật do một nhóm nghị sĩ trong Ủy ban Kinh tế EP đệ trình tương tự như yêu cầu của EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khi tung ra 10 tỷ euro giải cứu hệ thống ngân hàng Cyprus khỏi khủng hoảng hồi tháng 3 vừa qua. Để được nhận khoản tiền này, những khách hàng lớn gửi tiền trong hệ thống ngân hàng Cyprus có số tiền gửi trên 100.000 euro đã phải chịu thiệt hại nặng.

Theo đó, 37,5% khoản tiền gửi trên 100.000 euro của khách hàng được chuyển thành cổ phiếu ngân hàng và 22,5% sẽ tạm thời được giữ lại nhằm đảm bảo các điều kiện tái cấu trúc vốn của ngân hàng. Ngoài ra, 40% số tiền còn lại trong các tài khoản trên 100.000 euro cũng “tạm bị đóng băng” nhằm không gây khó khăn cho khả năng thanh toán trong tình trạng rất khó khăn của ngân hàng ở Cyprus. 

Về danh nghĩa, người gửi tiền trên 100.000 euro không bị “mất trắng” bởi cuối cùng có thể chuyển đổi cổ phần của họ thành tiền trở lại. Thế nhưng, vào thời điểm mà giá trị cổ phiếu ngân hàng đang xuống thấp và không biết khi nào mới tăng trở lại thì rõ ràng những khách giàu có ở Cyprus đã phải chịu thiệt hại rất lớn. 

Sự thiệt hại của những người có khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại ngân hàng thuộc khu vực EU có thể còn lớn hơn khi dự luật cứu trợ hệ thống ngân hàng có hiệu lực từ năm 2016. Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên EU mới đây đã nhất trí rằng những khách hàng có tài khoản ngân hàng lớn không được bảo đảm có thể sẽ là đối tượng bị mất tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản. 

Dự luật cứu trợ trên được đưa ra trong bối cảnh 6.000 ngân hàng trong khu vực EU đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro bởi chịu ảnh hưởng nặng nề của “cơn bão” khủng hoảng nợ công đang tàn phá Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Mới đây, Slovenia đang có khả năng “đi theo vết xe đổ” của Cyprus, Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, trở thành thành viên thứ 6 của Eurozone phải cầu cứu bên ngoài.