Nhà giàu di cư trái phép cũng khác người

ANTD.VN - Chỉ những người di cư giàu có mới có đủ khả năng chi trả cho chuyến đi trên chiếc du thuyền dài 10m tuyệt đẹp treo cờ Ukraine. Đây là chuyến đi xa xỉ mà những người di cư giàu có sử dụng để vượt biển Địa Trung Hải.

Chiếc du thuyền Maco chở người di cư bị Italy tịch thu    

Hiện nay, chiếc du thuyền này đang nằm dưới sự kiểm soát của cảnh sát cùng với hàng chục chiếc thuyền cao cấp khác tại cảng Augusta ở Sicily, Italy. Thuyền trưởng cũ của nó, Andrej, gần đây đã được thả ra sau khi bị kết án 1 năm tù vì tội hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp. Andrej, 35 tuổi, người Ukraine, đã bị kết tội vận chuyển 30 người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Sicily, cập vào một bãi biển nhỏ ở tỉnh Syracuse. Mỗi hành khách đã phải trả hơn 8.000 Euro cho chuyến vượt biển này.

Giáo sư, doanh nhân cũng di cư

So với thuyền bơm hơi và thuyền đánh cá chật hẹp được sử dụng để đưa người di cư và người tị nạn từ Bắc Phi qua Địa Trung Hải, phương thức vận chuyển mà Andrej cung cấp - và những người khác tiếp tục cung cấp - là riêng biệt và đẳng cấp.

Carlo Parini, Trưởng thanh tra cảnh sát về tình trạng nhập cư bất hợp pháp tại cảng biển đông nam Syracuse, người dẫn đầu các hoạt động thu giữ tàu thuyền chở người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Tôi nhìn thấy các bác sĩ người Syria, luật sư và thẩm phán Afghanistan, các giáo sư Iraq và các doanh nhân rời khỏi những chiếc thuyền này”. Một số gia đình được cho là đã trả gần 100.000 Euro để từ Trung Đông đến châu Âu.

Theo các nhân chứng, một số người đến bằng du thuyền mặc quần áo thanh lịch, mang theo valy và những chiếc túi đắt tiền. Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký khi đến nơi, một số đi ra ngoài ăn tối tại các nhà hàng cao cấp gần đó. Nhiều người trong số họ di cư đến Sicily bằng du thuyền nhằm trốn chạy khỏi tình trạng xung đột, nhưng họ chấp nhận trả nhiều tiền để đảm bảo độ an toàn - thậm chí cả sự thoải mái - mà hàng nghìn người di cư khác không thể có được.

Hơn 120.000 người đã đến châu Âu bằng đường biển tính từ đầu năm đến nay, hầu hết đã rời khỏi Libya để đến Italy, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp hay gần đây là từ Morocco để tới Tây Ban Nha, thường là trên các tàu thuyền đông đúc và ngột ngạt. Tuyến đường di cư tới Italy được đánh giá là tuyến đường gây chết nhiều người nhất trên thế giới. 

Có “bàn tay” của tội phạm buôn người

Số liệu của cảnh sát cho thấy 883 người di cư đến Sicily bằng du thuyền trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay. Có tới 682 lượt đi tương tự vào năm 2016, ông Parini cho biết những con số này chỉ là ước tính. Ông Parini nói: “Trên thực tế, còn nhiều hơn nữa. Một số du thuyền đi đến các vùng khác của Italy, chẳng hạn như Leuca, một thị trấn ở cực Nam của Apulia, gần Sicily. Chúng tôi không thể giám sát tất cả các du thuyền ở Địa Trung Hải. Đó là điều không thể”. 

Chính quyền Italy tin rằng, một đường dây tội phạm người Thổ Nhĩ Kỳ có liên kết với các băng nhóm ở Ukraine đứng đằng sau những chuyến vượt biển bằng du thuyền hạng sang này. Những thuyền trưởng chở hành khách trên những chiếc thuyền bị tịch thu là người Ukraine và các thuyền đã được đăng ký ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ hoặc đã được cho thuê.

Andrej cho biết, ông rời khỏi Ukraine tìm việc làm ở châu Âu để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự quốc gia. “Tôi cần công việc và tôi đã theo học một khóa dạy điều khiển du thuyền. Khi họ yêu cầu tôi đưa những người này đến Italy, tôi đã chấp nhận”, ông nói với hãng tin Guardian, và cho biết các ông chủ của ông là người Thổ Nhĩ Kỳ. “Giống như (các hành khách), tôi cũng phải trốn khỏi đất nước tôi. Nhưng không giống họ, tôi không có tiền để trả cho những chuyến đi bằng du thuyền. Nhưng tôi biết làm thế nào để điều khiển nó”, Andrej nói. 

Mặc dù, chính quyền Italia đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp, nhưng hàng trăm người vẫn tiếp tục đổ bộ vào Sicily và miền Nam Italy mỗi tuần. Nhiều người đang tìm kiếm các tuyến đường và điểm đến mới chẳng hạn như những bãi biển hoang vu, để tránh các biện pháp an ninh gắt gao hơn. 

Tháng 6 năm ngoái, Guardia di Finanza (cảnh sát tài chính Italy) ở Palermo đã phát hiện tuyến đường bí mật của bọn buôn người từ Tunisia đến Sicily bằng cách sử dụng các tàu thuyền tốc độ cao có khả năng tiếp cận hòn đảo trong vòng chưa đến 4 giờ, với chi phí từ 2.000 đến 3.000 Euro/người. Những kẻ buôn người đã kiếm được khoảng 50.000 Euro cho mỗi chuyến đi. Chiến dịch triệt phá này của cảnh sát đã bắt giữ 15 người Tunisia và Italy.