Nhà giáo chưa bị cắt phụ cấp thâm niên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước tình trạng một số địa phương đã thực hiện cắt phụ cấp thâm niên của giáo viên theo Luật Giáo dục năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định hiện việc trả lương và phụ cấp chưa thay đổi trước khi có văn bản hướng dẫn dưới luật.

Hà Nội chưa thực hiện cắt phụ cấp thâm niên giáo viên theo quy định mới của Luật Giáo dục năm 2019

Theo Luật Giáo dục năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, chính sách tiền lương mới sẽ được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, tính chất mức độ phức tạp, đặc thù công việc của nhà giáo.

Lương mới của nhà giáo (bao gồm lương cơ bản và phụ cấp ưu đãi nghề) sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng, mặc dù trong xây dựng chính sách tiền lương mới, nhà giáo không có bảng lương riêng và phụ cấp thâm niên như hiện nay.

Tuy nhiên, để thực hiện quy định mới về chính sách tiền lương của nhà giáo thì cần có các văn bản hướng dẫn dưới luật. Trước tình trạng một số địa phương như Huế, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện cắt phụ cấp thâm niên của giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Tại thời điểm này, lương và phụ cấp của nhà giáo vẫn áp dụng thực hiện theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, chưa có bất cứ thay đổi nào.

Theo đó, các chế độ chính sách về lương và phụ cấp, trong đó có cả phụ cấp thâm niên mà giáo viên đang được hưởng hiện nay vẫn được giữ nguyên cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới”.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đến thời điểm này, phụ cấp thâm niên của giáo viên Hà Nội vẫn đang được thực hiện như quy định hiện hành, chưa có bất cứ thay đổi nào. Chỉ khi nào các văn bản liên quan chính thức được ban hành và có hướng dẫn cụ thể thì Hà Nội mới có căn cứ để áp dụng theo quy định mới.

Được biết, trước đó, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với giáo viên mầm non, phổ thông để xin ý kiến góp ý.

Theo ông Minh, việc xếp lương đối với giáo viên mầm non theo bằng cao đẳng (hệ số lương khởi điểm 2,10), tiểu học, THCS là theo bằng đại học (hệ số lương khởi điểm 2,34) để khắc phục việc giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng, hết thời gian tập sự có bằng cao đẳng, đại học mà xếp lương trung cấp (hệ số lương khởi điểm 1,86) và giáo viên THCS sở có bằng đại học mà xếp lương cao đẳng (hệ số lương khởi điểm 2,10) như lâu nay.

Đối với giáo viên đang công tác, khi chuyển xếp vào bảng lương mới, hệ số lương vẫn được giữ nguyên theo nguyên tắc chuyển ngang bằng hoặc xếp vào bậc lương cao hơn liền kề (trong bảng lương mới) so với bậc lương nhà giáo đang hưởng.