Nhà E4, khu TT Đại Học Y Hà Nội: Người dân chỉ mong nhà... sập!

ANTĐ - Những ống dẫn nước thải tự phát trở nên "lệch pha" với hệ thống quy hoạch ban đầu đua nhau như vòi rồng chĩa xuống và đổ thẳng xuống dòng sông Lừ ngay trước mặt, lắm lúc xả thẳng vào mặt người dân. Bí bách, cùng quẫn, hơn 100 hộ dân này chỉ mong sập... nhà!

Giữa lúc mục tiêu đến năm 2020, ít nhất mỗi người sẽ có 8m2 nhà ở mà Bộ Xây dựng và Liên Hợp Quốc đặt ra vừa khô mực thì mới đây mọi người tá hỏa khi "phát hiện" một "khu ổ chuột" nằm ngay giữa lòng trung tâm thủ đô Hà Nội có 4-5 người, thậm chí cả 3 thế hệ cùng ăn, ở, ngủ, nghỉ trong một căn phòng mà diện tích vẻn vẹn... 12m2.

Đã thế, cùng với nhu cầu sinh hoạt tăng cao, những người dân nhà E4, khu tập thể Đại Học Y Hà Nội, bắt buộc phải cơi nới thêm phần diện tích sử dụng. Và thế là những ống dẫn nước thải tự phát trở nên "lệch pha" với hệ thống quy hoạch ban đầu đua nhau như vòi rồng chĩa xuống và đổ thẳng xuống dòng sông Lừ ngay trước mặt, lắm lúc xả thẳng vào mặt người dân. Bí bách, cùng quẫn, hơn 100 hộ dân này chỉ mong sập... nhà!

Lủng lẳng nước thải trên đầu

Nói "phát hiện" e có phần điêu ngôn, vì tình trạng trên diễn ra như một căn bệnh trầm kha suốt hàng chục năm nay. Cho tới khi vì bức xúc quá, một người dân mới gọi các nhà báo tới thì "khu ổ chuột" nằm trong lòng ĐH Y Hà Nội mới được đem ra phơi bày trước "mâm" kiến trúc đô thị của TP Hà Nội. Nhếch nhác, bẩn thỉu và cũng vô duyên vô cùng!

Đường vào khu nhà E4 chằng chịt bởi những công trình đang thi công dở; hệ thống dẫn nước sạch lên thì bé, hệ thống dẫn nước thải xuống thì lớn, rối rắm, đan xen nhau như một cái tổ tò vò.

Khi bức tường ngăn cách khu dân cư và dòng sông Lừ hôi thối ngay trước mặt bị phá bỏ-vốn là nơi trước đó dân tầng 1 tận dụng làm chỗ nấu nướng và cũng là nơi những đường ống dẫn nước thải từ các tầng trên "gieo" xuống "tầm gửi" vào "nóc" tường - thì các đường ống tự dưng yếu ớt, trơ trọi chĩa ra, trôi nổi giữa trời mưa nắng. Khi không chịu nổi được số nước thải trong mình, đường ống vỡ bục ra, nước thải chảy xối xả xuống trước nhà dân bên dưới cũng như xổi thẳng đầu những người đi đường.

Bê bết, bầy nhầy đủ thứ xanh, vàng, đỏ. Mùi thì nồng nặc hôi hám, hắc hắc bởi ngoài mấy thứ nước xanh đỏ ấy còn có... nước phân, nước tiểu. Tình trạng ấy không chỉ diễn ra ngày một ngày hai, mà được xem như chuyện thường ngày ở... phố. Và mỗi lần phố có chuyện, ông tổ trưởng và bà tổ phó lại lếch thếch đi từng nhà để giải quyết.

Bà Phạm Thị Thu, Tổ phó Tổ 52 nhà E4, khu tập thể ĐH Y Hà Nội, kể một câu chuyện mà bà gọi là oái ăm và trái khoáy, cho cái tình trạng giời ơi đất hỡi này.

Có một lần, anh Giang - chồng chị Loan ở dưới tầng 1 chạy lên tìm bà và bảo: "Cháu đi làm về thấy nước phân từ tầng trên đổ xuồng như nước mưa ào ạt trước cửa, không biết mở khóa vào nhà bằng cách nào". Bà mới lên tầng 2 bảo người sống ngay trên tầng nhà anh Giang cho xem thì họ mới kêu rằng: "Cô ơi, cả mấy tháng nay cháu không dám về nhà, không dám nấu cơm. Cháu ăn cơm bụi chán lắm rồi. Ông nước thải nào từ trên tầng 4 đổ xuống, đến đoạn ống chạy qua nhà cháu bị bục ra nên nước đọng lại. Mới đầu nước đọng lại còn thoát, ngấm dần ngấm dần nhưng đến khi nhiều quá thoát không nổi, nó dâng lên, ngập tới 20 phân, ngập hết sàn cơi nới, chẳng còn chỗ nấu nướng. Rồi cuối cùng, nước mới trào ra lan can hắt thẳng xuống nhà anh ấy".

Bà lại tất tưởi chạy lên tầng 4. Song khi lên thì chẳng ai nhận là của mình vì đường ống chằng chịt, không rõ ràng.

Những ống dẫn nước thải tự phát

Cực chẳng đã, bà mới bảo: "Không nhà nào nhận thì tốt nhất nên thuê thợ về bịt chỗ đó lại. Nhà nào đọng ứ thì nguyên nhân xuất phát từ nhà ấy. Mà một khi đã thuê thợ vào bốc, hót hết bao nhiêu tiền thì gia đình đó phải trả". Lúc đó, mới có người nhận.

Bà bảo: "Đó chỉ là một câu chuyện trong vô vàn câu chuyện cười ra nước mắt ở cái khu này". Chị Hương, hàng xóm của nhà bà Thu đệm thêm: "Khổ lắm, chúng tôi chỉ khác thời chị Dậu, ở chỗ được tiếp xúc với văn minh bên ngoài thôi. Lắm lúc bẽ bàng chỉ muốn giấu cái mặt đi vì khách đến chơi lại bị nước thải đổ thẳng xuống đầu, ướt hết quần áo, đầu tóc". Và những người dân ở đây họ bảo họ thấy "xấu hổ", khi mình là chủ nhân của một khu nhà bẩn thỉu, tồi tàn như thế.

Khu vui chơi của trẻ gói trọn trên một chiếc giường...

Nhà E4 gồm 4 tầng, mỗi tầng có 15 phòng, diện tích mỗi phòng là 12m2, chiều cao 3,5m. Mọi sinh hoạt ăn, ngủ, nghỉ, chơi của các gia đình đều diễn ra trong 12m2 eo hẹp này. Trung bình mỗi hộ gia đình có từ 4 - 5 người, có gia đình tới 3 - 4 thế hệ vẫn phải sống chui rúc trong một không gian bức bí như thế. Bọn trẻ con không có chỗ chơi, chạy đi chạy lại hành lang thì người lớn không có chỗ đi lại, thành ra đành gói trọn trên một chiếc giường.

Chị Lê Thị Mai Hương, một người sống ở đây gần 10 năm nói: "Nhà thì chật, lại toàn thanh niên, chưa kể anh em họ hàng, hàng xóm ở quê ra học hành, chữa bệnh cũng tụ họp về. Trước đây không có chỗ ngồi mà ăn cơm nên gia đình tôi phải ăn theo ca, ca này ăn xong thì ra hành lang đứng mới đến lươt ca khác vào ăn.

Được biết, khu nhà này được xây dụng từ năm 1974 với mục đích phục vụ sinh viên nên không có công trình phụ riêng. Ngày xưa, tất cả mọi sinh hoạt đều diễn ra tại một khu công cộng dưới tầng l, ai sử dụng thì xếp hàng y chang thời bao cấp mới tới lượt mình. Về sau, khu nhà được phân cho các cán bộ của trường. Tuy nhiên, sinh hoạt của sinh viên dĩ nhiên sẽ khác với sinh hoạt của một đại gia đình.

Để đáp ứng được sự tăng lên về đầu người cũng như sinh hoạt tối thiểu của mình, các hộ gia đình đã tự cơi nới, xây dựng thêm nhà bếp và nhà vệ sinh thành những "chuồng cọp". Thậm chí, có nhà ngoài phần cơi nới để xây bồn cầu vệ sinh, chỗ nấu nướng thì vẫn cố gắng bỏ thêm được... một chiếc tủ lạnh.

Và cũng vì phân nhà không đúng với mục đích sử dụng, không có hệ thống sinh hoạt khép kín, nên các hộ dân ở đây phải tự biên tự diễn đường ống dẫn thải lộ thiên của riêng mình. Thành ra mới có chuyện hàng trăm ống dẫn thải vắt vẻo bắc qua từ khu nhà sang chĩa thẳng xuống dòng sông Lừ vốn đã ô nhiễm lại ngày càng ô nhiễm. Để rồi cứ mỗi đợt gió tràn vào, nhất là dịp hè oi bức, mùi hôi thối lại xông thẳng từ tầng 1 lên tận tầng 4.

Theo thời gian, các đường ống cũng bục ra, chuyện nước thải đổ xuống đầu những người khác là chuyện tất nhiên. Song biết làm thế nào được, chỉ biết nối lại thôi, lúc nào nó vỡ ra thì có trời mà biết. Thế là tự dưng họ có tâm lí luôn chuẩn bị tinh thần để nước thải, nước phân xối trên người bất cứ lúc nào. Lâu cũng thành quen, rồi ngày tháng cũng qua. Và cứ mỗi lần như thế, họ lại kêu tổ trưởng, tổ phó.

Lộ trình 8m2 vẫn "mơ về nơi xa lắm"

Trong tháng 3 năm 2013, đã diễn ra hội thảo "Chiến lược phát triển nhà quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030", do Bộ Xây dựng cùng với Chương trình Định cư con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat) tổ chức. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, ít nhất mỗi người sẽ có 8m2 nhà ở và diện tích nhà ở bình quân đầu người cả nước đạt 25m2 sàn/người.

Tuy nhiên, đừng nói 8m2 chứ 4m2 cũng là con số xa xỉ và vẫn chỉ là mơ với hơn 100 hộ dân nhà E4. Bởi cho tới thời điểm hiện tại, họ vẫn đang chui rúc trong một ngôi nhà chẳng khác gì "khu ổ chuột" và ngày đêm vẫn mong nhà sập để được các cấp chính quyền để ý.

Khu công trình phụ

Năm 2010 diễn ra đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, khu nhà được vôi ve bề ngoài bởi màu vàng mới, nhìn vào có vẻ đẹp đẽ, thơm tho -đến nay màu sắc có lẽ đã phai lạt hết chẳng còn gì - thì chẳng thấy ai đoái hoài gì nữa. Trong khi phía thành phố có triển khai dự án cống hóa nhưng theo người dân cho biết đã diễn ra gần 1 năm nay vẫn chưa đâu vào đâu và "mọi thứ vẫn còn ngổn ngang lắm".

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong danh sách những nhà chung cư cũ, nguy hiểm cấp D, cần di dời để đảm bảo an toàn cho người sử dụng gồm B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, 11-2-3 Thành Công, C7, D6, D2 Giảng Võ, 148 -150 Tây Sơn thì E4, khu tập thể ĐH Y Hà Nội hình như vẫn là một cái tên chưa đủ sức nặng?

Và có thể như lời một người dân ở đây kể lại, sau khi chứng kiến tất cả những cảnh nhếch nhác này, một vị cán bộ nào đó đến đây điều tra tình hình xập xệ ở các khu chung cư, tập thể cũ đã kết luận nhìn thế thôi nhưng kết cấu vẫn còn chắc lắm nên E4 và hơn 300 con người sống tại đây vẫn chưa lọt vào "con mắt xanh" của vị thẩm định nọ (?!)

Trả lời về tình trạng ô nhiễm của khu nhà E4, ông Đinh Quốc Trung - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự phát biểu: "Đúng là tình trạng trên đã có từ lâu, tuy nhiên chúng tôi không thể xử lí triệt để vấn đề này. Khi cán bộ UBND phường xuống khảo sát, mặc dù biết những trường hợp bắc ống nước thải gây mất mỹ quan đô thi nhưng không thể xử phạt họ vì nếu phá bỏ đường ống dẫn đó thì không biết lượng nước thải sẽ đi đâu? Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên UBND thành phố nhiều lần về tình hình này. Và được biết UBND TP Hà Nội đã giao cho 3 đơn vị giải quyết vấn đề này, tuy nhiên tiến độ thực hiện đến đâu thì tôi không nắm rõ được".