Nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ: Người nổi tiếng nhưng khiêm nhường

ANTĐ - Với một nghệ sỹ, cuộc đời sáng tác chỉ cần 1 tác phẩm được người đời nhớ đến coi như đã thành công. Vậy mà, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ lại ghi được dấu ấn trong lĩnh vực tượng đài với nhiều công trình đồ sộ như: Những cô gái ngã ba Đồng Lộc, Mẹ Tổ quốc, Không quân Việt Nam… Ở công trình nào Lê Đình Quỳ thổi được vào tinh thần Việt, ít bị ảnh hưởng ngôn ngữ tượng đài nước ngoài. 

Mẫu tượng đài “Lão dân quân Hoàng Trường”


Đề cao tính dân tộc

Được đào tạo bài bản tại trường Đại học Mỹ thuật Kiev (Ucraine) nên sự ảnh hưởng trong ngôn ngữ sáng tác của điêu khắc Liên Xô cũng dễ hiểu với Lê Đình Quỳ. Thế nhưng, việc tự ý thức được tính dân tộc, yếu tố văn hóa đặc trưng của Việt Nam trong sáng tác đóng vai trò quan trọng, ông đã chọn con đường đi riêng trong sáng tác tượng đài, một lĩnh vực xưa nay ở nước ta không phải là thế mạnh. Cũng giống như bao nhà điêu khắc khác, hiện thực đầy chất anh hùng và đau thương của dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ đã trở thành đề tài được ông dành cả cuộc đời theo đuổi. 

Tác phẩm đầu tiên Lê Đình Quỳ ghi được dấu ấn với người xem chính là một trong những tác phẩm điêu khắc ra đời sớm nhất ở Việt Nam “Lão dân quân Hoằng Trường” (1969) phản ánh sự chống trả quyết liệt của nhân dân khi đế quốc Mỹ xâm lược miền Bắc Việt Nam. Một lão ngư dân quần xắn cao, ngực trần, bàn chân vững chãi bám chặt mặt đất, tay phải giơ cao vòng ngắm súng 12 ly 7, tay trái cầm chiếc mũ rơm phòng tránh mảnh bom. Sinh khí của một con người chân chất, lẫm liệt toát ra từ tác phẩm giúp người xem liên tưởng đến hình ảnh các lão dân quân bắn rơi máy bay trên quê hương Thanh Hóa. Hồn cốt mà tác phẩm Lê Đình Quỳ gửi gắm là ở hình tượng người ông, người cha suốt cuộc đời hai sương một nắng chống chọi với thiên nhiên, với giặc xâm lăng để giữ nguyên bờ cõi và các thế hệ sau này không bao giờ được quên. 

Rồng cựa trong đất

Kể từ đó, cái tên Lê Đình Quỳ bắt đầu nổi lên trong giới làm tượng đài và tạo động lực để ông chuyên tâm hơn cho đề tài chiến tranh cách mạng. Trong khoảng hai chục năm trở lại đây, các tượng đài do Lê Đình Quỳ phác thảo liên tiếp ra đời và trải dài trên cả nước từ Lai Châu, Nghĩa Lộ về Hà Nội, Thanh Hóa vào đến Vĩnh Long. Hiện ông đang giữ kỷ lục là “Nhà điêu khắc có nhiều tượng đài về chiến tranh cách mạng nhất Việt Nam” do Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao tặng. Tuy đề cập về sự mất mát, tưởng niệm nhưng không yếm thế, bi thương, các tác phẩm tượng đài Lê Đình Quỳ như những dấu ấn nhắc về quá khứ để xã hội hiện tại lạc quan bước tới với Thảm họa B52 tại Hoằng Phượng, Thanh Hóa, Không quân Việt Nam tại Sóc Sơn, Hà Nội, Ngã ba Đồng Lộc tại Hà Tĩnh… Ở tác phẩm nào, người xem cũng cảm nhận được sự chân thành từ trái tim Lê Đình Quỳ. Bởi chỉ có sự chân thành và tầm vóc tư tưởng, người nghệ sỹ mới hy vọng đem lại những thông điệp chung được cộng đồng chia sẻ. 

Năng lượng dồi dào, sức khỏe trời cho và lòng nhiệt thành, bền bỉ không kén chọn công việc miễn là được lao động sáng tạo đã làm nên một khối lượng đồ sộ các tác phẩm mang tên tuổi Lê Đình Quỳ. Điều đặc biệt, ông không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực tượng đài, tượng tròn mà còn ở hội họa sơn dầu và nghiên cứu thiên văn, vũ trụ. Lê Đình Quỳ sáng tác luôn hoành tráng, đa diện, nhiều liên tưởng không gian, thời gian ở lĩnh vực tượng đài, những thuyết trình khoa học về thiên văn, vũ trụ và khổ tranh vẽ hội họa lúc nào cũng ở những kích thước to lớn.   

Sinh năm Canh Thìn, Lê Đình Quỳ tự nhận mình là con rồng cựa trong đất và có bay lên thì cũng chẳng ồn ào. Quả thật, tuy nổi tiếng với những công trình tượng đài chiến tranh cách mạng nhưng tính cách Lê Đình Quỳ lại khiêm nhường. Bằng ấy tác phẩm đã ra đời, bằng ấy công trình nghiên cứu về thiên văn học được đúc rút từ “ngọn núi lửa” Lê Đình Quỳ luôn bốc ngùn ngụt.