Nhà đầu tư không được tự ý xả trạm BOT dịp nghỉ Tết

ANTD.VN - Theo chỉ đạo của cơ quan quản lý, nhà đầu tư BOT phải chủ động xả trạm thu phí trong những ngày lễ, Tết nếu xảy ra ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên, trong trường hợp không xảy ra ùn tắc, khi muốn xả trạm trong dịp Tết, nhà đầu tư phải báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Muốn xả trạm dịp Tết, nhà đầu tư phải bỏ tiền túi bù

Tại văn bản gửi các đơn vị trực thuộc cũng như các đơn vị quản lý đường bộ về việc tăng cường đảm bảo trật tự ATGT Tết Dương lịch và Nguyên đán của Bộ GTVT, Bộ này tiếp tục yêu cầu các nhà đầu tư BOT phải xả trạm khi xảy ra ùn tắc kéo dài.

Nhưng việc có được xả trạm vào dịp Tết  hay không lại còn phụ thuộc vào các quy định liên quan bởi thực tế nhà đầu tư BOT không có quyền tự do xả trạm.

Mới đây, nhằm giảm tắc nghẽn tại cửa ngõ phía Nam của Hà Nội và tạo điều kiện cho người lao động của trạm thu phí được nghỉ đón Tết Nguyên đán cùng gia đình, nhà đầu tư dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã đề xuất Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được xả trạm 3 ngày, cụ thể là ngày 30 tháng Chạp, ngày mùng 1 và mùng 2 Tết.

Nhà đầu tư không có quyền tự ý xả trạm BOT dịp nghỉ Tết

Tuy nhiên, đáp lại đề xuất này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, nhà đầu tư không được tự ý miễn phí qua trạm BOT, trừ khi nhà đầu tư tự bỏ tiền để bù vào.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho rằng, theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư không được tự ý miễn phí tại trạm thu phí BOT, trừ khi nhà đầu tư tự bỏ tiền ra để bù vào.

Theo ông Huyện, theo quy định của pháp luật, phương án tài chính của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên việc miễn, giảm phí sẽ ảnh hưởng đến thời gian thu phí để hoàn vốn cho dự án.

Đề xuất của nhà đầu tư chỉ được chấp nhận khi nhà đầu bỏ tiền ra để bù vào những ngày miễn phí cho các chủ phương tiện qua trạm, bù đắp phương án tài chính của dự án.

Phải nghiên cứu kỹ

Trong khi đó, việc xả trạm để giải tỏa ùn tắc giao thông lại được Tổng cục đặt ra với các nhà đầu tư, đơn vị khai thác các tuyến đường, nhất là trong các dịp cao điểm, lễ Tết.

Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư, đơn vị thu phí phải mở barie giải tỏa phương tiện trong trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trước khi vào trạm thu phí.

Nếu chủ đầu tư trạm BOT không thực hiện sẽ bị phạt hành chính tiền từ 50-70 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Vấn đề nằm ở chỗ, khi nhà đầu tư tự đề xuất được xả trạm cho cán bộ công nhân viên nghỉ Tết thì cơ quan chức năng nói không được tự ý nhưng mặt khác lại yêu cầu xả trạm nếu xảy ra ùn tắc trong cùng khung thời gian.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho rằng, về nguyên tắc, tiền thu phí đối với một số dự án sử dụng vốn Nhà nước là tiền của Nhà nước, các dự án BOT vay vốn ngân hàng là tiền của ngân hàng chứ không phải tiền doanh nghiệp.

Tương tự, ông Mai Tuấn Anh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)  cho rằng, với VEC, vốn đầu tư các đường cao tốc là tiền Nhà nước, thu phí nộp vào ngân sách nên VEC không thể tự quyết định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, việc ra quy định xả trạm thu phí của các dự án BOT giao thông vào dịp lễ, Tết thuộc thẩm quyền của Chính phủ vì liên quan đến cơ chế, cần giải pháp dựa trên sự đồng thuận của nhiều bộ ngành.

Vì vậy, cần tổng hợp, nghiên cứu về vấn đề này để cơ chế đưa ra phải thuận lợi chứ chỉ giải quyết mấy ngày thì không nên. Hiện nay, Bộ GTVT đã quy định, nếu ùn tắc quá 700m thì phải xả trạm. Lúc đó, nhà đầu tư không tự giác thì các lực lượng có chức năng giám sát của Tổng cục Đường bộ, CSGT sẽ yêu cầu xả trạm...