Nhà đấu giá có uy tín khi "bí mật" danh tính Hội đồng nghệ thuật?

ANTD.VN - Khi phát hiện ra bức tranh giả mạo chữ ký của họa sĩ Vũ Giáng Hương lên sàn đấu giá Chọn, điều nhiều người quan tâm là ai đã thẩm định bức tranh đó? Thế nhưng, Nhà đấu giá Chọn cho đến giờ vẫn kiên quyết giấu kín điều này.

Nhà đấu giá có uy tín khi "bí mật" danh tính Hội đồng nghệ thuật? ảnh 1Bức tranh lụa được chuyển thể từ bức tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Đông đã không được nhà đấu giá Chọn đấu giá thành công

Uy tín của nhà đấu giá phụ thuộc vào Hội đồng thẩm định 

Với các nhà đấu giá nghệ thuật nổi tiếng như Sotheby’s, Christie, thương hiệu và độ uy tín được đảm bảo với khách hàng mua tranh không đâu khác chính là Hội đồng thẩm định. Việc bảo tín và bảo lãnh nằm cả trong chữ ký xác nhận tranh giả, tranh thật, đồ giả, đồ thật của nhà thẩm định tại mỗi phiên đấu giá. Cả Sotheby’s hay Christie đều nắm trong tay các nhà thẩm định chuyên nghiệp trong từng mảng như mỹ thuật châu Á, mỹ thuật Picasso… 

Không những thế, danh tính về nhà thẩm định luôn được công khai chứ không bao giờ giấu kín với lý do “muốn giữ uy tín cho các thành viên hội đồng” như ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Nhà đấu giá Chọn đã trả lời báo giới tại cuộc đối thoại 3 bên được tổ chức vào chiều 5-9.

Thậm chí, ở những sàn đấu giá nghệ thuật lớn trên thế giới, thành tựu của nhà thẩm định trên lĩnh vực đảm nhận cũng mặc nhiên được công khai. Có điều, ngay cả với những nhà thẩm định lão luyện trong đời cũng có đôi lần vấp váp “dính phốt” tranh giả. Nói như vậy, để thấy rằng, không riêng gì Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng gặp nạn tranh giả trong quá trình phát triển của thị trường mỹ thuật. 

“Sự có mặt của một sàn đấu giá như Chọn là rất hoan nghênh. Kích thích sự phát triển của thị trường tranh. Nhưng Chọn cần phải chuyên nghiệp hơn, chứ không thể tùy tiện, xuề xòa như hiện nay. Đặc biệt, không thể vì mới xuất hiện hay vì một lý do nào đó mà Chọn cho phép mình được phép “dễ dãi” trong khâu thẩm định tranh”.

Ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm) 

Chính vì thế, trở lại chuyện liên quan tới bức tranh giả mạo chữ ký họa sĩ Vũ Giáng Hương, sẽ chẳng có những ồn ào không đáng có như vừa qua nếu như Nhà đấu giá Chọn cung cấp thông tin minh bạch về người đã thẩm định bức tranh đưa lên sàn. Sự úp mở của Chọn đã làm dư luận, đặc biệt là giới chơi tranh hoài nghi, hay là…

Hay là Chọn không có hội đồng thẩm định cố định? Hay là việc không công khai danh tính hội đồng thẩm định là cách nói khôn khéo của Chọn để ứng phó trước “bão” dư luận? Hay là Chọn biết bức tranh đó là giả nhưng cố tình lờ đi?… Những nghi ngờ trên của dư luận có thể đúng, có thể không đúng. Song rõ ràng, cho tới thời điểm này, Chọn vẫn chưa đưa ra được bằng chứng thuyết phục để khẳng định bức tranh được niêm yết với giá 3.000 USD có chữ ký của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương được Chọn đưa lên sàn đấu giá vừa rồi là thật.  

“Một lần bất tín, vạn lần bất tin”

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm trong lần trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô mới đây nhấn mạnh rằng sự có mặt của một sàn đấu giá như Chọn là rất hoan nghênh. Kích thích sự phát triển của thị trường tranh. Nhưng cũng theo ông Vi Kiến Thành, “Chọn cần phải chuyên nghiệp hơn, chứ không thể tùy tiện, xuề xòa như hiện nay”. Đặc biệt, không thể vì mới xuất hiện hay vì một lý do nào đó mà Chọn cho phép mình được phép “dễ dãi” trong khâu thẩm định tranh.

Nhà đấu giá có uy tín khi "bí mật" danh tính Hội đồng nghệ thuật? ảnh 2Nhà đấu giá Chọn tổ chức cuộc đối thoại 3 bên ngày 5-9 vừa qua 

Một phiên đấu giá nghệ thuật và một phiên chợ tranh khác nhau chính là ở khâu thẩm định và các giấy tờ liên quan đảm bảo cho tính xác thực của tác phẩm ấy. Còn nếu không, sàn đấu giá nghệ thuật sẽ chẳng khác nào một cái chợ bày bán tất cả những gì mình có, kể cả hàng nhái, hàng giả.

Một điều quan trọng nữa, khi có tác phẩm được cho là giả mạo, nhà đấu giá cũng sẽ phải chịu các hình thức xử lý của pháp luật giống như khi anh đi buôn hàng giả. Còn như hiện nay, nhiều hoạ sĩ gạo cội sau một hồi bức xúc đòi làm rõ trắng - đen thì bỗng lắng xuống “thôi cho qua”. Nghĩa là, tất cả lại “hòa cả làng”. Và thế là trong tương lai, nhiều khả năng, một vụ việc tương tự như vụ giả mạo chữ ký họa sĩ Vũ Giáng Hương sẽ lại tái diễn. Nhưng lại cũng có điều, dù vụ việc có chìm, thì dư âm mà nó để lại rất dai dẳng, “một lần bất tín, vạn lần bất tin”, uy tín và danh dự mới là điều đọng lại cuối cùng sau vụ việc.