Nhà đất đã "sang tên" thì không có quyền đòi lại

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Cách đây 6 tháng, tôi làm thủ tục tặng căn nhà cho con trai tôi (vợ chồng tôi chỉ có 1 con) và đã sang tên. Nay tôi muốn lấy lại để chia một phần căn nhà cho cháu nội (con ruột của con trai tôi) thì có được không, thưa luật sư? Nguyễn Thiện Nhân (quận Kiến An, Hải Phòng)

Nhà đất đã "sang tên" thì không có quyền đòi lại ảnh 1Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự ; Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời: 

Theo quy định của pháp luật, nhà là một loại tài sản, và việc bạn làm thủ tục tặng căn nhà đó cho con, thì đây chính là giao dịch dân sự có tên “hợp đồng tặng- cho tài sản”. Điều 457- Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng tặng- cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng- cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”.

Đặc điểm “hợp đồng tặng- cho tài sản” luôn có yếu tố thực tế. Nếu hai bên đã thỏa thuận cụ thể về đối tượng tặng- cho (là tiền hoặc tài sản), điều kiện và thời hạn giao tài sản tặng- cho, nhưng nếu bên tặng- cho chưa giao tài sản cho người được nhận thì hợp đồng tặng- cho tài sản chưa được xác lập. Các bên không có quyền yêu cầu đối với nhau trong việc thực hiện hợp đồng. Việc hứa tặng- cho không làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tặng- cho tài sản. Bên được tặng- cho không có quyền yêu cầu bên tặng- cho phải giao tài sản đã hứa hẹn.

Do tính chất đặc biệt của hợp đồng tặng- cho tài sản không mang tính đền bù tương đương nên pháp luật dân sự có quy định riêng về thời điểm có hiệu lực của loại hợp đồng này. Đó là hợp đồng tặng- cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng- cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng- cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Tặng- cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. Hợp đồng tặng- cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng- cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Như vậy, việc bạn tặng- cho căn nhà, đồng thời đã sang tên con trai thì giao dịch đã có hiệu lực pháp luật và bạn không còn quyền để tặng- cho cháu tài sản này, trừ khi việc tặng- cho tài sản này có điều kiện và người nhận tặng- cho tài sản phải thực hiện nghĩa vụ sau khi nhận tài sản mà không thực hiện thì bên tặng- cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.