Nhà đài gặp khó, VPF “cầu cứu” Thanh tra Chính phủ

ANTĐ - Cho rằng kết luận của thanh tra Bộ VH-TT&DL còn nhiều điểm chưa hợp lý, VPF đã nhóm họp và gửi đơn khiếu nại, nhờ Thanh tra Chính phủ vào cuộc.

Vòng 6 giải VĐQG ngày mai 18-2 sẽ khởi tranh, tuy nhiên hiện tại ngoài VTV có thỏa thuận với AVG, các đài truyền hình còn lại đang bối rối trong việc sản xuất và phát sóng.

Ngay sau khi có kết luận thanh tra, sáng nay 17-2, VFF đã phát đi 2 công văn. Một gửi tới VPF, các CLB, BTC trận đấu yêu cầu thực hiện nghiêm túc nghiêm túc hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá giữa VFF và An Viên.

Công văn thứ 2 gửi tới các Đài truyền hình Trung ương và địa phương khẳng định: Các vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình các giải bóng đá thuộc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (bao gồm các giải bóng đá chuyên nghiệp) cần phải đạt được sự thỏa thuận và xác nhận bằng văn bản của An Viên. 

Trong khi phía VPF cũng bày tỏ rõ quan điểm, rằng trong khi chờ kết quả phúc tra, các Đài phải tự cân nhắc việc vào sân ghi hình, phát sóng. 

Trước đó, Đài VTC dưới sự cho phép của VPF đã liên tục vào sân ghi hình, phát sóng các vòng đấu qua, trong khi AVG, đơn vị hiện đăng nắm giữ bản quyền truyền hình cũng nhiều lần có văn bản cảnh cáo VTC về hành vi vi phạm trên. 

Trong bối cảnh này, nhiều khả năng VTC sẽ chọn giải pháp ngồi lại và thỏa thuận với AVG trong việc ghi hình và phát sóng các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam, nếu không muốn tiếp tục vi phạm hoặc "trắng sóng" trong các vòng đấu tiếp theo.

AVG được thừa nhận hiện đang nắm giữ toàn bộ thương quyền các
giải BĐ chuyên nghiệp VN

Liên quan đến vụ tranh chấp thương quyền, chiều 16-2, thay mặt VPF, Chủ tịch Võ Quốc Thắng đã ký vào lá đơn khiếu nại, gửi tới Bộ VH-TT&DL và Thanh tra Chính phủ nhờ xem xét lại kết luận việc thanh tra bản hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá thuộc LĐ BĐVN 2011-2030.

Tại đơn, VPF viện dẫn các điều khoản của Điều lệ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam; Luật Thể dục, thể thao; Luật dân sự; Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và các quy định của Nhà nước, qua đó kết luận:

1. LĐ BĐVN không phải chủ sở hữu duy nhất và không có toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng thương quyền các giải BĐ chuyên nghiệp VN như nội dung kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL.

2. Việc LĐ BĐVN bán toàn bộ thương quyền các ĐTQG không thông qua đấu giá là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành về bán tài sản Nhà nước.

3.Việc LĐBĐ VN ký hợp đồng mà không thông báo công khai đến Đài VTV và các Đài truyền hình khác là không minh bạch.

Có thể thấy, 3 luận điểm mà VPF đưa ra không có điểm gì mới so với các kiến nghị gửi tới Đoàn thanh tra Bộ và đã công bố trước báo chí trong cuộc gặp gỡ chiều 16-2.

Chỉ có điều, lần này kiến nghị đó được gửi tới Thanh tra Chính phủ. Trước đó, Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên cho biết, ngoài việc gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ, VPF còn xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Trước đó, lãnh đạo VPF cho biết: VPF sẽ nghiêm chỉnh chấp hành những quyết định của cấp có thẩm quyền cao nhất sau khi nhận được kết quả phúc tra.