Nhà cụ Tú Ba

ANTĐ - Cụ Tú Ba - ông ngoại của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là người có ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng và lối sống của nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất Việt Nam. 

Nhà cụ Tú Ba ảnh 1

Chân dung cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thời niên thiếu và ảnh truyền thần về cụ Tú Ba

Nhà xưa còn lại 3 gian

Trước khi nói về thân thế cụ Tú Ba, chúng tôi xin lược kể về ngôi nhà mà gần 2 thập kỷ nay được tỉnh Hà Bắc cũ công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Cùng với đó là sự tôn tạo để di tích thêm khang trang, tránh tình trạng mối mọt và sự bào mòn của thời gian.

Di tích đó chính là ngôi nhà cụ Tú Ba đã ở, cũng là nơi cụ Tú đã nuôi dạy người cháu ngoại Nguyễn Văn Cừ trong những năm  đất nước bị thực dân Pháp đô hộ. 

Ngôi nhà hiện nay thuộc khu phố Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Theo lời kể của ông Nguyễn Anh Tuấn, người gọi cụ Tú Ba là cụ nội và cũng gọi cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là bác (bên ngoại): “Ngôi nhà trước kia rất rộng gồm 7 gian bằng gỗ lim và 3 gian nhà bằng gỗ xoan là nơi cụ Tú dạy học. Do gia đình có điều kiện nên cụ Tú đã đưa cháu ngoại là Nguyễn Văn Cừ về nuôi dạy từ năm 6 tuổi”. 

Hiện nay, sống trong ngôi nhà ấy là vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Tế (95 tuổi) là cháu đích tôn của cụ Tú Ba. Sau khi cụ Tú Ba mất đã di chúc lại ngôi nhà cho người con trai duy nhất là Nguyễn Văn Quán. Ông Quán chính là cậu ruột của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Ông Tế năm nay đã già yếu lắm rồi. Hôm chúng tôi đến, ông nằm giường bên hữu ngôi nhà. Nghe khách hỏi chuyện, ông cũng chỉ cố nói được vài câu, mong Nhà nước gìn giữ ngôi nhà không bị mối mọt.

Ông Tế hồi trẻ làm đến chức Phó Ty Tài chính Bắc Ninh, sau chuyển lên Bộ Tài chính làm đến chức Vụ trưởng. Thế nhưng tại sao ngôi nhà gồm 10 gian gỗ lim với xoan lại không giữ được.

Qua vài nhân chứng, mới biết những năm cải cách, nhà cụ Tú mất đất, mất luôn cả nhà. May sao ngôi nhà 3 gian còn giữ lại đến nay và được tỉnh Bắc Ninh xem xét đầu tư tôn tạo. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn đứng nhìn ngôi nhà cha ông cũng là di tích còn lại, buột miệng: “Mười phần mất bảy còn ba, nhưng vẫn là may mắn khi giữ lại được làm di tích”.  

Nhà cụ Tú Ba ảnh 2

Pháp - Việt sơ học tốt nghiệp văn bằng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ 

Nho sĩ ở Đồng Nguyên

Ông Nguyễn Ngọc Khương - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Khê cũng là người gọi cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là ông họ. Hiện nay, ông Khương với vai trò trưởng tộc cũng là người chịu trách nhiệm hương khói tổ tiên cho biết: “Ông tôi (cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ) là con thứ hai trong gia đình có 4 chị em. Vì hoàn cảnh nghèo túng nên cha mẹ phải đưa con sang nhờ ông ngoại nuôi dạy từ khi mới tròn 6 tuổi”. 

Cụ Tú Ba tên thật là Nguyễn Thực, sau khi đỗ bằng tú tài đã từ chối không ra làm quan, ở nhà dạy học. Cậu bé Cừ được ông ngoại thương yêu chăm chút, dạy cho cả chữ Hán Nôm. 

Vốn tư chất thông minh nên Nguyễn Văn Cừ học đâu hiểu đó. Thấy cháu còn nhỏ nhưng đã hiểu chuyện nên cụ Tú thường giáo dục cho cháu tình yêu Tổ quốc cùng tấm lòng của người quân tử trước thời cuộc, vận mệnh.

Được người đương thời đánh giá là trí thức tiến bộ của vùng Đồng Nguyên nên cụ Tú Ba quyết định cho Nguyễn Văn Cừ đi học chữ quốc ngữ ở phủ Từ Sơn. Tuy là học trò nhỏ tuổi nhất lớp nhưng kỳ nào Nguyễn Văn Cừ cũng đạt điểm đứng đầu. 

Năm 1928, Nguyễn Văn Cừ thi đỗ loại giỏi, được cấp học bổng toàn phần tại trường Bưởi - Hà Nội, là trường trung học lớn nhất nước ta lúc bấy giờ. Tại đây, học sinh Nguyễn Văn Cừ bí mật tìm hiểu về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Văn Cừ làm quen với Ngô Gia Tự và được giác ngộ cách mạng rồi trở thành Tổng Bí thư Ðảng khi mới tròn 26 tuổi.

Nhà cụ Tú Ba ảnh 3

Nhà cụ Tú Ba đã được tôn tạo

Cơ sở cách mạng 

Qua một số tư liệu, chúng tôi còn được biết ngôi nhà của cụ Tú Ba từng là cơ sở cách mạng của Ðảng ta trước và trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ông Nguyễn Mạnh Tế cho biết, nơi đây còn lưu giữ một số hiện vật liên quan đến gia đình và đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các chiến sĩ lão thành cách mạng. Tại đây, cụ Tú Ba đã dạy dỗ nhiều học trò trở thành những cán bộ chủ chốt cho phong trào cách mạng.

Nhà cụ Tú Ba ảnh 4

Ông Nguyễn Anh Tuấn, cháu gọi cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là bác cùng bức ảnh hiếm hoi về gia đình cụ Tú Ba

Từ năm 1939, ngôi nhà của cụ Tú Ba còn là địa điểm hoạt động của nhiều cán bộ cách mạng trong việc tuyên truyền thành lập chi bộ Ðảng Cộng sản Cẩm Giang - Phù Lưu - Ðình Bảng.

Sau khi giành chính quyền thắng lợi ở Từ Sơn, ngôi nhà cụ Tú Ba được dùng làm kho vũ khí của cách mạng. Mới đây, Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã bổ sung một số bản sao hiện vật của đồng chí Nguyễn Văn Cừ như ảnh chân dung các thời kỳ. 

Đặc biệt, theo chỉ dẫn của ông Nguyễn Anh Tuấn, chúng tôi còn được tiếp cận với những tư liệu quý hiếm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ như: Văn bằng Việt Nam sơ đẳng tiểu học do Ðốc học và Công sứ tỉnh Bắc Ninh cấp năm 1925; Văn bằng tiểu học Pháp - Việt do Chánh thanh tra Tiểu học và Văn phòng Phủ Thống sứ Bắc Kỳ cấp năm 1928.

“Từ năm 1996, UBND tỉnh Hà Bắc cũ đã công nhận nhà cụ Tú Ba là di tích lịch sử văn hóa. Tuy vậy, những tư liệu về cụ Tú Ba vẫn còn rất ít ỏi, đặc biệt tư liệu thời thơ ấu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ khi ở với ông ngoại càng hiếm hơn nữa”, ông Ngô Chí Lợi - Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

“Theo gia phả thì đúng là cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là hậu duệ thứ 17 của Nguyễn Trãi. Hoạt động cách mạng và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nên những câu chuyện về ông họ tôi  rất ít khi được nghe và được biết”, ông Nguyễn Ngọc Khương, cháu gọi cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là ông họ, cho biết.