Nhà biên kịch Lê Quý Hiền: Muốn được bơi ở Hoàng Sa

ANTĐ - Những ai đã một lần được bơi ở Trường Sa sẽ cảm nhận được sự mặn mòi của biển, vị mặn nồng của máu bao người con nước Việt đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhận mình là một trong số những người may mắn ấy, nhà biên kịch Lê Quý Hiền không thể quên được cảm giác đắm mình trong làn nước ấm áp của biển và cảm giác thật thảnh thơi khi cảm nhận đất trời này là của nước Nam. 

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền và những người lính đảo

“Bố chỉ xuống nhúng chân một cái”

Biển và bờ khác nhau nhiều về mặt địa lý cũng như trong cảm nhận của mỗi người. Bơi biển ở gần bờ và bơi biển giữa muôn trùng sóng vỗ của Trường Sa cảm xúc rất khác nhau. Một lần được đặt chân tới Trường Sa vào năm 2013, nhà biên kịch Lê Quý Hiền đã rưng rưng xúc động khi nghe tiếng gà gáy buổi trưa trên đảo thật yên bình. Giữa trưa hè nóng bức, trong lúc mọi người đang ngồi trong hội trường thì Lê Quý Hiền đã trốn ra ngoài, định nhảy xuống biển bơi. Nhưng ý định này của ông đã bị chặn lại bởi một chiến sĩ hải quân có gương mặt trẻ măng, chỉ bằng tuổi con của Lê Quý Hiền. Vốn ăn nói bỗ bã, Lê Quý Hiền gọi chiến sỹ trẻ bằng con rồi xưng bố: “Con cho bố xuống nhúng chân một cái rồi lên luôn”. 

Xắn quần đến đầu gối, mon men xuống biển, Lê Quý Hiền khua chân xuống nước một lúc rồi vội vàng lên bờ. Tình cờ, có đồng chí chỉ huy trên đảo đi ngang qua biết được ý định này của ông đã ngoắc tay Lê Quý Hiền dẫn ra khu vực dành riêng của lính đảo. Lần đầu tiên được thỏa chí vẫy vùng biển ở Trường Sa, Lê Quý Hiền không thể nào quên làn nước ấm áp của biển và bầu trời một màu xanh ngăn ngắt trải dài đến vô tận. Chưa hết, lần thứ hai ra Trường Sa, Lê Quý Hiền còn rủ thêm được ông bạn Lê Tiến Thọ (Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam) tận hưởng cảm xúc khó quên này. Nhưng khác với lần trước, lần này hai ông bạn già đã nhận được ưu ái đặc biệt của cánh lính đảo. Họ mang cả thuyền ra chở và thả hai ông giữa biển khơi để nhà biên kịch tha hồ vẫy vùng giữa muôn trùng sóng nước. Biển trời này là của Tổ quốc, được tự do tắm mát, được làm điều mình muốn ở nơi đầu sóng ngọn gió thật sự là một trải nghiệm khó quên với nhà biên kịch Lê Quý Hiền và với những ai từng được đặt chân tới Trường Sa. 

Không đi không viết được

Vốn là người yêu biển đảo, mong muốn tìm kiếm chất liệu sáng tác đầy hiện thực,  Lê Quý Hiền là một trong số rất ít các văn nghệ sỹ đã có mặt tại Hoàng Sa, gần khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Giữa lúc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế ngang nhiên gây hấn, đâm va, phun nước áp lực cao vào tàu của Cảnh sát biển đang chấp pháp ở khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam, thì việc Lê Quý Hiền có mặt ở khu vực này ít nhiều cũng gây lo lắng cho người thân. Nhưng ông cho biết: “Nếu không đi thì không cảm được để viết kịch. Hơn nữa, khi vượt sóng ra được Hoàng Sa, việc lo lắng cho tính mạng của bản thân đã nhanh chóng tan biến khi xung quanh mình là lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư anh dũng, mưu trí, bản thân họ cũng đã hy sinh nhiều lợi ích cá nhân để làm nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả, giữ gìn biển đảo Tổ quốc”.  

Được tận mắt chứng kiến sự ngang ngược của các tàu Trung Quốc chủ động đâm va vào các tàu chấp pháp của Việt Nam, lòng ông không khỏi bất bình đến tột cùng. Nhà biên kịch Lê Quý Hiền vốn xưa nay cứng rắn, vậy mà khi nhắc đến các ngư dân kiên cường bám biển, bám ngư trường, Lê Quý Hiền đã khóc.  Ông đã thấy tận mắt, máu của các ngư dân Việt Nam đã đổ ngay tại ngư trường truyền thống bao đời nay ông cha họ vẫn giăng buồm ra khơi thu về sản vật. Đã có ngư dân từng 5 lần bị Trung Quốc hành hung, ấy thế mà vẫn kiên cường giữ biển. Họ đã thay mặt nhân dân cả nước nói với những kẻ đi xâm chiếm rằng khát vọng hòa bình và danh dự Tổ quốc của người dân Việt Nam không dễ gì khuất phục. Những ngư dân cũng chính là những người anh hùng nơi đầu sóng ngọn gió. Đó còn là tình cảm của những chiến sỹ Cảnh sát biển và Kiểm ngư, họ đã khôn khéo và can trường. “Những tay lái lụa” đã làm giảm thiểu đến mức thấp nhất những cú đâm va của tàu Trung Quốc vào tàu Việt Nam và các chiến sỹ đã không mắc bẫy kẻ thù. Sự hy sinh và chịu nhiều gian khổ của từng ngư dân, từng chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi biển xa là chất liệu sáng tác phong phú cho ngòi bút Lê Quý Hiền viết nên những câu chuyện cảm động đang diễn ra hàng ngày hàng giờ ngoài Biển Đông.

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền chia sẻ “Tôi tin tưởng chỉ trong nay mai, tôi sẽ được thoải mái tắm biển ở Hoàng Sa. Nếu tôi không làm được điều này thì đời con tôi, đời cháu tôi sẽ làm việc này”.