Nhà báo Phạm Khắc Lãm và mối duyên với Công an Hà Nội

ANTĐ - Với mỗi người làm báo, lớn lên, trưởng thành, rồi về cội… để lại cho đời không chỉ những bài báo, trang sách, mà điều còn mãi, chính là bản lĩnh dấn thân chiến đấu cho lẽ phải, công bằng và cho lòng  nhân ái của con người trong hoà hợp, an vui. Tạm biệt tôi, ông cho tôi xem những câu thơ khi ông tạm biệt anh em “nhà đài” năm 1994: “Công danh như phù vân/ Phú quý tựa lông hồng/ Giữa bạn bè đồng nghiệp/Quý nhất ở tấm lòng”.

Nhà báo Phạm Khắc Lãm từng là liên lạc viên cho Công an Hà Nội trong thời kỳ 1947

1. Ông thuộc những người nổi tiếng trong làng báo Việt Nam, là con trai cả của cụ Phạm Khắc Hoè - Ngự tiền văn phòng Tổng lý của triều đình Huế. Năm 1947 ông lên Việt Bắc, làm thư ký cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau này khi là Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, ông đã tận lực, tâm huyết với nghề, đổi mới các chương trình phát sóng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nhà đài. Vì thế, câu chuyện trong những ngày Hà Nội đau thương mà anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nếu so với dòng sông cuộc đời, chỉ là một hạt phù sa nhỏ bé, nhưng vẫn đọng lại trong tâm trí đồng đội của ông- cán bộ chiến sĩ công an quận 6, bao nhiêu kỷ niệm khó quên… Và tôi đã đến gặp ông trong căn nhà ở cuối phố Tràng Thi để hiểu thêm về cái duyên kỳ ngộ đã gắn bó ông  với Công an Hà Nội  từ thời thanh niên. 

2. Sinh năm 1930 và lớn lên ở Huế, Phạm Khắc Lãm chỉ có mặt trên đất Thăng Long - Hà Nội từ đầu năm 1946- khi ấy, cụ Phạm Khắc Hòe đã  ra làm việc cho Chính phủ Hồ Chí Minh. Cả gia đình từ Huế ra Hà Nội; từ một  thiếu niên 15 tuổi đã từng được giao trách nhiệm cùng Đào Thế Tuấn thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Huế (tháng 8-1945), rồi sau đó tham gia Giải phóng quân Thừa Thiên, Phạm Khắc Lãm nhập học trường Bưởi do giáo sư Dương Quảng Hàm làm hiệu trưởng. Ông học cùng với những “dáng kiều thơm” của Hà thành như Thục Nga, Thục Phi- con gái bà Thục Viên, Đại biểu quốc hội khoá I. Thủ đô Hà Nội rợp cờ sao độc lập, tươi mới trong không khí tự do, dân chủ, đã mở ra con đường thênh thang cho chàng thanh niên  vốn gốc ở quê hương cách mạng - Đức Thọ, Hà Tĩnh. 

Đêm 19-12-1946, khi vợ và con gái Phạm Thị Thành đã về quê Hà Tĩnh, cụ Phạm Khắc Hoè cùng hai con trai- Phạm Khắc Lãm, Phạm Khắc Hằng, chưa kịp đi tản cư, ở lại nội thành, về ở trong nhà bác sĩ Phạm Khắc Quảng ở phố Hàm Long. Tai họa ập xuống đầu ba cha con khi chiều 21-12-1946, giặc Pháp bắt cụ Phạm Khắc Hòe giam vào Hoả Lò rồi đưa vào giam tiếp ở Sài Gòn, Đà Lạt, mãi tới 17-4-1946, chúng mới để cụ trở về Hà Nội. Gia đình ly tán, Phạm Khắc Lãm dọn đến nhà giáo sư Hoàng Xuân Hãn ở 67 Tràng Thi. 

Lúc này, ở nội thành, Pháp cho lập ra cái gọi là Ủy ban quản lý lâm thời hành chính và xã hội do Trương Đình Tri đứng đầu. Còn Nghiêm Xuân Thiện lập ra Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam, tích cực lôi kéo một số trí thức ra cộng tác, chuẩn bị lập chính phủ bù nhìn; đồng thời, Pháp tăng cường xây dựng hệ thống mật thám, cảnh binh, chỉ điểm để đánh phá cơ sở kháng chiến của ta. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Khu ủy khu XI (tên bí mật của mặt trận Hà Nội), Công an Hà Nội đã sớm đưa các chiến sĩ trở về nội thành hoạt động. Ngày 19-2-1947, từ đình Huỳnh Cung, 5 chiến sĩ đầu tiên mới 15-16 tuổi của Đội giao  thông liên lạc công an quận 6 vượt qua Yên Sở - Lạc Trung - Thanh Nhàn, lên phố Huế để gây dựng cơ sở trong các tầng lớp nhân dân. Chuyến đi đầu tiên an toàn, trót lọt! Đường dây liên lạc dần dần được khai thông; nhờ đó, khoảng tháng 3 (hoặc tháng 4) năm 1947, các đội viên thông minh, nhanh nhẹn, dũng cảm, đã chuyển được thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tận tay các trí thức yêu nước bị kẹt ở nội thành từ đêm 19-12-1946, trong đó có giáo sư Hoàng Xuân Hãn, kỹ sư Đặng Phúc Thông…  Chiều muộn ngày  25-8-1947, Công an quận 6 đã tổ chức đưa gia đình các cụ Phạm Khắc Hoè, Đặng Phúc Thông… ra ngoại thành rồi lên chiến khu Việt Bắc an toàn. 

Cũng trong thời gian ở nhà giáo sư Hoàng Xuân Hãn,  Phạm Khắc Lãm đã bắt liên lạc được với tổ chức công an quận 6 chính từ những chuyến đưa thư của Đội trưởng đội giao thông liên lạc Hoàng Quyến. Ông tham gia tổ chức, trở thành đội viên đội giao thông liên lạc của công an quận 6, đi rải truyền đơn; dán áp-phích… sau đó, nhận nhiệm vụ điều tra tên Trương Đình Tri, bí mật theo dõi quy luật đi lại của hắn. Từ những tin tức này mà tháng 10-1947, đồng chí Đặng Đình Kỳ và Trần Văn Tích (tức Trần Bình) thuộc Đội hành động của công an, đã từ căn cứ, đột nhập  vào nội thành, trừ khử Trương Đình Tri ở phố Cổng Đục giữa ban ngày, ngay trước cửa nhà riêng của hắn.

Chiến công của Công an Hà Nội phối hợp với bộ đội chủ lực trong chiến dịch Việt Bắc, đã khiến địch kinh hoàng. Báo chí của chính quyền bù nhìn đưa tin Trương Đình Tri bị Việt Minh trừng trị, làm nức lòng nhân dân đang chịu o ép, khủng bố, nhưng vẫn  “hướng về Việt Bắc mà nuôi chí bền”. Chiến công vang dội này đã được báo cáo lên Bác và Người đã tặng thưởng Huân chương kháng chiến Hạng Nhất ngày 25-4-1949 cho Công an Hà Nội. 

3. Năm qua đi, tháng qua đi… nhưng trong dòng chảy của thời gian và sự thăng trầm, biến động của thời đại, mỗi sự kiện lịch sử của nhân dân vẫn để lại dấu ấn không thể phai mờ. Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhờ có những chiến sĩ của công an quận 6 năm xưa mach bảo, tôi đã tìm đến nhà báo Phạm Khắc Lãm để viết lại câu chuyện  lịch sử này khi ông đã qua tuổi bát tuần, bởi trong vui buồn nghề báo, ông chỉ nói về sự kiện động trời này thật ngắn gọn, khiêm nhường “Có gì đâu mà cháu viết”.