Tọa đàm trực tuyến “Trách nhiệm xã hội của báo chí trong thời đại thông tin”:

“Nhà báo mà vô cảm thì thật nguy hại”

ANTĐ - Được xem như cơ hội để những người làm báo, đặc biệt là báo chí Thủ đô nhìn lại chính mình, khắc phục, ngăn chặn tiêu cực nảy sinh, đề cao hơn nữa vị thế, vai trò, trách nhiệm của mỗi tòa soạn cũng như mỗi phóng viên, sáng hôm qua, 11-6, một cuộc tọa đàm trực tuyến với tên gọi “Trách nhiệm xã hội của báo chí trong thời đại thông tin” đã được Thành ủy Hà Nội và Báo HàNộimới tổ chức. 

Áp lực của cơ chế thị trường và thế giới phẳng

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Tô Quang Phán-Tổng biên tập Báo HàNộimới cho biết, bên cạnh những ưu điểm, thời gian gần đây, do sự tác động của cơ chế thị trường, sự phát triển của mạng xã hội, báo chí đã và đang bộc lộ những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục. Một bộ phận báo chí chạy theo thị hiếu tầm thường, đăng tải những chuyện giật gân, tình dục, bạo lực, mê tín dị đoan, xa rời tôn chỉ, mục đích và đối tượng phục vụ. Có những vụ việc thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. 

Đóng góp ý kiến cho tọa đàm, Phó GS-TS Phạm Xuân Hằng - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin mạnh mẽ như hiện nay, nếu như trách nhiệm xã hội của báo chí không được đề cao, quan tâm, dư luận xã hội không được định hướng sẽ dẫn đến hệ lụy là rối loạn. Cần phải có sự phối hợp của các ngành các cấp liên quan, trách nhiệm xã hội chính trị của chính quyền thì nhà báo mới hoàn thành bổn phận của mình. Tuy nhiên, có một số ý kiến lại đề cao vai trò cá nhân của nhà báo. 

Tham gia cải tạo xã hội với trách nhiệm tự thân

Nhấn mạnh đến yếu tố tự thân của từng nhà báo, Thiếu tá Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô cho biết, cụm từ “trách nhiệm xã hội của báo chí” là một đề tài được thảo luận nhiều với vô vàn ý kiến đa chiều, ở cả lĩnh vực kỹ năng tác nghiệp cũng như đạo đức nghề nghiệp. Vì thế, nói đến trách nhiệm xã hội của báo chí, trước hết phải là trách nhiệm xã hội của bản thân các nhà báo. Mọi sự vội vã, nôn nóng, thiếu tỉnh táo của nhà báo có khi lại cho những kết cục đáng tiếc.

“Nhà báo mà vô cảm thì thật nguy hại” ảnh 1

Phóng viên Báo ANTĐ cùng các nhà hảo tâm tặng quà Trung thu bà con giữa bãi sông Hồng năm 2014

Xác định được điều này, lâu nay, Ban Biên tập Báo An ninh Thủ đô luôn nhắc nhở phóng viên, biên tập viên của mình khi viết, đặc biệt là khi viết bài phê phán, lên án, hãy thử đặt mình, người thân của mình vào đối tượng bị phê phán trong bài báo và hãy thành thật xem mình có chịu được không? Có cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương, uất ức, bị hủy hoại bởi bài báo đó không? Nếu câu trả lời là có, hãy xem lại bài viết, vì chắc rằng đã có một hoặc một số chi tiết hay cách diễn đạt chưa chuẩn xác, thiếu khách quan, thậm chí là cả sự suy diễn vô căn cứ. 

Một nguyên tắc nữa là, không bao giờ được bới móc đời tư, và tuyệt đối cấm mọi sự suy diễn theo kiểu “tát nước theo mưa”, viết bài một cách tàn nhẫn, lạnh lùng dồn người ta đến chân tường. Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô còn cho rằng, để có được “trách nhiệm xã hội” thì các nhà báo không thể tồn tại trạng thái ngại va chạm, nhìn trước đón sau sợ đụng, sợ vướng, làm báo kiểu xong việc thì thôi. Không thể có ‘trách nhiệm xã hội” khi mà không mảy may rung động, không ủng hộ cái tốt, không lên án cái xấu. Nhà báo mà vô cảm thì thật là nguy hại.

Giải báo chí Quốc gia năm 2014:

Số lượng tác phẩm đoạt giải A nhiều nhất từ trước tới nay


Lần đầu tiên, Giải báo chí Quốc gia 2014 được tổ chức theo Đề án nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia, bằng việc bổ sung loại hình báo điện tử vào cơ cấu xét giải thưởng, tăng số lượng giải từ 8 lên 11. Hội đồng giải nhận được 1.468 tác phẩm dự thi. Trong số 177 tác phẩm vào vòng chung khảo, có 118 tác phẩm đoạt giải gồm 9A, 26B, 54C và 29 giải Khuyến khích. Đặc biệt, số lượng tác phẩm đoạt giải A nhiều nhất từ trước tới nay. Lễ trao Giải báo chí Quốc gia 2014 sẽ diễn ra vào ngày 21-6 tại Cung Văn hóa Hữu nghị 
Hà Nội. 
Thanh Xuân

Sau khi lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp tại tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhận định, tọa đàm đã thẳng thắn chỉ ra thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế trong quá trình thực hiện trách nhiệm xã hội trên báo chí. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho rằng, các cơ quan lãnh đạo báo chí phải rà soát, quản lý, điều hành hệ thống báo chí tốt hơn.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay đã có nhiều quy định không còn hợp với thực tế thì phải sửa. Bên cạnh đó, các sở, ngành cần có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí. Đối với từng cơ quan báo chí, phải tăng cường trách nhiệm để đảm bảo mỗi thông tin đưa ra là phục vụ lợi ích của Đảng, của chính quyền, cao hơn nữa là phục vụ lợi ích của người dân.