Nguyễn Trọng Tạo: Từ làm báo Thơ đến vẽ lá cờ Thơ

ANTD.VN - Để định danh Nguyễn Trọng Tạo, phải dùng rất nhiều “ngôi”: nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ, nhà báo... Nếu âm nhạc đem lại cho ông sự nổi tiếng bền bỉ với các ca khúc như: “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”… thì thơ ca lại khiến ông gặp không ít lụy phiền. 

Nhưng không phải vì những “tai nạn nghề nghiệp” mà Nguyễn Trọng Tạo nhạt tình với thơ, thậm chí với ông, thơ chính là sự sống, là hơi thở mỗi ngày. 

Nguyễn Trọng Tạo: Từ làm báo Thơ đến vẽ lá cờ Thơ ảnh 1

Tờ báo có một không hai

Khi còn sống tại Huế, Nguyễn Trọng Tạo đã xuất hiện ý tưởng ra một tờ báo thơ, nghĩa là tất tần tật mọi vấn đề liên quan đến thơ từ cổ chí kim, từ trong nước đến hải ngoại, từ chuyện thơ đến chuyện đời của người làm thơ sẽ được chọn lựa, khai thác sao cho hấp dẫn nhất, sang trọng nhất để phục vụ bạn đọc yêu thơ. 

Ý tưởng đó được mang ra Hà Nội trình bày trong Đại hội lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam. Ít người có thể ngờ chỉ mấy tháng sau đó (giữa năm 1997) tờ báo Thơ chính thức ra đời, tuy là phụ bản của báo Văn nghệ nhưng có lúc số lượng phát hành vượt gấp nhiều lần tờ báo chính. Dư luận về tờ báo này tác động sâu sắc đến công chúng yêu thơ, ai cũng nôn nóng chờ đợi, ở các tỉnh xa, báo chỉ về bưu điện trong vòng một tiếng đồng hồ đã hết sạch. Nguyễn Trọng Tạo là “nhân vật chính” của tờ báo Thơ, ông lên kế hoạch từng số, tổ chức bài vở, lên market, biên tập từng bài báo, tìm ảnh, tìm tư liệu. làm công tác bạn đọc... Nhiều chuyên mục ông phải gọi điện thoại đường dài hoặc đi đặt bài tận nhà riêng của từng người, có khi tự mình thức khuya dậy sớm viết cho kịp ngày báo đi nhà in. 

Đến năm 2003, làng văn Việt Nam có một sự kiện lớn: Hội Nhà văn quyết định lấy ngày Rằm tháng Giêng (Nguyên Tiêu) hàng năm làm Ngày Thơ Việt Nam. Đây là lần đầu tiên những người yêu thơ Việt có một “ngày của mình” được tổ chức trang trọng như một lễ hội lớn, mà đã là lễ hội thì không thể thiếu được lá cờ biểu trưng.

Với tiêu chí cờ Thơ trước hết phải là một lá cờ có sức lay gọi, cuốn hút, gợi nhiều xúc cảm đẹp khi kéo lên tung bay trên đỉnh cột. Đặc biệt hơn, đó là lá cờ của lễ hội, của văn hóa Việt Nam cho nên phải đậm chất thơ và nặng hồn dân tộc.

Trong khoảng thời gian ngắn có rất nhiều họa sỹ được mời tham gia vẽ lá cờ Thơ, cuối cùng chỉ có mẫu cờ của Nguyễn Trọng Tạo được chọn. Một lá cờ mang những gam màu đặc trưng của lễ hội dân tộc (đỏ, vàng, xanh lá, hồng, xanh lam) với hình ảnh con chim Lạc bay trên chữ “Thơ” tượng trưng cho hồn Việt cất cánh thăng hoa cùng với thơ ca. 

Nguyễn Trọng Tạo: Từ làm báo Thơ đến vẽ lá cờ Thơ ảnh 2

Hồn cốt của Ngày Thơ

Đúng vào Rằm tháng Giêng năm Quý Mùi (2003), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức long trọng, mở đầu bằng lễ kéo lá cờ Thơ. Khi lá cờ từ từ được kéo lên trong bản nhạc mang không khí mùa xuân rộn rã, nhiều bạn đọc đã không cầm được xúc động khi nghĩ về lịch sử thơ ca Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm cùng số phận dân tộc cho đến ngày được chính thức trở thành một lễ hội lớn.

Kể từ năm 2003, đã 15 lần công chúng yêu thơ chào lá cờ Thơ trong niềm hân hoan khi đến dự Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu. Năm nào nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng đến hội thơ từ sớm, ông lặng lẽ đứng ở một góc xa để có thể nhìn được rộng nhất không gian mà lá cờ đang tung bay ở vị trí cao nhất. Vốn là người “ồn ào” nhưng khi đến hội thơ, ông luôn dành cho lá cờ đặc biệt đó một nghi thức của riêng mình, đó là sự im lặng tuyệt đối trước giờ khai mạc. 

Rằm tháng Giêng năm nào trong sân khu di tích Văn Miếu cũng chật kín người yêu thơ đến với ngày hội, nhưng rất ít người biết tác giả của lá cờ Thơ chính là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Điều này không khiến ông buồn, bởi rất nhiều tên tuổi của nghệ sỹ bị chìm sau tác phẩm của mình...

Trước Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 ít lâu, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gặp một sự cố khá lớn về sức khỏe, thật may mắn là ông phục hồi khá nhanh. Ông hào hứng đến lễ hội thơ 2018 nhưng những người yêu mến ông vẫn ngậm ngùi nhận thấy nhà thơ đã không còn được tinh anh, phong độ như trước. 

Không biết vì lí do gì, năm nay không còn thấy lá cờ Thơ treo trên đỉnh cột giữa giếng Thiên Quang nữa. Nhiều người ngạc nhiên, có người mang thắc mắc về sự thiếu vắng này đi hỏi mà không nhận được câu trả lời xác đáng. Lá cờ Thơ thực sự trở thành một biểu tượng, một dấu chỉ của ngày hội đã lặng lẽ cuộn mình nằm ở đâu đó, nhưng chắc chắn rằng người yêu thơ đã khắc dấu hình ảnh con chim Lạc bay lên cùng chữ Thơ sâu đậm trong tâm trí của mình. 

Không biết vì lý do gì, năm nay không còn thấy lá cờ Thơ treo trên đỉnh cột giữa giếng Thiên Quang nữa. Nhiều người ngạc nhiên, có người mang thắc mắc về sự thiếu vắng này đi hỏi mà không nhận được câu trả lời xác đáng.