Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong trái tim người xây dựng

ANTD.VN - Thời kỳ từ tháng 6/1973 đến tháng 11/1977, Tổng Bí thư Đỗ Mười giữ trọng trách Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đây cũng là giai đoạn đất nước không chỉ có thuận lợi mà còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. 

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm nhà máy ximăng Hải Phòng, ngày 25/3/1991. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)

Hòa chung dòng chảy lịch sử, ở cương vị Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông đã lãnh đạo ngành tham gia vào công cuộc tái thiết đất nước sau giải phóng.

Mang dòng máu của người xây dựng trong tim, những năm sau đó, khi ở cương vị cao hơn, đồng chí Đỗ Mười vẫn sát sao, dõi theo và có những định hướng mang tính chất tìm đường đổi mới, góp phần viết nên cơ ngơi đáng tự hào của sự nghiệp xây dựng Việt Nam hôm nay.

Những câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa vẫn khắc ghi trong tim của những người xây dựng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Huynh trầm ngâm nhớ về những câu chuyện cũ mang đậm dấu ấn với đồng chí Đỗ Mười. Ít ai biết rằng người lãnh đạo cấp cao ấy quan tâm từ những điều nhỏ nhất. Điều này không chỉ đem lại sự tiện ích cho người dân mà còn khích lệ sự tìm tòi, sáng tạo, phát triển của ngành vật liệu xây dựng lúc bấy giờ. 

Trong nhiều cuộc trò chuyện với anh em ngành xây dựng, đồng chí Đỗ Mười luôn căn dặn, xây dựng nếu không có vật liệu thì không thể làm được công trình nào cả. Vật liệu xây dựng chính là “bánh mỳ” của ngành xây dựng. 

Bởi vậy, đồng chí Đỗ Mười đã đề nghị bổ sung lĩnh vực vật liệu xây dựng (lấy từ Bộ Công nghiệp về) thay vì lúc đầu chỉ có Bộ Kiến trúc và Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước để hình thành nên Bộ Xây dựng. 

"Sau này, trước những trưởng thành của ngành xây dựng, Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn nhắc, vật liệu xây dựng đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thủ công đến hiện đại. Để rồi vật liệu xây dựng Việt Nam đã tự hào khi không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới," ông Huynh nhớ lại. 

Cùng theo lời kể của ông Huynh, đó và vào năm 1991, trong cuộc họp Chính phủ, đồng chí Đỗ Mười (khi ấy là Thủ tướng) hỏi một câu khiến ai cũng bất ngờ: "Sao đến giờ này, cái bồn cầu sứ cho dân dùng đàng hoàng mà mình cũng chưa làm được?."

Là người trực tiếp tham gia cuộc họp, ông Huynh lúng túng báo cáo với lý do chưa có công nghệ sản xuất, để rồi, được nghe câu trách như gợi mở của lãnh đạo: "Sao không đi nước ngoài mà học? Đừng để dân trách rằng toàn tiến sỹmà cái bồn cầu cho dân không lo nổi!.” Cười đấy, nhưng trong lòng rất chua xót và quyết tâm chinh phục công nghệ mới cũng nhen nhóm từ đó, ông Huynh kể.

Đồng chí Đỗ Mười cũng chính là người duyệt và quyết định cử 3 cán bộ ngành xây dựng đi sang Italy để nghiên cứu học hỏi với lời căn dặn được những người trong cuộc nhớ mãi: “Chỉ đi 3 người và đi 1 tuần thôi vì Nhà nước không có tiền. Các chú đã học hỏi rồi thì khi về phải làm bằng được."

Có dịp ra nước ngoài, ông Huynh tự nhận thấy quả là bấy lâu nay, anh em cứ “đóng cửa nghiên cứu” trong khi chỉ cần bước chân khỏi cửa là sẽ học được vô khối điều. Lúc ở Mỹ về, hành lý máy bay của ông là 20 kg gạch đá ceramic, granit. Thế nhưng, câu chuyện làm vật liệu mới vẫn gian nan lắm. 

Ông Huynh mang ý tưởng về trình bày trong cuộc họp lãnh với lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo Bộ, đề nghị xem xét triển khai đầu tư. Nhiều anh em bảo ông Huynh ảo tưởng, thứ ấy chỉ dân tư bản dùng chứ trong nước có mà bán cho… Tây! May quá, khi ấy đồng chí Đỗ Mười chỉ đạo ngay: “Phải làm ! Không nắm lấy thời cơ này thì chẳng khi nào mở mày mở mặt ra được."

Nhờ vậy, các nhà máy được triển khai rất nhanh chóng, không chỉ nhà máy sứ Thanh Trì mà sau đó nhà máy gạch ốp lát đầu tiên ở Hữu Hưng được đầu tư. Sau đó là Vitaly, nhà máy granit Thạch Bàn, sứ Thanh Thanh…, rồi các nhà máy kính, ximăng lò quay như: Holcim Kiên Giang, Chinfon Hải Phòng, Bút Sơn, Nghi Sơn lần lượt ra đời. 

Hồi ức về đồng chí Đỗ Mười ùa về cùng nhiều kỷ niệm của những ngày đầu đi thuyết phục các địa phương đầu tư sản xuất ximăng. Có lần thuyết phục mãi mới được. Nhưng chỉ qua 1 đêm, các vị lãnh đạo tỉnh lại... từ chối.

Lúc ấy, đoàn công tác của Bộ Xây dựng đành yêu cầu: “Xin các vị ghi vào tờ giấy này mấy chữ: “Hôm qua chúng tôi đã thống nhất, hôm nay chúng tôi xin rút lại ý kiến” để tôi về báo cáo Thủ tướng Đỗ Mười!” Thậm chí, ở một dự án ximăng khác, lãnh đạo tỉnh chất vấn: “Sao lại mang đá của tỉnh tôi đi làm xi măng cho tỉnh khác ?”... Tuy nhiên, cứ nhắc đến lấy ý kiến Thủ tướng là tất cả đều cho rằng: “Việc này khó nhưng không thể không làm!”

Một trong những thành công của ngành xây dựng giai đoạn những năm 90 là thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án xi măng. Đây là những công trình có vốn lớn nhưng nguồn lực tài chính của Việt Nam lúc bấy giờ còn hạn hẹp và cánh cửa thu hút đầu tư được đồng chí Đỗ Mười gợi mở đã thành công và đúng hướng. Điển hình là 3 dự án ximăng lớn vẫn phát huy hiệu quả đến tận ngày nay trải đều ở cả 3 miền đất nước gồm: Xi măng Holcim (Kiên Giang), Xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Xi măng Chinfon (Hải Phòng).

Trong ký ức của ông Huynh, vị lãnh đạo cấp cao này là người quyết đoán, chỉ đạo ráo riết và đã giao việc thì sẽ theo dõi đến cùng. Cũng vì thế, nhiều dự án sản xuất vật liệu xây dựng đã ra đời và hiệu quả nhờ sự ủng hộ và quyết đoán của ông. 

Đặc biệt, đồng chí rất trọng dụng các nhà khoa học, chuyên gia, biết cách khuyến khích, động viên để họ phát huy khả năng cống hiến cho đất nước.

Với những người xây dựng như ông Huynh, hình ảnh vị lãnh đạo cấp cao Đỗ Mười luôn tỏa sáng, lắng đọng trong tim cùng tất cả lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc.