Nguyễn Thành Long Giang: SEA Games cuối đời, "rửa hận"

ANTĐ - Anh bước lên, đối diện với quả 11m định mệnh của ĐT U.23 Việt Nam. Nhưng rồi chỉ đúng một tích tắc sau, khi bóng không trúng lưới thì anh ôm đầu nằm vật xuống sân. Và anh khóc...

Anh bước lên, đối diện với quả 11m định mệnh của ĐT U.23 Việt Nam. Nhưng rồi chỉ đúng một tích tắc sau, khi bóng không trúng lưới thì anh ôm đầu nằm vật xuống sân. Và anh khóc - những giọt nước mắt xa xỉ trong đời một cậu trai 19 tuổi quen sống trong nhung lụa. Ở trên sân, nhiều đồng đội của anh cũng khóc. Ở trên khán đài, nhiều CĐV Việt Nam cũng khóc. Bầu trời Korat (Thái Lan) với anh, lúc ấy sụp đổ hoàn toàn...

Nỗi đau từ quả Penalty đầu đời

Những hình ảnh đến từ quả Penalty tang tóc ấy cho đến tận bây giờ vẫn còn ám ảnh tâm trí Nguyễn Thành Long Giang - đội phó ĐT U.23 Việt Nam hiện tại. Quả Penalty ấy chính thức kết liễu giấc mơ vàng của bóng đá Việt Nam tại SEA Games 24 năm 2007 trên đất Thái. Thật ra, cái thua của U.23 Việt Nam trước U.23 Myanmar hôm ấy đến từ lỗi hệ thống khi cả một tập thể chơi bóng vô hồn trong suốt 120 phút bán kết, nhưng dẫu sao đi nữa thì Giang cũng là người được “ấn định” vào quả Penalty cuối cùng, là người hiện thực hoá cho một thất bại được báo trước. Thế nên quả Penalty ấy khiến Giang không tránh khỏi cảm giác bị dằn vặt.

Có lần Giang ngồi thật lâu với tôi và khó nhọc nói về những kỷ niệm cay đắng của mình: “Đấy là kỳ SEA Games đầu tiên trong đời cầu thủ của tôi, vậy nên khi đá hỏng Penalty và sống trong nỗi đau bại trận, tôi đã sốc một thời gian rất dài”. Nỗi đau càng lớn hơn khi mà ở thị xã Gò Công - Tiền Giang, có lần Long Giang đi uống cafe, mong tìm được sự khuây khoả thì lại vô tình nghe 2 người đàn ông ở bàn bên cạnh nói về quả Penalty hỏng ăn của mình. Họ bảo: “Thằng tóc vàng ấy đá kém quá. Tao đá có khi còn hay hơn”. Giang chia sẻ: “Vô tình nghe thấy những lời như thế, tôi thấy mình như bị cắt từng khúc ruột”.

Nguyễn Thành Long Giang với những khoảnh khắc chết lặng
tại SEA Games 24 - 2007

Nếu biết rằng, khác với phần lớn những cầu thủ đá bóng khác, Long Giang không phải đối diện với một tuổi thơ khốn khó, mà lại may mắn trở thành “cậu ấm” trong một gia đình vương giả, một người luôn được nuôi nấng trong sự đùm bọc, chở che của cha mẹ mới hiểu là nỗi đau kia giống như một cú đấm trời giáng, ghê gớm nhường nào. Nhưng rồi bạn bè động viên. Người yêu động viên. Và chính mình cũng phải học cách tự nuốt nỗi đau vào trong để động viên mình. Giang hạ quyết tâm: “Thôi thì hãy cố gắng đợi kỳ SEA Games tới để rửa sạch mối hận này”.

Nỗi đau từ trận chung kết đầu đời

“Kỳ SEA Games tới...” - nó chính là kỳ SEA Games 2009 trên đất Lào, kỳ SEA Games mà thoạt tiên Giang đã nghĩ mình thậm chí không có cơ hội được tham dự. Chẳng là cái năm 2009 đen đủi ấy, Giang bị chấn thương cơ háng, nên chỉ đá 8 vòng đầu tiên tại giải hạng Nhất trong màu áo Tiền Giang rồi nghỉ luôn. Mà trong 8 vòng đấu ấy, cũng có lần ông Calisto - HLV trưởng ĐT U.23 xuống xem Tiền Giang, nhưng “nghiệt” thay đấy lại là lần Giang không ra sân. Vậy nên khi hay tin VFF chuẩn bị triệu tập 30 cầu thủ dự SEA Games, Giang đã thầm nghĩ đến tình huống xấu nhất: Mình sẽ không có mặt, và mối hận 2 năm trước rồi sẽ phải kéo dài. Nhưng cuộc đời, đúng là không ai thấu được chữ “ngờ”, trong một buổi tối vô tình xem bản tin thể thao trên tivi, và thấy mình có tên trong danh sách 30 cầu thủ được triệu tập thì Giang vui cực độ.

Được trở lại mầu áo tuyển, Giang nhủ mình sẽ tập hết công suất để ghi điểm với thầy “Tô”. Nhưng chấn thương cơ háng khiến Giang nhiều lúc không chạy nổi, và thế là nhiều lần, ông “Tô” cứ thế nhìn trừng trừng vào mắt Giang mà quát tháo. Có lần bị thầy “Tô” quát ghê quá, Giang đã nhắn tin cho người yêu bảo là trước sau gì mình cũng bị loại. Thế mới có chuyện, 30 phút trước trận đấu đầu tiên của ĐT U.23 Việt Nam tại VFF Cup 2009, khi thầy “Tô” ghi tên 11 cầu thủ đá chính lên bảng, và khi thấy mình là 1 trong 11 cái tên thì Giang đã phải hỏi người ngồi bên cạnh mình - hậu vệ Hoàng Quãng là: “Có phải tao nhìn nhầm không?”. Khi Quãng trả lời là “không nhầm” thì Giang hạ quyết tâm sẽ chơi một trận để đời. Quả nhiên trận đó Giang chơi tốt, và kể từ đó cho đến lúc ĐT dự SEA Games, Long Giang cùng với Mai Xuân Hợp trở thành 2 trung vệ không thể thiếu của ĐT.

Vào đến SEA Games, Giang đá trận nào chắc trận ấy và đã xoá luôn “cái dớp” bị hạ gục tại bán kết - cái dớp gắn liền với quả Penalty tang tóc ở SEA Games 24, 2 năm về trước. Lần này, qua vòng bán kết, Giang cùng các đồng đội tự tin vào một chiến thắng bằng vàng trước kèo dưới U.23 Malaysia. Và nếu qua được kèo ấy, nếu U.23 Việt Nam chính thức giật vàng thì xem như mối hận SEA Games âm ỉ trong lòng Giang suốt 2 năm sẽ được xoá sạch hoàn toàn. Nhưng kết cục trận chung kết ấy ra sao thì mọi người đều đã biết: Mai Xuân Hợp đá phản lưới nhà, U.23 Việt Nam thua trận, và ngậm ngùi nhìn đối thủ đăng quang.

Trong cái khoảnh khắc người Malaysia hân hoan với ngôi vua khu vực, rất nhiều cầu thủ Việt Nam lại ôm mặt khóc. Và Giang cũng khóc. Giọt nước mắt bây giờ có thể chát đắng hơn, tức tưởi hơn, căm hận hơn so với giọt nước mắt 2 năm về trước...

Và lần cuối rửa hận cho tất cả?

Bây giờ U.23 Việt Nam lại chuẩn bị tham dự một kỳ SEA Games nữa. Với Long Giang thì đấy là kỳ SEA Games thứ 3, cũng đồng thời là kỳ SEA Games cuối cùng trong cuộc đời cầu thủ. VFF Cup 2009 vừa qua - giải đấu có ý nghĩa tập huấn cho chiến trường SEA Games, Giang đá chính 2 trận và vào sân thay người 1 trận. Trong tất cả những trận đấu ấy, mặc dù phải chơi bóng với cái đầu gối băng trắng vì chấn thương nhưng Giang vẫn đá rất chắc và rất nhiệt. Nhiệt tới mức, có lần thậm chí đã phải nhận thẻ vàng sau một pha cản phá quá mức cần thiết. Nhìn chung thì với kinh nghiệm SEA Games hơn hẳn các đồng đội, kể cả đội trưởng Phạm Thành Lương, Long Giang bây giờ chính là một thủ lĩnh đích thực trong hệ thống phòng ngự của ĐT U.23 Việt Nam.

Sau trận Việt Nam - Malaysia vừa rồi, trận đấu cuối cùng tại VFF Cup, trận đấu mà Việt Nam đã không thể giành chiến thắng để giật ngôi vô địch, thấy Giang ngồi lặng câm ở trên đường piste. Lúc ấy không biết những mảnh ký ức buồn bã đến từ bán kết SEA Games 24, rồi chung kết SEA Games 25 có vô tình hiện về, chợn vợn trong lòng Giang? Lúc ấy, cái hình ảnh buồn bã đến từ cú Penalty hỏng ăn trên đất Thái, rồi cú đá bóng phản gôn nhà trên đất Lào, liệu có sống dậy - hãi hùng, ám ảnh trong tâm trí Giang? Và nếu đúng là nó hiện về, thì lúc ấy, Giang dự cảm gì cho mình và cho tiền đồ của ĐT tại SEA Games 26? Hôm qua, hỏi Giang câu hỏi này thì nghe anh trả lời bằng cái giọng trầm trầm quen thuộc: “Dẫu sao thì VFF Cup cũng chỉ là một giải đấu tập huấn. Em tin là ở SEA Games tới chúng em sẽ chơi tốt, sẽ gặp may, và sẽ làm tất cả để hoạt HCV”. Nói đến chữ “HCV” thấy Giang chợt mím môi - cái mím môi chất chứa trong nó rất nhiều quyết tâm, rất nhiều nghị lực!

4 năm về trước, đã khóc hận sau một quả Penalty nghiệt ngã ở bán kết SEA Games, 2 năm về trước cũng đã khóc hận sau một bàn thua không tưởng ở trung kết SEA Games. Bây giờ, trước kỳ SEA Games cuối cùng đời cầu thủ, hơn lúc nào hết, Giang muốn cái sân chơi định mệnh này rồi sẽ trả cho mình tất cả.

Cầu trời phù hộ Long Giang...!

Cầu thủ Việt Nam với nỗi đau SEA Games cuối

Trước thềm SEA Games 25 năm 2009, tiền đạo Phan Thanh Bình đã hạ quyết tâm sẽ cùng các đồng đội giật HCV. Bình quyết tâm như vậy là bởi mặc dù đã nổi danh từ năm 17 tuổi, và đã trải qua 3 kỳ SEA Games trước đó, nhưng chưa bao giờ anh chạm đỉnh vàng, dù có lúc chỉ cách nó một gang tay. Nhưng tiếc cho Bình khi SEA Games 25, bóng đá Việt Nam lại một lần nữa lỗi nhịp ở SEA Games, và Bình một lần nữa lại đau nỗi đau người tay trắng.

Trước đó, SEA Games lần thứ 20 năm 1999 ở Brunei, không riêng một cầu thủ nào mà cả một thế hệ vàng của BĐVN cũng đã xác định đấy là kỳ SEA Games cuối đời. SEA Games ấy, trong “trận đánh cuối đời” của những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Như Thuần, Quang Hà... ĐTVN đá ấn tượng đến mức đã lọt vào chung kết mà không để lọt lưới dù chỉ 1 bàn. Nhưng nghiệt là trong trận chung kết với Thái Lan, chúng ta lại thua đau 2 bàn, và cái quyết tâm “đoạt vàng trong SEA Games cuối” của cả một thế hệ đã tan tành khói mây.

Có lần ngồi nói chuyện với cựu danh thủ Hồng Sơn thấy anh xuýt xoa rất nhiều về nỗi đau của kỳ SEA Games cuối. Và Sơn mong rằng nỗi đau ấy rồi sẽ được những thế hệ đàn em rửa sạch. Tiếc là đến lúc này - trước thềm SEA Games 26, vẫn chưa có người rửa trọn nỗi đau như sự kỳ vọng, gửi gắm của Hồng Sơn.