Nguyên tắc bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Xin luật sư cho biết, việc ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử được tiến hành như thế nào? Nguyên tắc bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp? Phạm Quang Toàn (Hà Nội)
Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân (Ảnh minh họa)

Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân (Ảnh minh họa)

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, theo khoản 2, Điều 10 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) thì tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội.

Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được tính căn cứ theo số dân, do Hội đồng bầu cử quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và được công bố chậm nhất 80 ngày trước ngày bầu cử.

Đối với bầu cử đại biểu HĐND, theo khoản 3, Điều 10 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử do Ủy ban bầu cử ở cấp đó ấn định theo đề nghị của UBND cùng cấp và được công bố chậm nhất là ngày 4-3-2021..

Về nguyên tắc bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, Điều 69, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định, nguyên tắc bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp là: Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND; Cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định, khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác. Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri. Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.