Nguyễn Phan Quế Mai: Phía sau thi ca

ANTĐ - Hơn 10 năm xa xứ, bỗng một ngày Nguyễn Phan Quế Mai trở về và tỏa sáng. Độc giả biết đến một Quế Mai đằm thắm với những vần thơ về Hà Nội, về những nỗ lực không biết mệt mỏi của chị nhằm quảng bá văn học Việt ra nước ngoài, hay một Quế Mai với những hoạt động xã hội ý nghĩa… Nhưng còn một góc riêng về cuộc đời chị thì không mấy người tỏ tường.

Quế Mai trình diễn thơ trên Sân thơ trẻ 360 độ


Lam lũ ở hai đầu đất nước

Giọng nói đặc sệt chất Nam bộ, gia đình hiện cư trú tại Bạc Liêu, nhiều người nhầm tưởng Nguyễn Phan Quế Mai là dân Nam. Thế nhưng ít người biết rằng chị quê gốc Yên Mô, Ninh Bình. Năm lên 3 tuổi, Quế Mai theo cha mẹ vào Bạc Liêu. Cuộc sống mới khiến cô bé có cái tên giản dị Nguyễn Thị Quế như cá bị nhấc ra khỏi nước. Lạ thung thổ, lạ giọng nói, lạ bạn bè, lạ cả những trò chơi con trẻ...

Và chính cái vùng đất mới đó để lại cho chị những kỷ niệm buồn. Học tại trường mà chính mẹ mình làm hiệu trưởng nhưng cô học trò Quế vẫn nhận được những ánh mắt thiếu thân thiện của bạn bè, dù cô học rất giỏi. Tai họa ập xuống khi mẹ cô bị bể họ, nhà cửa không còn, bố mẹ phải mua một miếng đất ao đào một nửa đắp lên nửa còn lại tôn nền để dựng một căn nhà bé xíu. Mẹ cô phải thôi dạy học đi bán kem, đau đớn dằn vặt nhất là khách hàng của bà phần lớn là những... học sinh cũ. Còn cô ngoài giờ đi học cũng phải đi bán thuốc lá dạo phụ giúp gia đình… Cuộc sống cứ thế trôi đi. Đỗ hai trường đại học cùng lúc, cô sinh viên Nguyễn Thị Quế lại một mình bươn chải đất Sài Gòn, lo kiếm tiền để học. Nhưng cũng nhờ những năm tháng vật lộn với cuộc sống đã tiếp cho cô thêm nghị lực để vươn lên. Một năm sau, Quế giành được học bổng phát triển của Chính phủ Australia và bắt đầu những tháng ngày xa xứ.

Ra đi  và trở về

Lần thứ nhất xa xứ chị là sinh viên quản trị kinh doanh chuyên ngành truyền thông tại trường đại học Monash, Australia. Trong suốt tất cả các năm học, chị đều đặn nhận được giải thưởng sinh viên xuất sắc, và sau hơn 3 năm học, chị đã vượt lên trên hàng trăm sinh viên bản xứ và sinh viên quốc tế để đỗ thủ khoa. Sau khi tốt nghiệp, chị được tập đoàn bảo hiểm quốc tế lớn nhất của Úc nhận vào làm việc. Công việc ổn định, chị vẫn quyết định quay trở về Việt Nam, “vì không gì hạnh phúc hơn là được sống và thở trên đất nước mình”.

Trở về Việt Nam, chị được thả sức phát huy khả năng chuyên môn của mình, và là một trong những giám đốc kinh doanh trẻ và năng động nhất của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vào những năm 1998-2001. Chị đã tham gia xây dựng Luật bảo hiểm Việt Nam và là một trong những người biên soạn và dịch từ điển bảo hiểm Việt-Anh đầu tiên của Việt Nam.

Nhưng rồi số phận đã lại một lần nữa đưa chị xa rời tổ quốc. Lý do xa xứ lần thứ hai này là... theo chồng. Chồng chị làm công tác ngoại giao tại Liên minh Châu Âu, sau khi hết nhiệm kỳ tại Việt Nam anh nhận nhiệm kỳ mới ở Bangladesh. Lần xuất ngoại này thì đúng là “gạt nước mắt theo chồng”, nhất là khi người phục vụ tại khách sạn biết tin vợ chị rời Việt Nam đã mua một bó hoa tươi tặng chị cùng với lời chào tạm biệt.

Bốn năm ở Bangladesh, chị vẫn phát huy được khả năng chuyên môn của mình và là một trong những cán bộ chủ chốt của Trung tâm thông tin, trường Quốc tế Mỹ tại Dhaka (AISD). Chị đã cùng đồng nghiệp tham gia các dự án xã hội, triển khai những chương trình xóa mù chữ ở Bangladesh, một đất nước có tỉ lệ người mù chữ lên đến gần 50 phần trăm.

Trở về Việt Nam vào năm 2006, Nguyễn Phan Quế Mai phụ trách truyền thông cho khu vực Châu Á của tổ chức Phát triển Hà Lan. Công việc của chị bận rộn, dàn trải ở 6 quốc gia khác nhau, với những chuyến công tác nước ngoài liên miên. Lúc đó, thử thách lớn nhất của chị chính là việc cân bằng cuộc sống gia đình và công việc. Chị hạnh phúc khi được tự tay chăm sóc hai con, được nấu những món ăn thuần Việt cho cả gia đình. Nhưng áp lực của công việc và các hoạt động xã hội cũng rất lớn. Chính vào lúc đó, chị tìm đến thơ ca. Bút danh của chị - Nguyễn Phan Quế Mai, được chị ghép lại từ tên của chị, tên chồng và tên con gái. Và cũng từ lúc đó, bạn bè, người thân đều gọi chị với cái tên Quế Mai đầy trìu mến.

Làm thơ để trả nợ

“Tôi là người mắc nợ những mối tình rất đẹp và phải trả nợ bằng những bài thơ.”, Quế Mai đã tự sự như thế về nghiệp thơ của mình. Ngoài ba mươi tuổi mới đến với thơ, nhưng những gì Quế Mai viết ra sớm nhận được sự đồng cảm của bạn đọc. “Trái cấm” ra đời gây chú ý ngay từ bìa sách khi dùng... ảnh nude của NSNA Thái Phiên. Và bất ngờ hơn, sau 5 tháng nó đã được tái bản bởi đặt hàng của Fahasa như một “hiện tượng lạ” đối với các ấn phẩm thơ. Trong ngày thơ Việt Nam năm 2009, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nguyễn Phan Quế Mai xuất hiện trong màn trình diễn thơ trẻ.

Đây cũng như lần chính thức ra mắt làng thơ của chị. “Hãy cứ là những con chim vừa bay vừa hót / Thả xuống đời tiếng ca lảnh lót / Để cỏ giật mình nảy những mầm xuân”. Những lời thơ như tự sự của chị vang lên tại Văn Miếu đánh dấu bước đường thi ca của người con xa xứ đã trở về đất mẹ. Tiếp sau đó là sự ra đời của các tập thơ “Cởi gió” và tập thơ song ngữ “Những ngôi sao hình quang gánh”. Chị cũng là người tích cực trong các hoạt động quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Tại các hội nghị, các sự kiện văn học có yếu tố nước ngoài, Quế Mai sẵn sàng sắm vai phiên dịch. Bên cạnh đó chị cũng tích cực góp phần chuyển ngữ thơ Việt sang tiếng Anh. Trong thời gian ở Việt Nam, Quế Mai đã làm cầu nối và tham gia chuyển ngữ các tác phẩm của một số nhà thơ trong nước như Nguyễn Trọng Tạo, Trần Quang Quý.... Năm 2010, tập thơ “Những ngôi sao hình quang gánh” của chị cũng đã được in song ngữ, việc chuyển ngữ được thực hiện bởi giáo sư Bruce Weigl (Ohio, Mỹ).

Nguyễn Phan Quế Mai (tên khai sinh là Nguyễn Thị Quế) sinh năm 1973 tại Yên Mô - Ninh Bình. Chị đã được tặng Giải thưởng Thơ Hội Nhà văn Hà Nội 2010, Giải nhất cuộc thi Thơ về Hà  Nội 2008-2010, Giải thưởng VHNT Thủ đô năm 2010 của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội. Quế Mai cũng được Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam về những đóng góp xuất sắc cho Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam 2010.