Nguyên nhân nào khiến tiêm kích JF-17 Trung Quốc giá rẻ mà vẫn "ế ẩm"?

ANTD.VN - Mặc dù được quảng cáo có giá thành rất rẻ nếu đặt cạnh những tính năng mà chiến đấu cơ này cung cấp nhưng thực tế lại cho thấy khách hàng nước ngoài tỏ ra rất lạnh nhạt với dòng tiêm kích giá rẻ này của Trung Quốc.

Máy bay tiêm kích đa năng một chỗ ngồi thế hệ 4 JF-17 (FC-1) là sản phẩm hợp tác Trung Quốc - Pakistan được thiết kế như một máy bay chiến đấu có chi phí thấp mà vẫn có thể đáp ứng được các yêu cầu tác chiến hiện đại.

Mục đích khi sản xuất JF-17 của Trung Quốc chủ yếu hướng vào thị trường nước ngoài để thay thế J-7 về cơ bản đã không còn tiềm năng xuất khẩu, loại chiến đấu cơ này không được đưa vào biên chế không quân của họ.

Tiêm kích giá rẻ JF-17 Thunder

Tiêm kích giá rẻ JF-17 Thunder

JF-17 được quảng cáo có tính năng khá tiên tiến: máy bay được trang bị động cơ RD-93 (biến thể của động cơ RD-33 trên MiG-29) có lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội khoảng 8.300 kg giúp máy bay đạt tốc độ Mach 1,8; tầm hoạt động 3.000 km.

Radar KLJ-7 của JF-17 do Viện nghiên cứu công nghệ điện tử Nam Kinh chế tạo có thể theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và tiêu diệt đồng thời 2 mục tiêu, tầm phát hiện mục tiêu phía trước là trên 75 km, phía sau là 35 km, phát hiện mục tiêu trên biển cách 135 km.

JF-17 với 7 giá treo mang được 3,6 tấn vũ khí có điều khiển để làm nhiệm vụ tấn công tiêu diệt mục tiêu trên không, trên đất liền và mặt biển. Đặc biệt, máy bay có giá khá rẻ khi so sánh với các máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ khác.

Tuy nhiên sau rất nhiều nỗ lực giới thiệu quảng bá, hiện tại mới chỉ có không quân Pakistan đã chính thức đưa JF-17 vào biên chế với số lượng lớn, Myanmar chỉ có một phi đội nhỏ còn các quốc gia khác vẫn tỏ ra rất lạnh nhạt với mẫu máy bay này. Thực trạng đó có thể bắt nguồn từ những lý do sau.

Tiêm kích JF-17 của Không quân Pakistan

Tiêm kích JF-17 của Không quân Pakistan

JF-17 có thể coi như một bản nâng cấp toàn diện với công nghệ kết hợp Á - Âu nhằm mục đích thay thế những chiếc MiG-21 đã quá lạc hậu và sắp hết hạn sử dụng tại những nước nghèo. JF-17 thuộc dòng tiêm kích đa năng nhưng khả năng mang vác vũ khí và tầm hoạt động không hơn MiG-21 là bao.

Mặc dù được quảng cáo là có tầm hoạt động lên tới 3.000 km và bán kính chiến đấu 1.400 km nhưng thông số này gây nghi ngờ rất lớn cho các chuyên gia.

Với tầm bay này JF-17 không hề thua kém các máy bay chiến đấu hạng nặng có khoang chứa nhiên liệu lớn như Su-30 hay F-15 trong khi nó là 1 máy bay chiến đấu hạng nhẹ có kích cỡ tương đương F-16 lại chỉ được lắp loại động cơ của dòng MiG-29 nổi tiếng vì hiệu suất kém với những dòng khói đen mù mịt.

Bên cạnh đó, khi mang ra so sánh với 1 chiếc chiến đấu cơ hạng nhẹ tiên tiến khác của Trung Quốc là J-10 có bán kính hoạt động 550 km thì có thể thấy con số về tầm bay trên là sự phóng đại quá đáng.

Khả năng mang vác vũ khí và tầm hoạt động như trên, để thực hiện đúng chức năng của một chiếc máy bay chiến đấu đa năng thì JF-17 sẽ phải đánh đổi khá nhiều, nói cách khác nếu muốn mang nhiều bom hay tên lửa đối đất/ đối hạm thì nó sẽ phải bỏ những thứ khác ở lại nhà.

Đối với nhiệm vụ tiêm kích phòng không, chúng ta cũng có thể thấy khá rõ những hạn chế của JF-17 như radar của máy bay có tầm hoạt động không lớn hơn radar của các bản MiG-21 nâng cấp là bao cộng thêm tốc độ và khả năng leo cao cũng thua kém MiG-21.

Ngoài ra bản nâng cấp JF-17 Block II bây giờ đã có giá lên tới 35 triệu USD, đó là  mức giá chẳng hề rẻ chút nào khi so sánh với tính năng khiến JF-17 lâm vào cảnh “Cao không tới, thấp không xong”.

Các nước nghèo hoặc sẽ cố nâng cấp, kéo dài thời hạn phục vụ của MiG-21 hay J-7, hoặc sẽ chọn mua một loại máy bay đã được kiểm nghiệm thực tế hơn là mua chiếc tiêm kích mới với tính năng cũ và chưa từng trải qua thực tế chiến đấu.

Một lý do nữa cũng rất quan trọng đó là nguồn gốc các trang thiết bị trên JF-17 như chúng ta vẫn thường nói là “năm cha ba mẹ”, đây thực sự là cơn ác mộng khi phải tiến hành hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa, đảm bảo kỹ thuật duy trì chiến đấu đặc biệt khi những quốc gia sử dụng lại có nguồn kinh phí hạn chế.

Nguồn cung phụ tùng thay thế của JF-17 cũng chẳng có gì đảm bảo sẽ luôn sẵn sàng, có thể lấy ví dụ về việc Nga đã cảnh giác và tỏ ý sẽ không cung cấp động cơ RD-93 cho JF-17 nữa khi nhận ra tiềm năng xuất khẩu MiG-29 của mình bị ảnh hưởng.

Không chỉ có vậy, bên cạnh vấn đề hiệu suất, động cơ RD-93 còn bị đánh giá có độ tin cậy không cao, thiếu an toàn, chỉ nên lắp cho máy bay 2 động cơ như MiG-29/35 để đề phòng sự cố.

Với một số lý do trên, có thể thấy trước mắt JF-17 sẽ còn gặp phải muôn vàn khó khăn trên con đường trở thành tiêm kích giá rẻ được ưa chuộng trên thế giới.