Nguyên nhân gây đau răng

ANTĐ - Đau răng có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý khác nhau như sâu răng, viêm lợi, nhiễm trùng, mọc răng… và diễn ra ở nhiều mức độ. Nếu đau răng trở nên trầm trọng thì nguy cơ bị mắc các bệnh nguy hiểm về răng càng cao.

Nguyên nhân gây đau răng ảnh 1

Đánh răng quá mạnh

Việc đánh răng quá mạnh hoặc sử dụng bàn chải lông cứng có thể gây tổn thương răng, làm mòn cấu trúc răng, suy thoái nướu răng. Vì thế, răng bạn rất nhạy cảm khi ăn hoặc uống các thức ăn lạnh. Để khắc phục điều này, hãy dùng bàn chải đánh răng điện tử chất lượng cao hoặc bàn chải có lông mềm.

Bị nhiễm trùng nướu

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), gần một nửa số người Mỹ trưởng thành, 30 tuổi trở lên bị mắc bệnh nha chu, nhiễm trùng nướu. Điều này xảy ra khi vi trùng hoặc vi khuẩn xâm nhập răng. Các nhiễm trùng có thể gây đau hoặc sưng, gây mùi khó chịu trong miệng. Nhiễm trùng nướu nếu không được điều trị có thể dẫn đến áp xe răng. Nha sĩ sẽ phải làm sạch vùng nướu quanh răng bị nhiễm bệnh và kê thuốc kháng sinh và nước súc miệng.

Nhiễm trùng xoang nặng

Nướu có thể bị tổn thương do cơ thể mắc một bệnh nhiễm trùng. Đặc biệt là bệnh cúm, nhiễm trùng xoang có thể gây đau răng. Vì  vậy, thay vì đến gặp bác sỹ nha khoa, bạn cần dùng các loại thuốc như thuốc làm thông mũi và có thể là kháng sinh.

Nghiến răng khi ngủ

Đôi khi chúng ta vô thức nghiến răng trong giấc ngủ, nghiến răng do căng thẳng, giận dữ, lo lắng, khó chịu. Nghiến răng nhiều dần dần sẽ khiến men răng bị tổn thương, vi khuẩn dễ dàng tấn công khiến răng bị mắc các bệnh như sâu răng, viêm lợi, từ đó gây đau răng.

Mọc răng

Mọc răng cũng có thể dẫn đến tình trạng đau răng, đặc biệt là răng khôn. Đây là loại răng cối lớn, mọc ở phía sau răng hàm. Tùy từng người mà loại răng này trong lúc mọc có thể bị kẹt, mọc chen vào các răng bên cạnh, khiến người bệnh có những cơn đau buốt dai dẳng ở hàm. 

Hội chứng khớp thái dương hàm

Khớp thái dương hàm là khớp giữ hàm dưới ăn khớp với sọ. Các bệnh của khớp thái dương hàm có thể dẫn tới đau răng, đặc biệt là đau ở vùng hai bên má. Đau khớp thái dương hàm có thể gây ra bởi chấn thương cấp tính (như va chạm vùng mặt), viêm khớp thoái hóa. Nhưng đôi khi các cơ quanh khớp này được dùng để nhai bị co thắt, gây đau răng, đau đầu và đau cổ.

Răng bị nứt

Nguyên nhân có thể bạn cắn vào vật cứng hoặc do chấn thương khi ngã hoặc tai nạn. Nếu răng bị nứt, răng rất đau khi cắn, nhai, hoặc thậm chí ăn đồ nóng hay lạnh. Nếu răng đã chết, dấu hiệu sẽ bao gồm sự đổi màu trên mặt ngoài của răng. 

Việc điều trị đau răng có thể rất đơn giản nếu xác định được nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, một số cơn đau răng và nhiễm trùng có thể lây lan khắp cơ thể, gây nhiễm trùng lớn hơn, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì vậy, bạn nên đến gặp bác sỹ 6 tháng/lần để tránh những tình huống nghiêm trọng hơn.