Nguyên nhân đau vùng chậu

ANTĐ - Các cơn đau ở phần bụng từ rốn trở xuống có thể là một dấu hiệu liên quan đến hệ thống sinh sản, tiêu hóa hay hệ tiết niệu. Không phải tất cả đều là trường hợp khẩn cấp về y tế nhưng tốt nhất là lưu ý đến các triệu chứng để cùng với bác sỹ tìm hiểu nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau vùng chậu thường gặp.

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nếu bạn bị đau dạ dày liên tục đi kèm với đầy hơi, chuột rút và tiêu chảy hoặc táo bón, có thể đó là Hội chứng ruột kích thích. IBS bao gồm loạt triệu chứng đó mà không cần biết đến nguyên nhân. Giới khoa học cho rằng căng thẳng trong cuộc sống rất có thể “làm bạn” với IBS. Thay đổi lối sống bằng chế độ ăn uống của bạn và giải tỏa căng thẳng có thể giúp kiểm soát triệu chứng của IBS.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Đi tiểu đau hoặc thường xuyên mót tiểu chính là dấu hiệu thường gặp của nhiễm trùng đường tiết niệu, bởi vi khuẩn đi vào đường tiết niệu và gây nhiễm trùng niệu đạo, bàng quang, niệu quản hoặc thận. Bệnh nhân cũng có thể có cảm giác áp lực vùng dưới khung chậu. Nếu nghi ngờ, bạn nên đi kiểm tra sẽ được bác sỹ kê đơn điều trị bằng một số thuốc kháng sinh đơn giản. Đừng để nó tiến triển thành nhiễm trùng thận, được đặc trưng bởi các triệu chứng như sốt, ói mửa, buồn nôn và đau một bên phần lưng dưới.

Viêm ruột thừa: Ruột thừa là một mẩu mô nhỏ hình ống thông với ruột già. Viêm ruột thừa là một tình trạng sưng viêm của ruột thừa, biểu hiện bằng các triệu chứng như đau nhói ở vùng bụng dưới phải (hố chậu phải), nôn mửa, và sốt. Nếu có các triệu chứng này, hãy đưa bệnh nhân đến ngay phòng cấp cứu. Ruột thừa bị nhiễm trùng cần phải được loại bỏ bằng phẫu thuật, nếu không, ruột thừa sẽ vỡ, và vi trùng sẽ lan tràn vào trong ổ bụng, gây nên những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Viêm bàng quang kẽ: Có một tình trạng gọi là viêm bàng quang kẽ liên quan đến viêm lâu ở thành bàng quang. Cơn đau được cảm nhận trong quá trình đi tiểu và quan hệ tình dục, cũng như cảm giác hay mót tiểu, thường là vài lần mỗi giờ trong ngày. Viêm bàng quang kẽ thường không có nguyên nhân cụ thể, phải điều trị mới có thể giảm triệu chứng.

Sỏi thận: Nếu thấy nước tiểu chuyển màu hồng hoặc đỏ, kèm theo đó là đau mạnh đột ngột trong dạ dày hoặc vùng xương chậu, có thể bị sỏi thận. Sỏi thận là những khoáng chất hình thành trong thận và di chuyển đến bàng quang. Chúng có thể chỉ nhỏ như một hạt cát hay lớn như một quả bóng golf, vì vậy nó có thể gây ra những cơn đau. Tùy kích thước và cơ địa mỗi người mà có phương pháp điều trị khác nhau để loại bỏ sỏi thận.

Hội chứng vùng chậu tắc nghẽn: Giãn tĩnh mạch là khi tĩnh mạch trở nên sưng, xoắn và chứa đầy máu. Mặc dù suy tĩnh mạch thường xảy ra ở chân, nó cũng có thể phát triển trong khung chậu, gây ra hội chứng sung huyết vùng chậu. Cơn đau có xu hướng tăng lên khi ngồi hoặc đứng. Nằm xuống giúp giảm bớt sự đau đớn. Có những thủ tục xâm lấn tối thiểu để điều trị hội chứng tắc nghẽn vùng chậu.

Sa cơ quan vùng chậu: Với phụ nữ, đó là khi một số cơ quan như bàng quang, tử cung trượt ra khỏi vị trí bình thường của nó và rơi xuống thấp hơn. Nguyên do là các dây chằng, cơ bắp hỗ trợ các cơ quan này bị suy yếu, thường là do tuổi tác. Người bệnh có thể gặp các dấu hiệu như “đầy” bụng dưới và đau khi giao hợp. Điều trị bệnh có thể cần đến phẫu thuật.

Lạc nội mạc tử cung: Khi các tế bào nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung và tăng trưởng trên buồng trứng, ruột, trực tràng, bàng quang, và trên niêm mạc vùng xương chậu, điều này được gọi là lạc nội mạc tử cung. Đau là triệu chứng quan trọng nhất của lạc nội mạc tử cung. Cơn đau có thể là ở vùng bụng dưới hoặc sau khi quan hệ tình dục. Thật không may, không có cách nào để đảo ngược các sẹo gây ra bởi lạc nội mạc tử cung. Trong trường hợp nặng, có thể phẫu thuật để loại bỏ mô sẹo, nặng hơn có thể phải loại bỏ tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng.

Mô sẹo hoặc dính: Nếu đã có tiền căn phẫu thuật ở vùng chậu hoặc vùng bụng thấp, chẳng hạn mổ viêm ruột thừa, hoặc nhiễm trùng ở khu vực này, có thể sẽ dẫn tới bị đau liên tục do mô sẹo. “Dính” chỉ một loại mô sẹo được hình thành giữa các cơ quan hoặc cấu trúc mà bình thường không có sự nối kết với nhau. Những dính này có thể gây ra đau bụng hoặc vùng chậu dài hạn ở một số người, và thậm chí tắc nghẽn ruột. Trong những trường hợp này, phẫu thuật có thể là cần thiết để gỡ dính.