Nguyên nhân đằng sau sự “tự tuyệt chủng” của chủng siêu lây nhiễm Delta tại Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại sao “làn sóng” đại dịch Covid-19 lần thứ 5, cũng là “làn sóng” dịch lớn nhất của Nhật Bản do biến thể Delta siêu lây nhiễm lại đột ngột kết thúc sau đợt tăng không ngừng. Điều gì đã khiến tình hình dịch bệnh ở đất nước Mặt trời mọc khác biệt hoàn toàn so với các nước phát triển khác vốn đang chứng kiến sự gia tăng đột biến số lượng ca nhiễm?
Giáo sư Ituro Inoue, Nhật Bản chứng kiến sự “biến mất kinh ngạc” của biến thể Detal

Giáo sư Ituro Inoue, Nhật Bản chứng kiến sự “biến mất kinh ngạc” của biến thể Detal

Virus phải vật lộn để “tự sửa chữa” dẫn đến “tự tuyệt chủng”

Theo các nhà nghiên cứu, câu trả lời đáng ngạc nhiên có thể là biến thể Delta của virus gây Covid-19 đã tự bảo vệ bằng cách “tự tiêu diệt chính mình”. Ba tháng sau khi biến thể Delta gây ra số ca nhiễm kỷ lục, lên tới gần 26.000 ca trên toàn quốc mỗi ngày, các ca nhiễm Covid-19 mới ở Nhật Bản đã giảm mạnh, xuống dưới 200 ca trong những tuần gần đây. Cùng với sự sụt giảm mạnh đó là trên thực tế lần đầu tiên trong khoảng 15 tháng qua, nước này đã không ghi nhận ca tử vong nào vào ngày 7-11 vừa qua.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra nhiều khả năng khác nhau, trong đó phải kể tới Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong số các nước phát triển với 75,7% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Ngoài ra, các yếu tố khác bao gồm việc người dân nước này tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang nghiêm túc. Tuy nhiên, lý do chính được cho là có thể liên quan đến những thay đổi gene mà virus SARS-CoV-2 trải qua trong quá trình biến đổi với tốc độ khoảng hai đột biến mỗi tháng. Theo Giáo sư Ituro Inoue tại Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản, biến thể Delta ở Nhật Bản đã tích lũy quá nhiều đột biến đối với protein không cấu trúc, sửa lỗi của virus có tên là nsp14. Kết quả là, virus phải vật lộn để “sửa lỗi” trong một khoảng thời gian, cuối cùng dẫn đến “tự hủy diệt”.

“Trong quá trình virus đột biến, protein nsp14 được cho là sẽ giúp bộ gene virus “tự hiệu đính lỗi” để tránh “thảm họa”. Nhưng với “làn sóng” Covid-19 thứ năm ở Nhật Bản, protein nsp14 của biến thể Delta có thể đã thất bại trong việc này” - Giáo sư Inoue lập luận. Nhóm chuyên gia gọi đột biến có liên quan đến protein sửa lỗi là A394V. Hiện, Giáo sư Inoue và các đồng nghiệp đang nghiên cứu các đột biến của virus SARS-CoV-2, cũng như cách virus này bị ảnh hưởng bởi protein nsp14.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều người ở châu Á - khác với người dân châu Phi và châu Âu, có một loại enzym phòng vệ gọi là APOBEC3A tấn công các virus RNA, bao gồm cả virus SARS-CoV-2 gây ra Covid-19. Vì vậy, các nhà nghiên cứu từ Viện Di truyền Quốc gia và Đại học Niigata đã bắt đầu khám phá cách thức protein APOBEC3A ảnh hưởng đến protein nsp14 và liệu nó có thể ức chế hoạt động của virus hay không. Nhóm đã tiến hành phân tích dữ liệu đa dạng di truyền của các biến thể Alpha và Delta từ các mẫu bệnh phẩm ở Nhật Bản từ tháng 6 đến tháng 10-2021. Họ chỉ ra rằng, mối quan hệ giữa các trình tự DNA của virus SARS-CoV-2 để thể hiện sự đa dạng di truyền trong một sơ đồ được gọi là mạng haplotype. Mạng haplotype chỉ có hai nhóm chính và các đột biến dường như đột ngột dừng lại ở giữa quá trình phát triển của nó. Khi các nhà nghiên cứu tiếp tục kiểm tra enzyme sửa lỗi nsp14 của virus, họ phát hiện ra rằng phần lớn các mẫu nsp14 ở Nhật Bản dường như đã trải qua nhiều thay đổi di truyền tại các vị trí đột biến được gọi là A394V.

Giáo sư Inoue nói: “Chúng tôi thực sự bị sốc khi phát hiện ra những điều này. Biến thể Delta ở Nhật Bản dễ lây truyền đến mức có thể nhanh chóng leo lên ngôi thống trị. Nhưng khi các đột biến chồng chất lên nhau, chúng tôi tin rằng virus đã bị lỗi và không thể tự tạo ra các bản sao của chính nó. Xem xét các trường hợp không gia tăng, chúng tôi nghĩ rằng tại một số thời điểm trong quá trình đột biến như vậy, sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng tự nhiên của virus”.

Lý giải liên quan đến sự biến mất của virus SARS 2003

Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới có tỷ lệ tiêm chủng cao tương tự Nhật Bản, bao gồm cả Hàn Quốc và một số nước châu Âu, đang phải hứng chịu những đợt lây nhiễm mới kỷ lục, thì Nhật Bản dường như là một trường hợp đặc biệt khi số ca nhiễm Covid-19 giảm mạnh mặc dù sau khi tình trạng khẩn cấp chấm dứt, các chuyến tàu điện vẫn đông đúc và nhà hàng đông khách. Giáo sư Inoue cho biết: “Nếu còn virus, số ca nhiễm chắc chắn sẽ tăng lên vì việc giãn cách và tiêm chủng không ngăn ngừa được sự lây nhiễm đột phá trong một số trường hợp”.

Theo Giáo sư Takeshi Urano, Khoa Y của Đại học Shimane, sự sụt giảm bất ngờ của các ca bệnh mới sau làn sóng gia tăng vào mùa hè đã là chủ đề thảo luận của nhiều chuyên gia. “Nsp14 hoạt động với các protein virus khác và có chức năng quan trọng để bảo vệ ARN của virus không bị phá vỡ,” ông Urano nói khi được hỏi về phát hiện của Inoue. “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng virus nsp14 bị tê liệt có khả năng tái tạo giảm đáng kể, vì vậy đây có thể là một yếu tố đằng sau sự sụt giảm nhanh chóng các ca nhiễm mới. Nsp14 có nguồn gốc từ virus, và tác nhân hóa học để hạn chế protein này có thể trở thành một loại thuốc đầy hứa hẹn trong tương lai”. Theo Giáo sư Inoue, một sự tuyệt chủng tự nhiên tương tự của virus SARC- CoV-2 có thể xảy ra ở một số nước khác, tuy nhiên việc phát hiện ra điều đó sẽ khó khăn vì không quốc gia nào có nhiều đột biến trong virus nsp14 như ở Nhật Bản, mặc dù các đột biến tương tự A394V đã được phát hiện ở ít nhất 24 quốc gia.

Những nghiên cứu của Giáo sư Inoue cũng có thể giúp giải thích lý do tại sao đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính SARS hồi năm 2003 cũng đột ngột kết thúc. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm cho thấy đột biến nsp14 trong virus gây dịch SARS cũng không thể tự tái tạo khi các đột biến chồng chất lên nhau. Tuy nhiên do đợt bùng phát SARS 2003 chấm dứt tương đối nhanh chóng, nên các chuyên gia không thể thu thập đủ dữ liệu di truyền để xác thực giả thuyết này.

Kể từ khi đạt đỉnh vào giữa tháng 8-2021, số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận hàng ngày ở Nhật Bản tiếp tục giảm xuống dưới 5.000 vào giữa tháng 9 và dưới 200 vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, theo Giáo sư Inoue, Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất so với bất kỳ quốc gia phát triển nào, nhưng không thể miễn nhiễm với làn sóng đại dịch tiếp theo, các biến thể mới vẫn có thể xâm nhập Nhật Bản, đảo ngược thành quả chống dịch.

Một số người cho rằng, liệu sự tự tuyệt chủng của biến thể Delta ở Nhật Bản có phải do điều gì đó đặc biệt trong cấu tạo gene của người Nhật hay không, nhưng Giáo sư Inoue bác bỏ điều này: “Tôi không nghĩ vậy. Những người ở Đông Á, chẳng hạn như người Hàn Quốc cũng có nhiều điểm tương đồng, nhưng tôi không biết tại sao điều này lại chỉ diễn ra ở Nhật Bản”. Giáo sư Inoue cho biết nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Di truyền Quốc gia và Đại học Niigata có kế hoạch công bố nghiên cứu về những phát hiện của họ vào cuối tháng 11 này.