Nguyên nhân chính dẫn đến những thảm họa hàng không thảm khốc

ANTD.VN - Trong khi thiết kế máy bay ngày càng trở nên an toàn, tỷ lệ tai nạn do phi công gây ra lại tăng và chiếm khoảng 50% số vụ máy bay rơi.

Như ANTĐ đã đưa tin, vào lúc 23h03 đêm 29-11, chuyến bay VJ356 của hãng hàng không Vietjet từ TP.CHM đi Buôn Mê Thuột đã gặp sự cố nghiêm trọng, làm nhiều hành khách bị thương.

Cụ thể, 2 bánh trước của tàu bay đã bị mất trong quá trình hạ cánh, tạo ra tiếng động lớn. Toàn bộ hành khách trên chuyến bay hoảng loạn, gào khóc, xô đẩy nhau.

Theo Zing, tối 30-11, Cục hàng không Việt Nam xác nhận việc loại trừ nguyên nhân sự cố do lỗi kỹ thuật của máy bay Vietjet khi hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột đêm 29-11.

Máy bay trước khi bị sự cố ở trong tình trạng tốt, không có lỗi kỹ thuật. Ảnh: Thu Tuyết

Cơ quan chức năng đã làm việc với phi hành đoàn gồm cơ trưởng người Philippines và cơ phó người Tây Ban Nha, đồng thời kiểm tra hộp đen của máy bay. Ngày 1-12, đoàn chuyên gia của hãng sản xuất máy bay Airbus đến Việt Nam để phối hợp điều tra, khắc phục hư hỏng máy bay.

Lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam cho biết máy bay trước khi bị sự cố ở trong tình trạng tốt, không có lỗi kỹ thuật. Điều kiện thời tiết khi hạ cánh cũng tốt.

Trước khi hạ cánh, phi công không yêu cầu mặt đất hỗ trợ kỹ thuật. Do yếu tố kỹ thuật được loại trừ nên Cục Hàng không cũng không yêu cầu dừng khai thác các máy bay cùng loại tại Việt Nam để kiểm tra.

Lốp máy bay được tìm thấy trong sân bay Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thu Tuyết

Nói về nguyên nhân bánh máy bay bị văng ra khỏi càng, đại tá Nguyễn Thành Trung, cựu phi công hàng không dân dụng của Việt Nam đã nêu ra 2 giả thuyết.

Giả thuyết đầu tiên là máy bay gặp lỗi kỹ thuật khiến bánh văng khỏi càng. Nếu lỗi này có từ trước khi máy bay cất cánh thì không thể quy trách nhiệm cho tổ bay. Giả thuyết thứ 2 là phi công hạ cánh sai kỹ thuật khiến lốp máy bay văng ra khỏi càng.

"Nguyên tắc khi hạ cánh là 2 càng sau phải tiếp đất trước, sau đó đến càng trước. Thực tế có trường hợp phi công để máy bay tiếp đất với 3 càng cùng lúc, hoặc tệ hơn, càng trước tiếp đất đầu tiên rồi mới đến 2 càng sau", ông Trung chia sẻ.

Điều này khiến càng trước của máy bay phải chịu một lực tác động lớn hơn bình thường. Khi vượt ngưỡng chịu tải, bánh máy bay sẽ văng ra hoặc càng sẽ bị gãy.

Thông tin trên Báo Thanh niên cho biết, chiếc máy bay A356 gặp sự cố đêm 29-11 khi từ TP.HCM bay về Buôn Ma Thuột thuộc dòng máy bay A321neo mà Vietjet mới nhận về từ nhà sản xuất Airbus. Vietjet là một trong những hãng hàng không vận hành loại máy bay này sớm nhất. Theo nhà sản xuất Airbus, đây là dòng máy bay an toàn, hiện đại và tiết kiệm nhiên liệu nhất trong gia đình máy bay A320.

Tuy hiện chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra sự cố của máy bay Vietjet vừa qua, nhưng trên thực tế, đã từng có nhiều thảm họa hàng không thế giới xảy ra, mà nguyên nhân chủ yếu chính là do lỗi của con người.

5 nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến những thảm họa hàng không

Lỗi do phi công

Trong khi thiết kế máy bay ngày càng trở nên an toàn, tỷ lệ tai nạn do phi công gây ra lại tăng và chiếm khoảng 50% số vụ máy bay rơi. Máy bay là những cỗ máy phức tạp đòi hỏi nhiều kỹ năng điều khiển. Do phi công có vai trò gắn liền với máy bay ở mọi giai đoạn bay, nguy cơ mắc lỗi vận hành rất lớn, từ lập trình sai máy tính kiểm soát chuyến bay (FMC) đến tính toán nhầm lượng nhiên liệu cần thiết khi cất cánh, theo IFL Science.

Đặc biệt, phi công là người cuối cùng có thể cứu cả chuyến bay khi sự cố xảy ra. Vào tháng 1-2009, một chiếc máy bay Airbus A320 đâm vào một đàn ngỗng trên bầu trời thành phố New York, Mỹ, dẫn đến động cơ ngừng hoạt động. Cơ trưởng Chesley Sullenberge phải cân nhắc một số phương án và hành động khẩn cấp. Với kinh nghiệm bay lâu năm và hiểu biết về khả năng vận hành của chiếc máy bay, ông chọn cách đáp xuống sông Hudson và cứu sống 150 hành khách.

Thiết bị hỏng hóc

Ngày nay, động cơ máy bay đã trở nên an toàn hơn cách đây nửa thế kỷ, nhưng lỗi vận hành đôi khi vẫn xảy ra. Thiết bị hỏng hóc chiếm khoảng 20% số vụ tai nạn máy bay.

Các điều tra viên Indonesia đang xem động cơ máy bay JT610 trục vớt được dưới biển

Chiếc máy bay mang số hiệu JT610 của Lion Air (Indonesia) đã bị mất liên lạc và rơi xuống biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta để tới Pangkal Pinang sáng 29-10-2018 khiến cả 189 người có mặt trên máy bay đều thiệt mạng.

Theo CNN, dữ liệu thu được từ hộp đen máy bay cho thấy, các phi công đã phải liên tục chống lại một hệ thống an toàn tự động có tên gọi là MCAS cài đặt sẵn trên mẫu Boeing 737 MAX 8, vốn đẩy mũi máy bay chúi xuống dưới tới hơn 20 lần. Hệ thống MCAS tự động kích hoạt khi xuất hiện thông tin lỗi, vốn cho rằng mũi máy bay đang nghiêng ở góc cao hơn thực tế, ám chỉ máy bay có nguy cơ ngưng hoạt động.

Thời tiết

Thời tiết xấu là thủ phạm gây ra 10% số vụ tai nạn máy bay. Dù có nhiều thiết bị điện tử hỗ trợ như la bàn hồi chuyển, định vị vệ tinh và kết nối dữ liệu thời tiết, máy bay vẫn dễ bị ảnh hưởng trong điều kiện bão, tuyết và sương mù.

Một trong những tai nạn máy bay do thời tiết xấu nổi tiếng nhất xảy ra vào tháng 2-1958, khi chiếc máy bay chở khách hai động cơ của hãng hàng không British European Airways rơi trong khi đang cất cánh từ sân bay Munich - Riem. Trong số 23 hành khách thiệt mạng, có nhiều cầu thủ chơi cho Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United. Các điều tra viên đưa ra giả thuyết máy bay bị chậm tốc độ do tuyết tan mềm trên đường băng, khiến nó không thể đạt tốc độ cất cánh.

Hành động phá hoại

Khoảng 10% tai nạn máy bay do hành động phá hoại gây ra. Tương tự sét đánh, nguy cơ gắn liền với hành động phá hoại thấp hơn so với suy nghĩ của nhiều người. Tuy nhiên, những vụ việc do không tặc gây ra thường gây chú ý.

Tháng 9-1970, vụ không tặc bắt cóc và cho nổ tung ba chiếc máy bay chở khách đến Dawsons Field ở Jordan trước ống kính truyền thông trở thành khoảnh khắc đẫm nước mắt trong lịch sử ngành hàng không. Sự kiện 11-9, trong đó một nhóm không tặc cướp gần như đồng thời 4 máy bay chở khách hiệu Boeing trên đường bay nội địa của Mỹ cũng khiến cả thế giới chấn động vì mức độ thương vong và thiệt hại gây ra.

Các rủi ro khác do lỗi của con người

Các vụ tai nạn máy bay còn lại (10%) đều bắt nguồn từ những lỗi khác của con người, như nhầm lẫn của kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều vận, tải hàng, tiếp nhiên liệu hoặc kỹ sư bảo dưỡng. Đôi khi do phải làm việc theo ca dài, kỹ sư bảo dưỡng có thể mắc lỗi dẫn đến tai họa lớn.