Nguyên lý vận hành báo chí và sự nghịch lý 4.0

ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 trở thành “trend” (xu hướng) thông tin phổ biến khắp mặt báo từ đầu năm tới nay. Bên cạnh sắc thái tiêu cực vốn có, thứ dịch bệnh lần đầu xuất hiện trong lịch sử mang tới “tác động” khác, khiến chúng ta nhìn lại nhiều thứ một cách thẳng thắn, rõ ràng hơn. Trong đó, nghề báo là một trong những lĩnh vực khiến người ta phải nhìn lại, suy ngẫm trong và sau đại dịch. Vậy điều đó là gì?

Thời báo in là lúc “nguyên tắc thị trường” báo chí được đảm bảo, khi độc giả - khách hàng trả phí cho thông tin

Nghịch lý của báo chí thời 4.0

Từ đầu năm 2020 tới nay, chưa bao giờ người ta thấy một “trend” thông tin dai dẳng, đáng lo ngại như Covid-19. Vì là dịch bệnh chưa - từng - có - trong -  lịch - sử, Covid-19 đã gây ra những tác động ngoài sức tưởng tượng.

Trong đó, có một tác động không biết nên gọi là vui hay buồn với người làm báo: Lượng truy cập tăng vọt (do người dân thực hiện giãn cách xã hội, ở nhà và đọc thông tin nhiều hơn) - Sự trông chờ tin tức chính thống để đập tan tin giả (fake news) cũng tăng vọt - Nhưng thu nhập của đa số phóng viên, biên tập viên thì... lao dốc! Tăng trưởng của báo chí hiểu theo nghĩa của ngành ngoài là lượng đọc tăng lên, số độc giả trung thành tăng lên, nhưng nó lại tỷ lệ nghịch với... doanh thu. Điều này chắc chỉ người trong ngành mới hiểu! 

Thực ra, không chờ tới đại dịch Covid-19, người làm báo từ lâu đã nhìn ra thứ nghịch lý của báo chí thời 4.0: Lượng “view” cao - độc giả nhiều, nhưng... thu nhập không trực tiếp từ đây mà ra. Bởi độc giả đâu phải trả tiền mua thông tin khi đọc báo. Có thể coi báo chí là loại hình truyền thông “đặc biệt”, trong đó, “khách hàng” là độc giả nói chung, nên người ta vẫn hay nghe những cụm từ “sứ mệnh phục vụ xã hội, bạn đọc” là vì thế. Nhưng khi báo chí chuyển sang loại hình điện tử, coi đây là kênh thông tin chủ lực, thì “nguyên tắc thị trường” bị bóp méo: “Khách hàng” nhận sản phẩm hoàn toàn miễn phí, không phải trả bất kỳ khoản tiền nào cho sản phẩm được nhận.

Còn nhớ, cách đây hàng chục năm, khi báo giấy là loại hình thông tin thịnh hành, “nguyên tắc thị trường” lúc đó được đảm bảo, thì đấy thực sự là khoảng thời gian cực thịnh của hầu hết các tờ báo. Dù chỉ bỏ ra vài nghìn đồng cho một tờ báo giấy, nhưng độc giả - những khách hàng thực sự - đã góp phần đáng kể vào doanh thu của tờ báo, giúp “nuôi sống” tờ báo và các nhà báo một cách tích cực. 

Khi báo chí chuyển mình sang loại hình điện tử, nhiều người đã nhầm tưởng doanh thu quảng cáo sẽ “gánh” mọi chi phí, và độc giả được mời chào đọc miễn phí mọi nội dung... Theo thời gian, tư duy này càng ngày càng bộc lộ rõ sự thiếu sót, bởi một khi không duy trì được nguồn thu “gốc”, mọi thứ trở nên rất khó khăn. Đó là chưa kể, khi báo chí coi quảng cáo là nguồn thu chính (đặc biệt với loại hình báo điện tử) thì khi đó, những tiêu chí về sứ mệnh phục vụ xã hội sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Bởi một khi đã chi tiền quảng cáo, có doanh nghiệp nào hào hứng đón đọc thông tin tiêu cực về họ trên mặt báo? Cũng bởi thế, Covid-19 khiến mọi người thấy rõ hơn về nghịch lý mà báo chí phải đối mặt: Lượng đọc tăng vọt, nhưng doanh nghiệp khó khăn, dẫn tới nguồn tiền đầu tư cho quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng khiến báo chí cũng... lao đao.

Phóng viên Trung Hiếu

Trăn trở của những người làm báo 

Tôi làm việc cả 7 ngày mỗi tuần, thường xuyên thức tới 3 giờ sáng để hoàn thành bài vở và dậy lúc 7 giờ sáng để tiếp tục công việc. Xét về mức độ cần mẫn, độ đào sâu tư duy (làm báo cần sự nhanh nhạy nắm bắt thông tin, sáng tạo góc khai thác, tác nghiệp và xử lý dữ liệu), thì người làm báo không hề kém cạnh những người làm các ngành nghề nặng chất xám khác. Nhưng xét mức thu nhập, chắc chắn người làm báo chạnh lòng.

Khi chia sẻ về nghề, tôi thường đề cập tới khái niệm “nghề mất trend” để nói về nghề báo. “Nghề mất trend” được hiểu là nghề không phù hợp với thời cuộc, hoặc có những nghịch lý với thời cuộc. Trong đó, người làm bỏ ra cùng một sức lao động (công sức, trí tuệ) nhưng mức thu nhập lại vênh nhau rất nhiều... Nỗi trăn trở về nghề càng lớn hơn, khi tôi chứng kiến một sự đảo chiều chưa từng có tại các trường đại học đào tạo chuyên ngành báo chí. Có cơ duyên tiếp xúc, hướng dẫn các sinh viên báo, tôi nhận thấy tỉ lệ các bạn học nghề báo và có ý định theo nghề giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đa số các bạn lựa chọn chuyển sang làm truyền thông ngay từ năm thứ 3, thứ 4, hoặc định hướng một ngành nghề khác, vì tự họ cảm nhận được nỗi vất vả và thu nhập của nghề báo hiện nay. Điều này trái ngược hẳn với thực tế trước đây, khi báo in thịnh hành, người làm báo có nguồn thu nhập ổn định... Ngay chính những đồng nghiệp từng làm nghề cùng tôi, giờ không ít người cũng chuyển sang công việc kinh doanh hoặc những việc khác “hợp trend” hơn.

Tất cả những trăn trở, nghịch lý trên sẽ được giải quyết một cách tự nhiên và logic, khi có cơ chế thu phí báo chí và độc giả hiểu giá trị của việc trả phí. Khi đó, mỗi tờ báo sẽ tự tìm cách đẩy mạnh chuyên môn, sản xuất thông tin riêng, có bản sắc và chất lượng. Rõ ràng, đó là nguyên lý vận hành báo chí chuẩn mực nhất để tất cả cùng phát triển. Vậy nhưng, không phải độc giả nào cũng hiểu và sẵn sàng trả tiền để đọc báo, dù trước kia, họ từng quen với việc bỏ vài nghìn đồng để mua một tờ báo cầm tay. Và hơn hết, việc thu phí độc giả cần được các tờ báo đồng lòng, nhất quán, nếu không, nghề báo vẫn cứ tồn tại dai dẳng thứ “nghịch lý 4.0” đã đề cập ở trên.

                  *   *   *

Báo chí luôn có chỗ đứng riêng. Đúng. Người ta từng nói, sự phát triển của báo chí là một trong những thước đo đánh giá sự phát triển của quốc gia. Bởi báo chí là thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, là yếu tố giúp xây dựng cuộc sống văn minh hơn. Xã hội luôn cần thông tin chính xác, là kết quả của quá trình tác nghiệp chuyên nghiệp, tư duy xử lý vấn đề - dữ liệu một cách hợp lý, và kỹ năng diễn đạt súc tích, chuẩn mực. Báo chí không thể bị thay thế bởi những Facebooker, YouTuber... như nhiều người lầm tưởng, bởi một nhà báo thực sự mới biết quy trình tác nghiệp ra sao để có thông tin chính xác và chuẩn mực, thay vì cầm chiếc “smartphone” lên và vẽ ra những “fake news” thiện kiến, lệch lạc.