Nguyễn Khắc Phục - người hùng văn chương có tấm lòng hào hiệp

ANTĐ - Tôi cùng nhà thơ Trần Nhương vào Hà Đông thăm nhà văn Nguyễn Khắc Phục trong căn hộ nhỏ một khu chung cư. Người hùng văn chương đã chống chọi với bệnh ung thư 2 năm nay. Nhưng ông may mắn được người vợ trẻ hết lòng chăm sóc.

Nguyễn Khắc Phục - người hùng văn chương có tấm lòng hào hiệp ảnh 1Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (bên phải) cùng tác giả Tân Linh tại triển lãm của nhà văn Nguyễn Khắc Phục năm 2008

Sự bù trừ của hai tâm hồn nghệ sỹ

Tôi chúc mừng ông và nhà thơ Trang Thanh bởi hạnh phúc muộn màng của họ với tình yêu và sự bù trừ nhau của 2 tâm hồn nghệ sĩ. Trang Thanh hát ca khúc mới sáng tác của mình tặng chồng làm ông cảm động. Bài hát nhẹ nhàng với giai điệu thiết tha, sâu lắng: “Anh đừng xa em nhé anh/Ngoài kia đang đêm bão giông/Đường mơ ta chưa đi hết… Anh đừng đi đâu nhé anh/Ở bên em đây yên lắng/Về bên sông mây trắng/Chiều tương tư mắt cay…”. Điều không bất ngờ giữa cặp đôi này là bởi cả 2 người, cuộc đời đều từng gặp những éo le, trắc trở. Cuộc chắp nối này tưởng chênh vênh bởi tuổi tác, nhưng chính tâm hồn đồng điệu và tình thương yêu đã gắn kết họ với nhau.

Nhìn gia đình nhỏ đầy ắp niềm vui sống ấy, ai biết được họ từng trải qua những dị nghị, cùng sự nghi ngờ, ngăn cản… Bây giờ mang trọng bệnh, ông bảo người thua thiệt nhiều, chính là Trang Thanh - người đàn bà làm thơ. Có lẽ sự đa đoan, lòng bao dung nhân hậu trong chị đã chiến thắng mọi khó khăn và trở ngại. 

Nguyễn Khắc Phục - người hùng văn chương có tấm lòng hào hiệp ảnh 2

“Hỗn độn”, cuốn tiểu thuyết mới của Nguyễn Khắc Phục

Truyền cảm hứng anh hùng, yêu nước

Nguyễn Khắc Phục vẫn chưa hết phấn chấn khi đứa con tinh thần được viết giữa những ngày bệnh trọng - tiểu thuyết mang tên “Hỗn độn” vừa được in. Bao nhiêu năm ông lang bạt và cô đơn giữa cuộc đời. Tôi từng gặp ông lúc trong căn nhà trọ trên phố Dã Tượng, lúc thì thấy ông hì hục vẽ trong một căn hộ thuê gần hồ Tây. Viết hàng chục cuốn tiểu thuyết bán chạy, rồi hàng trăm kịch bản phim, kịch bản cho lễ hội quốc gia, nhưng ông vẫn ở nhà trọ, cơm hàng cháo chợ mấy mươi năm. Nghe nói có được bao nhiêu tiền ông dành giúp những người có hoàn cảnh khó khăn và âm thầm làm từ thiện. 

Trong số 12 cuốn tiểu thuyết của mình, ông tâm đắc nhất là 3 bộ tiểu thuyết: Thăng Long ký, Bay qua cõi chết và Hỗn độn. Ông bảo: “Cái tên Thăng Long vẫn tồn tại qua nghìn năm, không phải bằng gươm giáo, súng bom, cũng chả phải vì địa lợi nhân hòa mà là nhờ truyền thống anh hùng và văn hiến hun đúc nên. Là vì vua tôi hòa thuận, là vì biết tựa vào lòng dân, tập hợp được lòng yêu nước của trăm họ.

Viết bộ ba tiểu thuyết này, mình chỉ tham gia vào việc truyền cảm hứng anh hùng, cảm hứng yêu nước và cảm hứng văn hóa cho các bạn trẻ”. Nguyễn Khắc Phục viết tới cả trăm kịch bản sân khấu, điện ảnh, kịch bản lễ hội và năm, sáu nghìn trang tiểu thuyết trong mấy năm, nhưng ông không mấy khi ồn ào xưng tụng. Ông viết văn chương trong cô đơn, lặng lẽ. Có lúc ông  nhẹ nhõm bông đùa: “Tôi chỉ là một kẻ ham chơi và ham sống, còn viết thì đã có một đấng nào đó trong con người mình viết ra đấy, tôi có làm gì đâu”. 

Tếu táo thế thôi chứ ông còn nặng nợ với văn chương lắm. Bằng chứng là sau khi vào Viện 103 làm thuốc hay hóa trị, xạ trị xong là đòi về nhà ngay. Về để chơi với đứa con trai bé bỏng đáng yêu và để chơi với… chữ nghĩa. Bây giờ ông bắt đầu có cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa bên vợ đẹp, con xinh và tình cảm bạn bè. Với Nguyễn Khắc Phục, tôi nghĩ, ông có một tính cách mạnh mẽ, yêu ghét rành mạch và cũng vô cùng nhân hậu, tính cách một nhà văn, một nhà thơ, một nhà viết kịch và có lẽ là cả một họa sĩ... Tính cách ấy đôi  khi cực đoan một cách khó hiểu. Nhưng ông là người tử tế. Ông sẵn sàng móc đến đồng bạc cuối cùng từ túi mình để giúp đỡ bạn bè khó khăn, cơ cực hay tặng cụ già, em bé lang thang cơ nhỡ ông gặp trên phố.

 

Chạy đua cùng thời gian

Hôm tôi vào thăm, ông kể: “Mình có 3 dự định. Một là, in và phát hành tiểu thuyết “Hỗn độn”, dày gần 1.000 trang khổ A4. Hai là hoàn tất công trình khảo cứu “Những bài học giữ nước”, dự kiến cũng gần một nghìn trang. Và ba là, in “Toàn tập Nguyễn Khắc Phục” với tiêu đề “NKP gửi lại”... Ông bảo, tất cả những gì Phục đã viết ra thì chứa hết vào “NKP gửi lại”, để lại cho đời. Chừng ấy thôi đủ để làm nhiều người cầm bút ngả mũ nghiêng mình. Ông  bây giờ đang chạy đua với thời gian. Bao nhiêu công việc, bao nhiêu dự định còn dang dở. Gắn bó với nghiệp chữ 50 năm, người ta gọi ông là “tên khổ sai trên cánh đồng chữ nghĩa” không ngoa. Bây giờ khi tôi viết những dòng này thì tiểu thuyết “Hỗn độn” đã được xuất bản ra mắt.

Đây là cuốn sách tâm đắc nhất của ông về thế sự, về nhân tình. Tiểu thuyết có cấu trúc như tên gọi, nghĩa là rất… Hỗn độn. Tác phẩm bắt đầu từ chặng cuối câu chuyện, các nhân vật, địa danh không theo trật tự thông thường nào. Địa danh và không gian tiểu thuyết rất lạ: với Ngõ Vong, Rốn Rồng, Vườn Tỏi, xứ Lạc Quốc... Các nhân vật đều gợi sự kỳ quặc dị hợm: người Rơm, anh Hề, Người Mê, Vong Mũ Sắt… Thông qua những nhân vật, Nguyễn Khắc Phục vẽ ra một hiện thực xã hội chua xót, đưa ra những thông điệp có cảm giác bất an về sự xuống cấp lệch chuẩn, về sự tha hóa. Tác phẩm là lời cảnh báo xã hội về sự xuống cấp của đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử…Chúc ông luôn vui vẻ, hạnh phúc và thành công với những gì mà “NKP gửi lại” đã ấp ủ bấy lâu.