Nguyễn Hiếu - nhà văn “sát” giải

(ANTĐ) - Tôi gặp lão trong buổi lễ trao giải truyện ngắn và ký viết về người Chiến sĩ Công an Thủ đô do Công an thành phố Hà Nội tổ chức. Lão được giải nhất với bút ký: “Cha tôi, người công an Hà Nội”. Tôi xin phép được gọi nhà văn Nguyễn Hiếu là lão, bởi nếu nói về tuổi tác thì tôi ở hàng con cháu. Lão tuổi Mậu Tý, cùng tuổi với cha tôi. Gọi nhà văn Nguyễn Hiếu bằng cái danh xưng ấy nó mới hợp với cái chất hài trong bút pháp của lão.

Nguyễn Hiếu - nhà văn “sát” giải

(ANTĐ) - Tôi gặp lão trong buổi lễ trao giải truyện ngắn và ký viết về người Chiến sĩ Công an Thủ đô do Công an thành phố Hà Nội tổ chức. Lão được giải nhất với bút ký: “Cha tôi, người công an Hà Nội”. Tôi xin phép được gọi nhà văn Nguyễn Hiếu là lão, bởi nếu nói về tuổi tác thì tôi ở hàng con cháu. Lão tuổi Mậu Tý, cùng tuổi với cha tôi. Gọi nhà văn Nguyễn Hiếu bằng cái danh xưng ấy nó mới hợp với cái chất hài trong bút pháp của lão.

Trong làng văn người ta bảo lão là người “sát” giải. Lão viết đủ các thể loại, tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện hài, truyện thơ thiếu nhi, thơ, rồi kịch, kịch bản phim... Thậm chí lão còn nhảy vào “chơi” cả phê bình văn học. Thể loại nào lão cũng chơi. Không kể lão lại là nhà báo chuyên nghiệp sau 39 năm công tác ở Đài lão còn có hàng nghìn bài báo đủ mọi thể loại, hơn 500 kịch truyền thanh. Lo đã “ẵm” khối giải thưởng, từ giải thưởng thơ của Hội Nhà văn, giải của Hội Liên hiệp VHNT, giải truyện ngắn của Báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Giải liên hoan sân khấu, đến các giải viết cho các ngành như ngành Giao thông vận tải, công an…

Nếu kể về tiểu thuyết, thì cái “gia sản” của lão khiến nhiều người phải kinh ngạc, nhất là trong cái thời buổi trên văn đàn tiểu thuyết đang “đói kém mất mùa” như bây giờ. Chỉ độ chục năm, quãng những năm 80-90, lão đã cho ra đời cả tá tiểu thuyết, mà mỗi khi nhắc đến lão, người ta liệt kê ra hàng loạt tác phẩm, nào là “Vết xoáy giữa ngực làng” “Dòng sông máu”, “Bụi đường”, “Người đàn bà quỷ ám”, “Chuyện tình người điên”, “Tôi bán mình” ”Chân trời vỡ đôi”, “Quá cảnh”,”Lặng lẽ cuối cùng”,”Bốn bước dến chân trời”… Kể không xiết… Còn bây giờ, cứ trung bình mỗi năm lão ra chí ít là một tiểu thuyết, hơn chục cái truyện ngắn đủ cho một tập, hay một vở kịch, vài chục bài thơ. Nói về sức viết tiểu thuyết của mình, lão tự nhận là lão viết dàn dạt, viết hùng hục, viết như nhu cầu ăn và thở. Mỗi ngày mà lão không nhả ra hai trang văn thì không yên cõi dạ.

Nhà văn Ma Văn Kháng - một người thuộc hàng viết khoẻ, một người mà lão kính phục trong làng văn đã từng phải nói với lão rằng: “Chú là lực sĩ của văn xuôi Việt Nam”, còn nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn thì gọi lão là: “Thằng cha đi xe máy bằng tiểu thuyết”. Lão gật gù. Cũng đúng. Lão sống được bằng nghề viết. Lần đầu tiên từ năm 1973, lão được cái giải thưởng thơ, đủ tiền đưa vợ chưa cưới may bộ áo dài, lại thêm cả đưa tiền cho bố mẹ làm cỗ cưới, còn rủng rỉnh đãi bạn bè. Người ta nhắc đến tiểu thuyết của lão như một sự cách tân với cái cách dựng chuyện hư hư thực thực. Văn phong của lão ngắn gọn, chấm câu liên tục, không mấy hoa mỹ cầu kỳ nhưng bằng bút pháp dữ dội và hài hước, lão đã  khiến cho người đọc cứ hùng hục chạy theo lão cho đến khi kết thúc câu chuyện mới… thở phào vì những cái kết chuyện, nhưng cũng đầy chiêm nghiệm. Cái cách kể chuyện đó chẳng khác nào cái cách lão nói chuyện ở ngoài đời. Người nào văn nấy.

Nói về truyện ngắn hài của lão thì cũng khối chuyện. Tập truyện ngắn đầu tiên của lão ra đời - năm 1984 mang tên “Chuyện cái vòi nước” đã khiến nhiều người để ý đến lão đặt nhiều kỳ vọng về khả năng viết truyện hài của Nguyễn Hiếu. Sau tập truyện đó lão còn ra thêm vài tập truyện ngắn nữa như “Cười dành cho tất cả”;  “Bóng ảnh cuộc đời”; “Khi người đàn bà trở về”. Mới đây, lão có gửi cho tôi đọc mấy truyện ngắn lão mới in: “Đường vòng của tình yêu”, “Giải cứu nàng ma nơ canh” và “Trên mặt đất lại có người”. Theo nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái thì đây là 3 truyện “Nguyễn Hiếu khuyến mại chất hài” và “sự cách tân trong cách kể chuyện và sự may mắn bắt gặp được cặp Chí Phèo - Thị Nở hiện đại trong bối cảnh truyện ngắn khó lường của thập kỉ đầu thế kỉ 21 này”. Tôi đọc thấy khoái quá, mặc dù cốt truyện không có gì lạ, nhưng cái cách kể chuyện của lão rất cuốn hút vì có tính kịch ở trong đó. Lão “thắt nút”, “mở nút” cho những chi tiết rất hài hước nhưng cũng nhiều suy ngẫm khiến người đọc thú vị.

Lão làm thơ từ khi còn đi học, đến nay đã ngoại lục tuần lão vẫn tiếp tục làm thơ. Ngay từ thời sinh viên mà lão đã có câu thơ rất hay như thế này: “Tiếng bom nổ làm méo cả vầng trăng”. Với một câu thơ như thế, ai bảo lão không phải nhà thơ. Tôi còn nhớ mấy câu thơ của lão mới cho in gần đây: “Lâng châng là chiếc váy lành. Còn đôi váy rách để dành trời mây.” (Tuỳ hứng Đông hồ). Hay “Ta đội trăng về bến cũ. Xéo nghiêng dải yếm em chờ. Một chút hương nhài trùm lên nhớ. Lễnh loãng lòng riêng hoá thơ” (Ta như mầm thức đợi mong). Nếu ai đã từng đọc văn xuôi của lão thì quả là bất ngờ với những câu thơ mang hồn của dân ca như vậy. Bây giờ, lượng thơ của lão cũng tới con số hàng trăm. Dịp kỷ niệm Hà Nội nghìn tuổi, Nhà xuất bản Hà Nội in cả tuyển tập, gồm 10 tập trong đó có cả tiểu thuyết, truyện ngắn, cả kịch và một tuyển thơ dày gần 500 trang. Lại nói đến kịch, lão đã viết tới 52 vở. Nhưng khi tôi hỏi, đã được dựng mấy vở, lão co hai chân lên ghế, hóm hỉnh giơ 4 ngón tay rồi cười khèn khẹt.

- PV:  40 năm viết kịch, đã có  tới 52 vở mà chỉ được dựng có 4 vở, ông không buồn sao?

- Nhà văn Nguyễn Hiếu:  Băn khoăn một chút nhưng không thấy buồn. Có lẽ do tạng của tôi. Tôi rất ngại buồn. Hơn nữa tôi viết nhiều thể loại. Thiên hạ chưa ăn cái này thì chắc phải chén cái khác của tôi. Đầu bếp Nguyễn Hiếu xào xáo và bồi bàn Nguyễn Hiếu lại dọn ra mà.

- PV: Ông đã từng nói sáng nào cũng phải nhả ra hai trang văn thì mới yên cõi dạ, dạo này ông đang viết gì thế?

- Nhà văn Nguyễn Hiếu:  Lúc này đang cò cưa hai cái truyện ngắn, một bài báo kinh tế cho tờ báo nước Áo đặt. 

- PV: Ông đã xuất bản 20 cuốn tiểu thuyết, bây giờ nhìn lại ông có thấy “choáng” với sức viết của mình không?

- Nhà văn Nguyễn Hiếu: Tôi là con một nên cách trả nghĩa cha mẹ tốt nhất là đông con, nhiều cháu. Trong văn chương tôi cũng tâm niệm thế.

- PV: Ông nghĩ sao về sự nổi tiếng của một nhà văn?

- Nhà văn Nguyễn Hiếu:  Cũng tùy. Có nhà văn chỉ viết được một bài thơ, một truyện ngắn là tịt ngóm. Có người thì lại đẻ sòn sòn mà tác phẩm nào cũng có sức hút. Sự nổi tiếng không quan trọng bằng sự thâm hậu của nghề cấm bút. Ơn trời tôi cảm thấy tôi có đôi chút của sự thâm hậu đó.     

- PV: Nghe nói, ông còn 2 cuốn tiểu thuyết nữa, chưa in. Ông có thể cho biết đó có phải là những trang viết về Hà Nội?

- Nhà văn Nguyễn Hiếu: Một cuốn là “Mặt nạ để đời “ viết về một vụ án xảy ra ở thành phố mà cho dù tôi cố gián cách nhưng chắc là người đọc vẫn nhận ra không gian nội thành Hà Nội. Một cuốn là “Dương gian trong sọt”. Cuốn này tôi viết theo trường phái “tiểu thuyết tự sự hư cấu”. Chuyện xảy ra ở một làng ngoại thành có tên là làng Chiện - căn làng ít ra đã vào tiểu thuyết và truyện ngắn và nếu kể cả thơ của tôi thì phải đến chí ít gần trăm lần. Nguyên mẫu là làng Chèm quê ngoại của tôi.    

- PV: Cảm xúc của ông thế nào mỗi khi viết về Hà Nội và khi NXB Hà Nội đã in một bộ tuyển tập Nguyễn Hiếu?

- Nhà văn Nguyễn Hiếu: Khi viết thì tôi lạnh và lỳ lắm. Nhưng đọc lại thì đôi khi lại rơi nước mắt. Còn khi cầm mấy tập đầu trong tuyển tập tôi run người lên vì hiểu rằng tình yêu, ân nghĩa văn chương của tôi đối với Hà Nội ít nhiều đã hiển hiện lên vật chất một cách cụ thể. Sờ được, đọc được.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Đinh Hương Bình