Nguyễn Chánh, vị tướng của Liên khu 5

Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tướng Nguyễn Chánh chỉ sống 43 năm trên cõi đời này, nhưng để lại sự nghiệp bất tử.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Nguyễn Chánh là con người thông minh và hiếu học, rất giàu những phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng, từ đó mà cũng rất giàu trí tuệ và tài năng. Anh bắt đầu giác ngộ cách mạng và hoạt động cách mạng từ thời rất trẻ, đã vào tù ra tội nhiều lần và suốt đời phấn đấu vì mục tiêu cao cả...”.
Và “Nguyễn Chánh đã cùng tập thể đưa đội du kích Ba Tơ thoát khỏi tình trạng bế tắc, nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, làm nòng cốt vững chắc cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thành công hoàn toàn ở Quãng Ngãi và một số tỉnh Nam Trung bộ...”.
Từ những ngày đầu đến tháng 8/1945
Ông sinh trưởng trong một gia đình nho học yêu nước và cách mạng xã Tịnh hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Ở tuổi 15 (1929) tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, vào Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó là Đảng Cộng sản Đông Dương) năm 1931. Cũng từ đó, ông nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam.
Năm 1936-1939, tham gia phong trào Mặt trận dân chủ. Năm 1945, ông đảm nhiệm chức vũ bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, bí thư liên tỉnh ủy Quãng Ngãi - Bình Định, tham gia lãnh đạo đội du kích Ba Tơ, lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quãng Ngãi ngày 14/8/1945 - nơi cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra sớm nhất cả nước.
Từ 1914 đến 1945, 31 năm Nguyễn Chánh đã đi chặng đường sôi nổi, đầy nhiệt huyết. Ngay từ thời niên thiếu và thời thanh niên trên mảnh đất bạc màu, có vùng chỉ toàn cát trắng, nên con người sớm chịu đựng, vất vả, có chí khí vươn lên.
Tấm gương của tú tài Trương Quang Trọng đã khắc sâu trong trí nhớ Nguyễn Chánh. Anh Trọng là Bí thư Thanh niên cách mạng đồng chí hội từ 1929. Bị Pháp bắt, kết án 20 năm tù, bị đày lên Kon Tum, anh Trọng lãnh đạo anh em trong ngục đấu tranh chống lại chế độ tàn ác với tù nhân.
Bọn cai tù hỏi: Ai là Trương Quang Trọng? Anh Trọng đứng lên: Tao đây!. Chúng hô: Bắn!. Những ngày bị tù sau này, anh Chánh đọc đi đọc lại:
Khí xung mất vía phường cai trị
Máu đổ kinh hồn bọn sếp lao...

Và anh nói: “Làm người phải như thế, phải là người biết tử sanh”. Đất Quảng Ngãi và truyền thống quê hương đã hun đúc nên con người anh từ thuở ấu thơ như thế.
Tên anh thuở nhỏ là Nguyễn Hiệp, thường gọi là Nguyễn Chín vì là con thứ chín trong nhà. Khi bị tù lần đầu năm 17 tuổi, anh lấy tên là Nguyễn Chánh. Anh bước vào hoạt động năm 15 tuổi, nhiệm vụ đầu tiên là liên lạc, bảo vệ... và được giới thiệu với anh Trọng thời gian này.
Hai năm tù ở tuổi 17-19, anh đã trải nghiệm rất nhiều. Ra tù, anh tìm cách liên lạc với các cơ sở, đi vào các phong trài mới hình thành.
Năm 1937-1938 là Thường trực tỉnh ủy Quãng Ngãi phụ trách đấu tranh công khai. Từ 1939-1945 bị tù lần 2, đầy lên Buôn Ma Thuộc. Trong tù, anh tập trung học tập nhiều mặt. Tháng 9/1944, theo pháp luật, anh mãn hạn tù nhưng Pháp đưa anh về quản thúc ở Phú Bài, Thừa Thiên.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, anh về Quảng Ngãi, được giới thiệu và Tỉnh ủy và Tỉnh ủy phân công anh lên lãnh đạo Đội du kích Ba Tơ. Nhiều tướng lĩnh sau này của quân đội ta là thành viên Đội du kích Ba Tơ ngày ấy: Phạm Kiệt, Trần Quý Hai, Nguyễn Đôn... Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, Nguyễn Chánh đã nói với các đồng chí ca-sô Thừa Thiên (Huế): “Tình hình này, thế nào ở Ba Tơ cũng có khởi nghĩa, tôi phải về ngay”.

Chân dung Tướng Nguyễn Chánh. Ảnh: Wikipedia
Chân dung Tướng Nguyễn Chánh. Ảnh: Wikipedia

Người chỉ huy của Liên khu 5, Ủy viên quốc phòng Trung bộ
Sau Cách mạng tháng 8/1945, Ủy ban cách mạng Trung bộ được thành lập, Trần Hữu Dực làm Chủ tịch, Nguyễn Chánh là Ủy viên quốc phòng. Khi đó tình hình rất khẩn trương, quân Pháp đã gây hấn ở Nam bộ, đánh ra Nha Trang và Tây Nguyên.
Với cương vị Ủy viên quốc phòng Trung bộ, Nguyễn Chánh chỉ đạo trực tiếp lực lượng Nam tiến và tổ chức cả lực lượng lên đánh Pháp ở Pha-lan, Mường Phìn trên đất Lào, ngăn địch từ Lào đổ xuống theo đường 9.
Giai đoạn này, ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, coi đây là mặt trận chính, phương châm của ta là tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân địch, phá hủy phương tiện chiến tranh, ghìm chân địch, bao vây không cho chúng phối hợp với các hướng từ Tây Nguyên xuống, từ Khánh Hòa ra. Ta đã khẩn trương củng cố các Trung đoàn 96, 93, xây dựng dân quân tự vệ rộng khắp. Nhờ vậy Quảng Nam - Đà Nẵng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, “đánh mạnh nhất và dẻo dai nhất”.
Vai trò xuất sắc của Tướng Nguyễn Chánh thể hiện đậm nét khi ông làm Bí thư liên khu ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp.
Liên khu 5 bấy giờ có 12 tỉnh: Quảng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên..., có vùng tự do gồm gần 4 tỉnh với hơn 3 vạn cây số vuông và 2,5 triệu dân. Và những khó khăn về thiên tai, hạn hán, về những sai lầm trong chính sách tổng động viên và thuế nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Nguyễn Chánh xác định những việc làm lâu dài: đây là kháng chiến toàn dân, toàn diện, cần phải tổ chức cho toàn dân đánh giặc, cần xây dựng căn cứ cho từng tỉnh, từng huyện; cần phải tự lực các mặt để kháng chiến lâu dài; phải xây dựng lực lượng vũ trang có dân quân tự vệ và bộ đội địa phương một cách rộng khắp, đồng thời phải xây dựng chủ lực mạnh để có quả đấm quyết định...
Ông đã vận dụng sáng tạo phương thức “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” vào điều kiện chiến trường liên khu 5, nhất là Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy, ông có niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của dân và lòng thương yêu nhân dân như mấu thịt của mình. Điều ấy có từ khi ông chỉ huy Đội du kích Ba Tơ cùng Phạm Kiệt.
Ông quyết đoán dám đưa Đội du kích Ba Tơ về đồng bằng, vì “xây dựng căn cứ trong nhân dân là vững chắc nhất”. Ông đích thân xuống tận nơi có nạn đói xảy ra, ông chăm lo xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ, chỉ đạo thực hiện giảm tô, giảm tức.
Ông cùng cán bộ từng bước xây dựng các xưởng cơ giới, nhồi lại các viên đạn DAM, tiến lên sản xuất vũ khí trang bị đáp ứng yêu cầu tác chiến của quân dân trong Liên khu 5 và chi viện cho chiến trường bạn.
Do những chủ trương sáng suốt như vậy, quân dân Liên khu 5 đã 3 lần đánh bại các cuộc hành quân lớn hải, lục, không quân của Pháp hòng chiếm vùng tự do (vào cuối năm 1945-đầu 1946, cuối 1946-đầu 1947 và điển hình là đánh bại hành quân Atlăng 1954).
Trước khi đánh bại hành quân Atlăng, Liên khu 5 đã mở chiến dịch An Khê (13-28/1/1953) để tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp với chiến trường chính Bắc bộ.
Ta đã loại khỏi chiến đấu 900 địch, thu nhiều vũ khí trang bị (có 1 pháo 105 mm), giải phóng 10.000 dân, đánh dấu sự trưởng thành của quân dân Liên khu. Nguyễn Chánh trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư đảng ủy chiến dịch An Khê.
Lãnh đạo Liên khu 5 đã có những biện pháp rất hiệu quả trong chiến cục Đồng Xuân 1953-1954, góp phần quan tọng vào thắng lợi chung của cả nước. Phía Pháp đã tung ra hơn 20 tiểu đoàn cơ động mạnh có yểm trợ của phi pháo mở cuộc hành quân Atlăng từ tháng 1-3/1954 do tướng Bô Pho chỉ huy với tham vọng đánh chiếm toàn bộ vùng tự do Liên khu 5.
Kế hoạch dự kiến gồm 3 bước nhưng mới vào bước 2 đã phải bỏ dở. Bước 1 bắt đầu từ 20/1 bằng cuộc tiến công đánh chiếm nam Phú Yên với lực lượng gồm 22 tiểu đoàn. Các lực lượng vũ trang Liên khu 5 đã mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên từ 26/1 đến 17/2 buộc Tổng tư lệnh quân Pháp Nava phải ra lệnh tạm ngừng cuộc hành quân, rút 6 tiểu đoàn bộ binh và dù lên ứng cứu Tây Nguyên.
Ngày 12/3, Pháp mở tiếp bước 2, cho quân đổ bộ lên bờ biển Quy Nhơn, Bình Định. Lúc này ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3-7/5/1954) và đẩy mạnh hoạt động đánh địch trên các chiến trường, buộc Nava phải ra lệnh kết thúc hành quân Atlăng.
Trong chiến dịch Bắc tây Nguyên ở Kon Tum và Gia Lai, ta diệt và bắt hơn 2.300 địch, giải phóng thị xã Kon Tum và vùng chiến lược rộng gần 16.000 km2.
Trong nghệ thuật điều hành tác chiến, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã nắm vững và kiên định thực hiện linh hoạt phương châm “tránh mạnh, đánh yếu”, nhưng khi cần, ta cũng kiên quyết tập trung lực lượng tiêu diệt gọn các cứ điểm mạnh để phá thế trận.
Quá trình này, Tư lệnh Nguyễn Chánh cùng tập thể đã nắm chắc tình hình và nhất là có nhãn quan chiến lược, dự báo chính xác, có biện pháp hiệu quả. Trong khởi nghĩa, ông đã chủ động trong Cách mạng tháng 8 ở Quãng Ngãi. Trong chiến dịch Tây Nguyên, ông xử trí quyết đoán, chính xác các tình huống khẩn cấp trong các trận then chốt như Mang Đen, Đăk-đoa, Thượng An, Đăk-pơ....
Đại tướng Nguyễn Quyết viết: “Anh Chánh, một con người, một cuộc đời sáng trong, người anh hùng đã một thời oanh liệt của khúc ruột miền Trung kiên cường và bất khuất”.
Thắm tình trọn nghĩa, trọn lòng với văn hóa
Ngay sau khi Cách mạng tháng 8 mới thành công và tiếng súng chống xâm lăng đang vang động ở Nam bộ, ông đã suy nghĩ và có biện pháp xây dựng, chăm sóc lớp người mới, hiểu và làm theo lời dặn của Hồ Chủ tịch: “chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”.
Liên khu 5 đã có nhiều thành tựu về mở lớp bình dân học vụ, về nâng cao giáo dục để sau này có các nhà khoa học nổi tiếng vốn là học sinh khu 5 trong chống Pháp như giáo sư Hoàng Tụy, nghệ sĩ nhân dân Vũ Thị Lệ Thi, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Nho Túy...
Ông là người cho thành lập Đoàn văn công Nam Trung bộ, cái nôi của bao thế hệ tài danh sau này. Khi tập kết ra Bắc, ông đã đến với văn nghệ sĩ với tư cách một người am hiểu, có năng khiếu, có tâm hồn nghệ sĩ và sự đồng cảm tinh tế về đặc điểm lao động nghệ thuật. Vì vậy, văn nghệ sĩ cũng đến với ông bằng tất cả tấm lòng mến phục và niềm tin yêu sâu sắc.
Ở miền Bắc từ năm 1954, ông được cử làm Phó Tổng tham mưu trưởng rồi Chủ nhiệm Tổng cục cán bộ thuộc Bộ Quốc phòng, tham gia Quân ủy trung ương.
Ông cùng các đồng chí lo việc tập kết chuyển quân, thi hành Hiệp định Geneve, đấu tranh chống địch vi phạm Hiệp định, bảo vệ miền Bắc, xây dựng quân đội nhân dân từng bước lên chính quy, hiện đại... Mọi việc đều phải làm từ đầu nên khó khăn vất vả tăng lên gấp bội, tuy không khỏe nhưng ông cố gắng không kể ngày đêm... để công việc đi vào nề nếp.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên nhớ lại: “Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, một hôm anh Chánh gặp cán bộ từ cấp trung đoàn (của Liên khu 5) trở lên để anh chia tay về Bộ nhận nhiệm vụ khác...
Anh nói: trong quá trình làm việc, chiến đấu, có thành công, có thất bại. Thành bại là lẽ thường. Song vấn đề quan trọng và quyết định nhất là ở chỗ biết nhìn thấy và tìm được nguyên nhân của nó. Phải luôn nhớ kỹ như một điều tâm niệm là, khi thành công thì phải tìm nguyên nhân ở khách quan là chủ yếu, còn khi thất bại thì phải tìm nguyên nhân chủ yếu là chủ quan. Tuyệt nhiên không được tranh công đổ lỗi, thành là do mình, còn bại là do người, do khách quan. Chỉ có như thế thì mới có hướng đi đúng, có giải pháp phù hợp và mới tiến bộ”.
Khi phụ trách công tác cán bộ, tướng Nguyễn Chánh khẳng định cán bộ giỏi là nhân tố quyết định cho sự nghiệp thành công; cán bộ giỏi không bao giờ tự có, phải qua chu trình với nhiều công sức và giải pháp công phu từ khâu phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng, sử dụng... mới có. Cái nhân và cái quả đều xuất phất từ đây. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan tổ chức cán bộ phải thực sự là “cây cổ thụ” có được bóng cả làm chỗ dựa thực sự cho cán bộ về niềm tin và tình cảm, làm cho cán bộ đi đâu, về đâu cũng đều muốn ghé vào cơ quan cán bộ như ghé vào mái nhà thân thương của mình.
Ngày ông ra đi, nhà thơ Tế Hanh viết:
Ngọn lửa Ba Tơ bừng giữa núi
Anh góp phần chuyển xuống đồng bằng
Cách mạng dấy lên từ Quảng Ngãi
Lan tràn như sóng khắp khu Năm
Giặc Pháp ào ào lên phía biển
Anh tiến quân giải phóng Tây Nguyên
Âm mưu xâm lược thành mây khói
Chiến thắng hợp đồng với Điện Biên
Vị tướng tài năng của nước nhà
Qua đời giữa tuổi bốn mươi ba
Ghi một dấu son hình núi Ấn
Sáng ngời soi xuống dải sông Trà

Nguyễn Chánh, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một vị tướng tài của quân đội:
“Lần đầu tôi biết và làm việc với anh vào những ngày đấu tranh hào hùng của Cách mạng tháng 8/1945, đặc biệt vào những ngày cuộc kháng chiến ở Nam bộ và Nam Trung bộ diễn ra sôi nổi.
... Cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến của anh gắn với Liên khu 5, tức vùng Nam Trung bộ, một chiến trường khó khăn về kinh tế, bị địch bao vây bốn bề, ở xa trung ương..., có chiến trường Tây Nguyên rất quan trọng, khống chế cả Nam Đông Dương và nối liền hành lang huyết mạch với Nam bộ.... Sự phát triển tài năng của anh có thể nói là một trường hợp khá đặc biệt. Anh chưa từng được qua trường lớp nào... nhưng là một người thông minh, có ý chí tiến thủ mạnh, khiêm tốn và ham học. Anh đoàn kết, tập hợp được cán bộ và chiến sĩ, quân và dân. Anh là người chỉ huy nghiêm khắc, quyết đoán nhưng cũng lại là người cởi mở, nhân hậu, giản dị, ăn ở thủy chung. Anh mất sớm là một tổn thất lớn của Đảng và quân đội, tôi mất đi một người bạn chí thiết”.
(Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Văn Tuấn